Tiểu đường khi thai nghén và những nguy cơ cho thai nhi
Các Website khác - 22/08/2005
Ngày nay, ước tính có khoảng 5% phụ nữ có thai bị bệnh tiểu đường (TĐ), họ có thể là những bệnh nhân TĐ đã được chẩn đoán và điều trị từ trước khi có thai, nhưng cũng có nhiều người được phát hiện đường máu cao lần đầu tiên khi đi khám thai (còn gọi là TĐ thai nghén). Nếu không được điều trị tốt, thai nhi có thể bị một số biến chứng nguy hiểm cả trước và sau khi đẻ, thậm chí ảnh hưởng đến suốt cuộc đời đứa trẻ sau này.
Các nguy cơ trong khi mang thai hoặc trước khi đẻ đối với thai nhi:

Các dị tật bẩm sinh: Nếu người mẹ không được kiểm soát tốt đường máu thì thai nhi của họ có nguy cơ rất cao bị các dị tật bẩm sinh, phần lớn các dị tật này là khá nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống của đứa trẻ và đòi hỏi phải phẫu thuật. Tỷ lệ này ở những đứa trẻ con của các bà mẹ được kiểm soát đường máu kém là 6-12%, so với 2% ở những đứa trẻ con các bà mẹ không bị TĐ hoặc những bà mẹ bị TĐ nhưng đường máu được kiểm soát ở mức bình thường cả trước và trong thời gian đầu khi có thai. Ngày nay, do tỷ lệ trẻ bị tử vong do thai chết lưu hoặc suy hô hấp đã giảm nên tỷ lệ chết thai hoặc tử vong sơ sinh do các dị tật bẩm sinh lại tăng lên, chiếm tới trên 50%. Vì đường máu của người mẹ ở giai đoạn sớm của thai kỳ có liên quan tới tỷ lệ thai nhi bị dị tật, nên các biện pháp can thiệp phòng ngừa các dị tật muốn có kết quả phải được tiến hành rất sớm và thường xuyên, cụ thể là phải kiểm soát tích cực đường máu trước khi có thai và trong suốt thời kỳ mang thai. Các thầy thuốc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho những bệnh nhân TĐ trong độ tuổi sinh đẻ nên tư vấn cho họ biết về khả năng và những nguy cơ của việc có thai, đồng thời giúp họ kiểm soát đường máu thật tốt trước khi muốn có thai.

Dị tật hệ thần kinh: Siêu âm trong nửa đầu thai kỳ có thể phát hiện được các dị tật ở hệ thần kinh như không có não, thoát vị màng tủy sống... Các dị tật này hay xảy ra hơn nếu sản phụ không được kiểm soát đường máu tốt. Vào tuần thứ 14-16 của thai, các bác sĩ có thể đo nồng độ alpha-fetoprotein (a-fp) trong máu để phát hiện những thai nhi có thể bị dị tật ống sống nhẹ, ví dụ như bị nứt đốt sống. Muộn hơn, ở tuần 18-22, có thể sử dụng các phương pháp siêu âm hiện đại hơn để phát hiện các dị tật ở tim hoặc ở các cơ quan khác.

Thai to (trên 4.000g): Nhiều thai nhi của các bà mẹ được kiểm soát đường máu kém có trọng lượng to so với tuổi thai. Thai to là hậu quả của một chuỗi các bất thường, bắt đầu là đường máu của người mẹ cao, đường máu của thai cao, tăng tiết insulin ở thai, thai to (do insulin có khả năng kích thích thai phát triển). Tuy nhiên, còn có những nguyên nhân gây thai to khác như một số chất chuyển hóa qua được nhau thai, ví dụ các axit amin chuỗi nhánh, cũng có tác dụng kích thích tiết sinh insulin gây thai to, hoặc các lipid qua được nhau thai có thể đóng góp vào việc tích trữ mỡ nhiều ở thai. Vì nồng độ đường máu của người mẹ có liên quan tới trọng lượng thai khi sinh, nên kiểm soát tốt đường máu người mẹ trong suốt thời kỳ mang thai có thể làm giảm tỷ lệ thai to và bị chấn thương khi sinh. Tuy nhiên, nếu kiểm soát đường máu quá chặt chẽ (đường máu sau ăn trung bình dưới 6,1mmol/l) có thể làm thai kém phát triển và đứa trẻ bị nhỏ cân so với tuổi, cả hai đều có thể dẫn tới các biến chứng trong thời kỳ sơ sinh.

