Thuốc tắm của người Dao
Các Website khác - 27/01/2006
Cụ Pàn Sử Mẩy, người Dao đỏ
chặt cây đìa giản để làm thuốc tắm.
Người Dao có bài thuốc tắm truyền thống có tác dụng phục hồi sức khỏe tốt. Phương pháp này cũng được khách du lịch tới Sa Pa rất ưa chuộng.
Nhiều người trong chúng ta chắc đã có lần nghe nói các sản phụ người dân tộc thường được tắm bằng một thứ nước từ cây cỏ để cho cơ thể chóng bình phục. Chỉ vài ngày sau khi đẻ, sản phụ đã có thể lên nương làm rẫy, có khi còn địu cả trẻ sơ sinh đi cùng. Phải chăng nhờ có thuốc tắm mà họ có thể phục hồi sức khỏe nhanh chóng như vậy?

Ngoài các dạng thuốc truyền thống thường gặp trong cộng đồng dân tộc ở miền núi, như thuốc sắc, rượu thuốc, cao thuốc để uống, thuốc đắp bó gãy xương... còn có thuốc tắm của người Dao. Thuốc tắm (tiếng Dao gọi là đìa dảo xin) không chỉ của người Dao đỏ ở Sa Pa mà còn là dạng thuốc của nhóm người Dao khác ở Việt Nam. Hầu hết các thành viên trong mỗi gia đình người Dao đều biết cây thuốc tắm. Tuy nhiên, phụ nữ Dao thường biết nhiều hơn, biết rõ nơi mọc của cây thuốc tắm và cách khai thác bền vững nguồn tài nguyên để còn có thể sử dụng lâu dài.

Bài thuốc tắm của người Dao đỏ ở Sa Pa bao gồm nhiều loại cây hơn so với các nhóm người Dao khác. Có thể là do kinh nghiệm sử dụng cây cỏ của họ phong phú hơn và thiên nhiên ở nơi cư trú của họ cũng có nhiều loại cây thuốc hơn. Số cây thuốc trong một bài thuốc tắm thường rất lớn, dao động từ 10 - 120 loài, thuộc nhiều họ thực vật và dạng sống khác nhau. Trong đó có khoảng 5-10 cây thuốc được coi là quan trọng nhất.

Thống kê sau đây cho thấy số loài trong các họ thực vật thường được người Dao đỏ ở Sa Pa sử dụng làm thuốc tắm: Họ Actinidiaceae (1 loài), Annonaceae (2), Araceae (2), Araliaceae (1 ), Aristolochiaceae (1), Asteraceae (2), Capparidaceae (1), Convallariaceae (1), Cucurbitaceae (1), Equisetaceae (1), Euphorbiaceae (1), Fabaceae (2), Gesneriaceae (1), Hernandiaceae (3), Lamiaceae (2), Lardizabalaceae (1), Moraceae (3), Oleaceae (1), Ranunculaceae (5), Rubiaceae (3), Rutaceae (1 ), Schisandraceae (1), Zingiberaceae (2). Tổng cộng 39 loài (Theo Trần Văn Ơn, Chương trình điều tra bài thuốc tắm, 2004).

Bài thuốc tắm dựa trên một số cây thuốc cơ bản và gia giảm tùy mục đích sử dụng. Điều này làm cho thuốc tắm của người Dao trở nên đa dạng. Cây để nấu nước tắm thường dùng tươi hoặc đã làm khô. Nếu sử dụng cho gia đình hay cho khách tắm tại nhà như đã được tổ chức gần đây ở các xã Tả Van, Tả Phìn (Sa Pa) thì dùng tươi. Đối với một số cây hiếm cần dự trữ để sử dụng quanh năm, người ta phải làm khô (thường bó lại từng nắm nhỏ rồi để trên gác bếp). Một số hộ gia đình đi lấy cây thuốc để bán phải chặt các cây thuốc thành đoạn hoặc băm nhỏ rồi phơi khô.

Sau khi lấy đủ nguyên liệu, các cây thuốc được cho vào chảo hay nồi lớn có dung tích khoảng 50 lít, đun sôi trong nước khoảng 20 phút. Nước thuốc được đổ vào thùng gỗ lớn đủ cho một người ngồi vào (hiện nay một số nơi thay bằng thùng nhựa). Để nhiệt độ giảm còn khoảng 50oC (hoặc có thể pha thêm nước mát vào nước cốt đặc). Người tắm ngâm mình vào nước thuốc trong thời gian khoảng 15-30 phút, khi thấy toát mồ hôi, tim đập mạnh và thở nhanh thì thôi.

