Hơn 3.000 năm trước đây, người Ai Cập cổ đã biết cách khống chế sinh đẻ. Họ phát hiện thấy nước chanh và nước cam có thể giết chết tinh trùng.
Vào thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, người La Mã đã sử dụng phân chuột làm thuốc tránh thai. Một nhà y học La Mã cổ đã tìm ra loại thuốc tránh thai tổng hợp từ nước dãi con ốc sên, dầu và rượu. Phụ nữ cổ Hy Lạp lại cho rằng, uống nước nấu từ cành liễu hoặc lá liễu có thể tránh thai, vì cây liễu không ra quả nên người uống loại nước này không mang thai. Họ còn cho rằng cây liễu trồng trước miếu cổ rất linh thiêng, do vậy mọi cây liễu trồng ở miếu cổ đều bị vặt hết lá. Điều này đương nhiên không có căn cứ khoa học.
Một nữ khoa học gia người Mỹ trong khi đi khảo sát đã ngạc nhiên khi thấy phụ nữ người Anhđiêng cho rễ một loại cây vào hồ lô rồi giã nát, lấy nước uống, giúp tránh thai vô thời hạn. Nhà nữ khoa học quyết tâm tìm ra bí mật này. Bà đã cùng đồng nghiệp lăn lộn trên dòng sông Amazôn, kết thân với một phụ nữ Anhđiêng và được người phụ nữ này cho biết bà bị chồng ngược đãi, không muốn có con với chồng. Một ông lang địa phương đã cho uống rễ cây và bà không bao giờ mang thai. Khi người phụ nữ này đi khỏi nơi đó và tái hôn, thầy lang lại cho uống một loại rễ cây khác. Và bà đã có một cậu con trai kháu khỉnh.
Sự ra đời của thuốc tránh thai hiện đại
Mỹ là nước đầu tiên nghiên cứu thuốc uống tránh thai. Cuối những năm 30 của thế kỷ 20, giáo sư Mak Caven thuộc Đại học Pennsylvania (miền Đông nước Mỹ) lần đầu tiên dùng phương pháp sinh vật học để ngăn cản thỏ rụng trứng. Sau đó, họ đã thử trên người. Nhưng do giá thành quá cao, sử dụng không thuận tiện nên thuốc không được phổ biến rộng rãi.
Người thật sự đề xuất phương pháp tránh thai là hai phụ nữ người Mỹ. Năm 1950, bà Máclơ Sai phen và bà Claternits đã mời giáo sư Binkhaven thuộc Viện nghiên cứu Thí nghiệm sinh vật cùng tìm tòi một phương pháp tránh thai có hiệu quả nhất. Nhận lời mời này, Binkhaven và nhà khoa học Trung Quốc Trương Minh Giác đã thí nghiệm ức chế sự rụng trứng bằng norethisterone cùng các hóa chất khác. Họ phát hiện đây là những chất kìm hãm có hoạt tính tương đối mạnh. Năm 1956, tại Pueto Rico, họ bắt đầu tiến hành thí nghiệm lâm sàng trên cơ thể người. Kết quả cho thấy, những loại thuốc này không chỉ điều tiết chu kỳ kinh nguyệt mà còn có thể tránh thai. Do những cống hiến này, Binkhaven, Trương Minh Giác và các nhà khoa học khác được tôn là “cha đẻ của thuốc tránh thai”.
Năm 1957, công ty Taicom của Mỹ đã chính thức dùng norethisterone làm thuốc tránh thai và tung ra thị trường. Năm 1960, thuốc được cấp giấy phép sản xuất. Trên thực tế, không cần đợi cho phép, hàng triệu phụ nữ khắp nơi trên thế giới đã sử dụng loại thuốc này.
Thuốc tránh thai - công và tội
Ngay từ thuở ban đầu thuốc tránh thai, cùng với hiệu quả, loại thuốc này luôn kèm theo những khuyết điểm và tác dụng phụ. Do làm thay đổi hoóc môn trong cơ thể, thuốc có ảnh hưởng nhất định đến trao đổi chất, chức năng tim mạch và gan. Nó có nguy cơ dẫn đến viêm túi mật, bế kinh, không rụng trứng và khô quắt màng trong tử cung, có khả năng phát khối u, tiểu đường, cũng có thể làm cho âm đạo không đủ độ trơn.
Ngoài ra, từ những năm 70 của thế kỷ 20, con người lại lo ngại trước việc thuốc tránh thai dẫn đến xuất huyết não. Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố một tư liệu quan trọng cho thấy, nếu dùng với liều lượng thấp, thuốc ít có khả năng gây xuất huyết não. WHO còn cho biết, phụ nữ tuổi cao, huyết áp cao, hút thuốc lá nếu dùng thuốc tránh thai thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Các chuyên gia khuyến cáo, những người có các bệnh dưới đây không được dùng thuốc tránh thai: người có tiền sử hoặc đang bị tắc động mạch vành tim, tắc động mạch cơ tim, bệnh viêm gan mạn tính dẫn đến tổn hại chức năng gan, nghi bị ung thư tuyến vú, ung thư tử cung, viêm túi mật, mỡ trong máu không ổn định, cơ quan sinh sản bị xuất huyết, đang có thai hoặc nghi ngờ có thai, phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ bị động mạch vành, người tăng huyết áp, tiểu đường và người có tiền sử bị đau nửa đầu...
Tuy có những tác dụng phụ như vậy, song thuốc tránh thai lại có ưu điểm độc đáo: độ an toàn cao, thời gian uống thuốc dài (có thể trên 10 năm), hiệu quả của thuốc rất cao (có thể đạt trên 99%). Ngoài ra, thuốc tránh thai còn có rất nhiều tác dụng hữu ích không thể ngờ tới như: có thể điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, giảm đau khi bị thống kinh, kinh nguyệt quá nhiều, đau bụng khi rụng trứng... Sau khi ngừng uống thuốc, có thể khôi phục cơ năng sinh đẻ.
Kết quả điều tra cho thấy, nếu uống thuốc tránh thai hằng năm, tỷ lệ bị ung thư buồng trứng giảm 10-12%; nếu uống từ 5 năm trở lên, tỷ lệ phát bệnh giảm 50%. Uống thuốc tránh thai càng lâu, phụ nữ càng ít nguy cơ bị ung thư buồng trứng.
Tuy chưa có con số thống kê là từ khi có thuốc tránh thai đến nay, thế giới đã giảm được bao nhiêu nhân khẩu, nhưng những số liệu điều tra cho thấy, rõ ràng thuốc tránh thai đã có cống hiến tích cực trong việc giảm tỷ lệ tăng dân số. Năm 1919, Cơ quan Quản lý xã hội và kinh tế quốc tế Liên hợp quốc cho biết, toàn thế giới có 54 triệu phụ nữ uống thuốc tránh thai, năm 1987 là 80 triệu. Ngày nay, đã có hàng trăm triệu phụ nữ không thể sống thiếu thuốc tránh thai. Tuy chỉ dùng cho phụ nữ nhưng trong vài chục năm lại đây, lượng tiêu dùng thuốc tránh thai luôn vượt rất xa bất cứ loại thuốc nào trên thế giới.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)