(hanoi.vnn.vn) |
Nếu khí hậu và chế độ ăn uống ngày Tết khiến bạn bị ho, táo bón hay khiến dạ dày có vấn đề thì cũng đừng vội bực mình, lo lắng. Có thể tìm thuốc chữa ngay trong mâm ngũ quả nhà bạn.
Mâm ngũ quả thường gồm 5 loại quả: chuối tiêu, bưởi, cam, quýt và phật thủ. Những loại quả này rất giàu dinh dưỡng, và có tác dụng chữa bệnh, giúp sống thọ.
Chuối tiêu
Có tác dụng tốt chữa bệnh loét dạ dày. Người bệnh mỗi ngày dùng 4 g bột chuối tiêu; sau một thời gian, ở chỗ loét sẽ hình thành lớp tế bào khỏe.
Trong chuối tiêu có hàm lượng cao muối kali. Do đó, người bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch hoặc động mạch vành nếu thường xuyên ăn chuối tiêu sẽ có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh. Nó lại có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, chống táo bón nên giúp bệnh nhân tim mạch tránh được những nguy hiểm do rặn khi đại tiện, gây tràn máu não đột biến, vỡ mạch vành tim.
Nếu chân tay nứt nẻ nhẹ, có thể dùng chuối tiêu chín nghiền nát bôi lên, lúc đầu có cảm giác đau nhưng bệnh sẽ chóng khỏi.
Chữa táo bón: Bóc vỏ 1-2 quả chuối tiêu, cho đường phèn lượng vừa phải vào, đun cách thủy, ngày ăn 1-2 lần, ăn liên tục trong vài ngày.
Tan máu đọng, tiêu đờm, dưỡng tâm, chữa bệnh tim do động mạch vành: Hoa chuối tiêu 250 g, tim lợn 1 quả. Cho nguyên liệu vào nồi đất, cho nước vừa phải hầm trong 2 giờ, uống nước và ăn tim, mỗi ngày một thang, ăn liên tục trong vài ngày
Chữa bệnh trĩ và đại tiện ra máu: Chuối tiêu 2 quả, không bỏ vỏ, hầm chín, ăn cả vỏ.
Các nhà khoa học cho rằng chuối tiêu có tính hàn, nếu ăn một lần quá nhiều có thể gây tiêu chảy. Không nên ăn chuối tiêu nhiều và liên tục trong thời gian dài, đặc biệt là những người bị bệnh viêm khớp, đau nhức bắp thịt, viêm thận, tâm lực suy kiệt và phù thũng.
Bưởi
Đông y cho rằng bưởi có vị chua ngọt, tính hàn, dược tính chạy vào tỳ và gan, có thể tiêu cơm, giảm viêm, điều khí, tiêu đờm.
Theo các nghiên cứu, bưởi còn có tác dụng điều trị các bệnh về huyết quản, đặc biệt là bệnh tim, động mạch vành, làm giảm độ cô đọng của tiểu cầu, tăng tính ổn định các chất trôi nổi trong máu. Ngoài ra, bưởi còn chứa vitamin C, đường, protein, lipid, phospho, có tác dụng kháng viêm, chống co giật.
Ngoài thịt bưởi, vỏ, hoa, lá bưởi đều được tận dụng trong dược, mỹ phẩm. Hoa bưởi để gội đầu, lá bưởi kết hợp với một số cây lá khác để xông. Vỏ bưởi trị các chứng ho, ho khan, tắc đờm, ăn uống không tiêu.
Trị ho: Bưởi 1 quả, bổ thành miếng hấp với gà để ăn.
Trị ho ở người già: Dùng một lượng cùi bưởi (bỏ lớp vỏ bên ngoài) và một ít phèn chua đun chín, mỗi ngày uống 50-100 g.
Giải uất trong gan, hạ khí, tiêu đờm: Vỏ một quả bưởi tươi, đem nướng cháy lớp ngoài rồi cạo bỏ, cho vào trong nước sạch ngâm một ngày để vị đắng tan ra, sau đó tiếp tục cắt thành miếng rồi cho vào đun với nước, khi gần chín, cắt nhỏ 2 củ hành cho vào, thêm muối, dầu ăn. Dùng kèm trong bữa ăn. Bài này rất thích hợp với người bị tức ngực, đau sườn, chán ăn do giận dữ mà ảnh hưởng đến gan.
Cam, quýt
Lá, hoa, quả, hạt của cam quýt đều có thể dùng làm thuốc. Quả có công dụng kiện tỳ hòa vị, ấm phổi trị ho, ấm bổ cơ thể, bổ mà không ngấy, ăn vào sẽ tiết ra nước bọt, phù hợp với người bệnh cơ thể yếu, khó thở, bị nhiễm lạnh, ngực và bụng chướng, kém ăn.
Lá quýt, hoa quýt và hạt có tác dụng hoạt huyết kết tán, giảm sưng đau. Vỏ quýt còn gọi là trần bì, có giá trị làm thuốc như kiện tỳ, thông khí, hóa trung, tiêu đờm, chống nôn mửa, hút ấm.
Giảm đau bụng khi mang thai do khí uất: Trần bì 3g, mộc hương 3 g, thịt lơn nạc 200 g. Trước tiên nghiền nhỏ trần bì và mộc hương để sẵn. Làm nóng nồi, cho ít đầu ăn vào, cho thịt lợn vào đảo qua, đổ nước vừa phải để đun. Khi nước sôi, cho trần bì và mộc hương đã nghiền nhỏ, muối vào đảo đều, ăn thịt và nước canh.
Trị chứng nôn mửa: Vỏ quýt phơi khô 3-5 g, nghiền nhỏ thành bột, Cho gạo tẻ lượng vừa đủ vào nồi đất nấu thành cháo. Sau đó, cho vỏ quýt đun một lát, đợi cháo chín tắt bếp. Hằng ngày, vào lúc sáng và tối hâm nóng lên uống trong 5 ngày.
Ngoài ra, trần bì phơi khô có công dụng hạ khí, hòa trung, tiêu đờm, giã rượu. Trần bì tươi pha uống cùng với đường hoặc ngâm uống với trà có tác dụng thông khí giảm trương, tạo nước bọt, nhuận họng, thanh nhiệt, giảm ho. Ngâm trần bì một tháng trong rượu, rượu không những đậm ngon mà còn thanh phế tiêu đờm.
Phật thủ
Phật thủ là một loại thảo dược có tác dụng chủ yếu là giải độc gan, điều chỉnh và thúc đẩy chức năng của dạ dày, trị ho, tiêu đờm.
(Theo Bác Sĩ Gia Đình)
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)