Thai chậm phát triển: Đối lập với tình trạng thai to, thai của một số bà mẹ bị TĐ lâu và đã có biến chứng mạch máu thường bị kém phát triển trong tử cung, có thể do nguyên nhân là sự kém tưới máu nuôi dưỡng cho tử cung - nhau thai. Khi siêu âm thấy tất cả các đường kính thai nhi đều có thể dưới mức bình thường nhưng vòng bụng chịu ảnh hưởng nhiều nhất, kèm theo hay gặp tình trạng thiểu ối. Những sản phụ này cần được nghỉ ngơi, kiểm soát huyết áp thật tốt (<135/85 mmHg), duy trì nồng độ đường máu ở mức bình thường cũng như phải khám thai thường xuyên để giúp thai có thể phát triển tốt hơn.

Sảy thai hoặc thai chết lưu: Trước những năm 1970, tỷ lệ thai chết trong tử cung của những phụ nữ bị TĐ ở 3 tháng cuối của thai kỳ là hơn 5%. Vì nguy cơ thai chết lưu tăng lên khi đến gần ngày đẻ, nên các nhà sản khoa có xu hướng cho đẻ chủ động sớm hơn, nhưng khi đó tỷ lệ tử vong trong tuần đầu sau đẻ ở những đứa trẻ này lại tăng lên do bị suy hô hấp, nên ngày nay người ta lại hạn chế việc cho đẻ sớm. Ngoài nguyên nhân dẫn đến một số dị tật bẩm sinh thì y học cũng chưa biết rõ hết các nguyên nhân nhưng nếu kiểm soát đường máu càng kém thì tỷ lệ thai chết lưu càng tăng, và có thể lên đến hơn 50% nếu người mẹ bị nhiễm toan xê tôn.

Một số trường hợp chết thai có liên quan đến sản giật hoặc tiền sản giật, là một biến chứng khá phổ biến ở những người bị TĐ. Điều đáng tiếc là cho đến tận ngày nay vẫn có nhiều phụ nữ mắc TĐ mà không biết nên bị sảy thai hoặc thai chết lưu nhiều lần.

Hạ đường máu: Trẻ sơ sinh có thể bị hạ đường máu trong vòng 48 giờ đầu sau đẻ, đường máu có khi thấp dưới 1,7mmol/l (ở người lớn thì được coi là hạ đường máu nếu đường máu dưới 2,8 mmol/l). Nguyên nhân là do tình trạng tăng insulin máu vẫn tồn tại sau đẻ. Thường đứa trẻ bị hôn mê hơn là kích thích và hạ đường máu có thể phối hợp với ngừng thở, hoặc thở nhanh, tím, hoặc co giật. Tuy nhiên có một số trẻ bị hạ đường máu nhưng vẫn có vẻ khỏe mạnh. Phòng ngừa hạ đường máu bằng cách cho uống hoặc đặt qua sonde dạ dày dung dịch đường glucose sau đẻ khoảng 1 giờ, nếu biện pháp này không thành công thì cho truyền tĩnh mạch đường glucose.

Một số rối loạn khác ở những trẻ sơ sinh có mẹ bị TĐ là hạ canxi máu, tăng bilirubin máu (gây vàng da), đa hồng cầu và ăn kém. Các biến chứng này đôi khi có liên quan với tình trạng tăng đường máu, tăng insulin máu của thai và có thể với cả các giai đoạn bị thiếu ôxy. Nếu kiểm soát tốt đường máu của mẹ thì sẽ làm giảm tỷ lệ các biến chứng này.

Tóm lại, Khi một bệnh nhân bị TĐ có thai hoặc người có thai được phát hiện mắc TĐ thì việc điều trị tích cực nhằm kiểm soát tốt đường máu ở người mẹ trong suốt thời gian mang thai là rất quan trọng. Bên cạnh đó, thai nhi cần được theo dõi thường xuyên để có thể phát hiện được sớm các dị tật, các nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, từ đó các thầy thuốc có kế hoạch can thiệp kịp thời và có hiệu quả nhất cho cả mẹ và con. Việc thăm khám, điều trị và theo dõi tích cực cần tiếp tục cho đến hết giai đoạn sơ sinh.

Theo ThS. Nguyễn Quang Bảy
Đời sống & Sức khỏe