Thuốc tắm dùng để chữa các bệnh đau nhức cơ, xương, khớp, cảm cúm, ngứa, táo bón, đinh nhọt hoặc để tăng cường thể lực cho phụ nữ sau đẻ, hoặc người sau khi ốm. Người lao động nặng nhọc, mệt mỏi, sau khi tắm thấy cơ thể nhẹ nhõm, tinh thần sảng khoái, sức khỏe được hồi phục. Tùy từng người, nếu ngâm thuốc tắm quá lâu có thể sẽ bị say thuốc và buồn ngủ. Trong trường hợp này chỉ cần nằm nghỉ hoặc ngủ một lúc sẽ hết.


Một cơ sở kinh doanh thuốc tắm của người Dao đỏ ở thị trấn Sa Pa.

Trong khoảng 5 năm gần đây, thuốc tắm của người Dao đã bắt đầu được thương mại hóa. Các nhà nghỉ, khách sạn, bệnh viện ở Sapa và cả Hà Nội đã bắt đầu sử dụng loại thuốc tắm này như một "mặt hàng độc" để thu hút khách hàng. Khách hàng là khách du lịch trong nước và nước ngoài (chủ yếu là người Pháp). Giá mỗi lần tắm tại cộng đồng (ở xã Tả Van, Tả Phin) khoảng 20.000 -30.000 đồng. Tại Sa Pa, các nhà khách hay khách sạn đang kinh doanh thuốc tắm giá mỗi lần là 30.000 - 50.000 đồng. Cách kinh doanh này sử dụng mỗi năm khoảng 10 tấn dược liệu tươi .

Thuốc tắm còn được bán dưới dạng nguyên liệu. Một số khách sạn mua các cây thuốc riêng lẻ từ Tả Phìn, Tả Van về sau đó chế thành dạng bột khô, đóng gói dưới dạng nhúng, mỗi gói 200g giá bán 20.000 đồng. Có khoảng 10 quầy thuốc tại chợ Sapa cũng tham gia kinh doanh thuốc tắm. Trong trường hợp này, các gói thuốc tắm khô có thành phần cây thuốc ít hơn, khoảng 5-6 loại (có thể tới 9 loại), với giá từ 10.000 - 30.000 đồng/gói (khoảng 1 kg). Giá mua vào của các quầy thuốc khoảng 3.000 đồng/kg. Cách kinh doanh này sử dụng mỗi năm khoảng 12-15 tấn dược liệu tươi. Một số hộ gia đình người Dao vừa tổ chức tắm tại nhà, vừa thu hái để bán cho khách dưới dạng nguyên liệu, một năm cũng có thể thu được khoảng 3 triệu đồng.

Thuốc tắm đã được tiêu thụ trong một số nhà nghỉ, cơ sở điều trị y học cổ truyền tại Hà Nội. Ở Hà Nội đã có ít nhất 3 đầu mối mua thuốc tắm của người Dao đỏ, tiêu thụ khoảng 40-70 tấn dược liệu tươi/năm.

Thuốc tắm của người Dao nói chung cũng như của người Dao đỏ ở Sapa nói riêng có tiềm năng phát triển rất lớn. Do nhu cầu thuốc tắm tăng nhanh (kể cả dùng tại chỗ cho khách du lịch trong và ngoài nước và tại Hà Nội) nên việc thương mại hóa thuốc tắm của người Dao đỏ đã được phát triển một cách tự phát bởi nhiều cá nhân, tổ chức và theo nhiều cách khác nhau. Lượng dược liệu sử dụng theo tất cả các cách là hàng trăm tấn nguyên liệu tươi hằng năm. Trong khi đó, người dân bản địa là người cung cấp những phương thức sử dụng cây cỏ thì chỉ thu được một khoản tiền nhỏ từ việc thu hái dược liệu để bán. Còn phần lớn lợi nhuận lại bị những người buôn bán và kinh doanh ngoài cộng đồng hưởng. Đây là điều bất hợp lý nên cần được tổ chức lại theo hướng bảo tồn bền vững tài nguyên cây thuốc bản địa và chia sẻ lợi ích một cách công bằng và hợp lý.

Phó giáo sư - tiến sĩ khoa học TRẦN CÔNG KHÁNH
Theo Theo Sức khỏe đời sống