"Số thuốc dự trữ của thành phố hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của người dân khi dịch bệnh xảy ra. Tất cả người điều trị và điều trị dự phòng H5N1 điều được miễn phí", Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Lê Trường Giang đã khẳng định như vậy với VnExpress.
Theo ông Giang, hiện thành phố đã dự trữ được số thuốc đủ để điều trị cho khoảng 1.000 người. Sở Y tế cũng đã ký hợp đồng nhập thêm số thuốc đủ để điều trị và điều trị dự phòng cho khoảng 14.000 người, dự kiến đầu năm 2006 sẽ về đến; chuẩn bị 1.000-2.000 liều Tamiflu dạng chai sirô để điều trị cho trẻ em.
"Với sự chuẩn bị chu đáo này, mọi người không cần phải tự tìm mua thuốc Tamiflu với giá cao", ông Giang tuyên bố.
![]() |
Lấy máu xét nghiệm bệnh cúm ở gia cầm. |
Để ứng phó hiệu quả với dịch cúm H5N1, Sở Y tế đang tiến hành khẩn trương các biện pháp, kế hoạch để hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do nhiễm H5N1 trên địa bàn.
Sở đã giao cho 4 bệnh viện: Bệnh nhiệt đới, Phạm Ngọc Thạch, Nhi đồng I, Nhi đồng II thành lập các phòng điều trị cách ly với 200 giường bệnh sẵn sàng đón nhận bệnh nhân đến điều trị. Mỗi trung tâm y tế quận, huyện xây dựng một khu cách ly điều trị từ 3 đến 10 giường đúng tiêu chuẩn với đầy đủ cán bộ, trang thiết bị. Các trung tâm này sẽ nhận và cách ly bệnh nhân tuyến đầu để chăm sóc điều trị trong khi chờ đưa bệnh nhân lên tuyến trên. Các trạm y tế phường xã, trường học, cơ quan xí nghiệp đều thành lập một khu cách ly nội bộ tạm thời để cách ly tại chỗ khi có người nhiễm bệnh. Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương sẽ điều hành hệ thống vận chuyển cấp cứu bệnh nhân cúm.
Ngành y tế sẽ giám sát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao như: cán bộ thú y, nhân viên y tế liên quan đến công tác phòng chống dịch, người chăn nuôi, người trực tiếp giết mổ... Giám sát chặt chẽ sự biến đổi của virus thông qua việc xét nghiệm, nuôi cấy virus... từ mẫu bệnh phẩm của người mắc bệnh, người viêm phổi nặng nhập viện nhưng không chẩn đoán được nguyên nhân, các đối tượng thường xuyên tiếp xúc với gia cầm, nhất là gia cầm chết do H5N1.
Trung tâm y tế dự phòng thành phố được giao nhiệm vụ đảm bảo cung ứng đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện bảo hộ cho hoạt động y tế dự phòng khi có yêu cầu; xây dựng đội cơ động phòng chống dịch của thành phố, đồng thời hướng dẫn các quận huyện thành lập đội cơ động trong từng quận huyện.
Sở Y tế sẽ thành lập các đội cơ động phòng chống dịch và điều trị, sẵn sàng hỗ trợ các tỉnh bạn khi có yêu cầu. "Mục đích là để cách ly nguồn bệnh tại chỗ, tránh tình trạng các tỉnh đưa bệnh nhân về thành phố. Vì với mật độ dân số dày đặc ở TP HCM, nếu bị lây nhiễm thì tốc độ sẽ rất nhanh", ông Giang cho biết.
Bên cạnh việc chuẩn bị phương án đối phó khi dịch xảy ra tại địa bàn, y tế thành phố đã chuẩn bị các phương án đối phó khi xảy ra dịch cúm ở các tỉnh khác hoặc ở các nước khác, kiểm dịch quốc tế đối với người xuất cảnh từ Việt Nam, kiểm dịch y tế quốc tế ở các cửa khẩu quốc tế, tại nơi cư trú đối với người nước ngoài, người Việt Nam đến hoặc về từ vùng dịch.
Bộ phận truyền thông có nhiệm vụ vận động người có nguy cơ, người bị nhiễm bệnh, gia đình, cơ quan quản lý những đối tượng trên có ý thức tự khai báo và chấp hành các quy định kiểm dịch. Thành phố sẽ mở lại chuyên trang thông tin về phòng chống cúm gia cầm và dịch cúm người tại địa chỉ Medinet.Hochiminhcity.gov.vn để thông tin chính thức và kịp thời cho mọi tổ chức và người dân.
Theo dự kiến, 25/11 thành phố sẽ có cuộc tổng diễn tập đối phó với dịch cúm gia cầm.
Mỹ Lan
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)