Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống. |
Những căng thẳng ở bố mẹ có thể khiến con cái cũng bị stress theo. Tình trạng này làm tăng nguy cơ bị trầm cảm và bệnh tim ở trẻ.
Nhịp sống vội vã, thời gian rượt đuổi, cạnh tranh nghề nghiệp... khiến bạn lo âu, cáu kỉnh, trầm uất. Ngoài vấn đề tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của stress, bạn còn phải biết cách không để con cái hứng chịu “ảnh hưởng phụ” của nó. Cha mẹ thường nghĩ rằng con cái không để ý đến thái độ của người lớn nhưng thật ra, trẻ rất nhạy cảm và nhận ra sự căng thẳng, lo lắng của cha mẹ dù không hiểu rõ nguyên nhân. Từ đó, chúng bị căng thẳng theo. Nghiên cứu của Đại học Pittsburgh (Mỹ) và Đại học Helsinki (Hà Lan) cho thấy, trẻ bị căng thẳng có nguy cơ mắc các chứng bệnh tim mạch cao gấp ba lần trẻ bình thường.
Theo nhà tâm lý nhi đồng Ruth Schmidt Neven, trong gia đình, stress là một vấn đề lớn và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: thiếu thời giờ, cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào bản thân và con cái, trẻ con phải thích nghi với khung thời gian và thế giới của người lớn nên không còn thời giờ để tưởng tượng...
Nhiều bậc cha mẹ có khuynh hướng “nuôi con trong nhà kính”, muốn trẻ phải được giáo dục và trưởng thành theo ý họ. Họ lo lắng không biết tìm nhà trẻ hoặc trường học nào tốt nhất, giỏi nhất để gửi con mình, rồi tự “đóng cửa” nghiền ngẫm, nghiên cứu về các sinh hoạt hữu ích nhất cho con… Chẳng mấy chốc, đứa trẻ sẽ nhận ra cha mẹ kỳ vọng nơi chúng nhiều thế nào và điều này sẽ khiến chúng bị stress.
Việc vui chơi tự do giúp trẻ học hỏi và nảy sinh sáng kiến nhưng trong nhiều trường hợp, cha mẹ muốn trẻ phải chơi, học theo chương trình họ ấn định. Vì thế, đứa trẻ cảm thấy khó khăn, bắt đầu đái dầm và thế là cha mẹ nghĩ con “có vấn đề”. Thật ra, đái dầm chỉ là cách phản ứng thông thường khi trẻ bị stress mà một trong các do cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng nơi chúng.
Trẻ con hiểu biết nhiều hơn chúng ta nghĩ. Những vấn đề như chăm sóc người già, mất việc, người thân đau ốm, vấn đề chi tiêu... gây stress cho bất cứ gia đình nào và con trẻ dễ dàng nhận biết các vấn đề này. Vì thế, sẽ là sai lầm nếu bạn không nói với con cái về nguyên nhân của bất cứ sự lo lắng hay căng thẳng nào trong gia đình. Vô tư nhưng rất nhạy cảm, trẻ con sẽ nhận ra “nhiệt độ tình cảm” trong nhà và khi thấy con mình có những biểu hiện “bất bình thường”. Nếu tìm hiểu, chúng ta sẽ thấy đó là lúc gia đình đã trải qua một giai đoạn khó khăn.
Hôm nào phải hoàn thành công việc đúng thời hạn hoặc vừa trải qua những cuộc tranh luận gay gắt, bạn thường dễ mang theo về nhà nỗi tức giận hoặc chán nản. Trẻ con sẽ nhận ra ngay rằng hôm ấy cha, mẹ có vẻ cáu kỉnh, thờ ơ hoặc lạnh lùng; Giọng nói, vẻ mặt, cử chỉ phản đối hoặc thù địch tố cáo sự căng thẳng của bạn và cho con cái biết bạn đang bực bội, khó chịu. Ý nghĩ cha mẹ không làm chủ được hoàn cảnh khiến con cái cảm thấy căng thẳng. Đó là do trẻ thường nghĩ rằng chúng là nguyên nhân gây ra một cuộc gây gỗ, cãi vã, như quên làm một điều gì chẳng hạn. Điều tệ hơn nữa là đứa trẻ nhận ra sự căng thẳng đó nhưng không biết tại sao. Vì thế, cha mẹ nên nói thẳng với con điều khiến mình lo nghĩ. Ví dụ như “Ba vừa mất việc” hoặc “Hôm nay mẹ gặp nhiều trở ngại trong công việc nên bực mình quá”…
Hậu quả của tress ở trẻ em
Trong các gia đình mà cha mẹ thường cáu gắt, khó chịu hoặc che giấu căng thẳng, trẻ con thường bị bệnh thần kinh. Khi chúng ta căng thẳng, một số khu vực não bộ bị kích động quá mức sẽ tiết ra những kích thích tố làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Từ đó, trẻ nhỏ bị đau bụng, nhức đầu, mệt mỏi; còn trẻ lớn thì bị trầm cảm hoặc mệt mỏi kinh niên. Nặng hơn, chúng trở nên thường xuyên lo âu, bị ác mộng, học hành khó khăn và các chứng bệnh thể xác. Điều nguy hại là các triệu chứng này thường không được tìm hiểu nguyên nhân sâu kín.
Ngay cả em bé cũng biết phản ứng trước một bà mẹ bị căng thẳng hoặc trầm cảm. Bé sẽ kích động và đòi hỏi được chú ý hoặc sẽ co rút, lờ đờ y như mẹ.
Khi stress, trẻ nhỏ và trẻ lớn có thể bị những vấn đề lo nghĩ của cha mẹ ám ảnh và… lo nghĩ theo. Thiếu niên có thể tìm đến ma túy, rượu, tâm tính trở nên kỳ quặc hoặc thờ ơ trước các sinh hoạt xã hội. Vì vậy, các bậc cha mẹ phải cố gắng đừng để con bị “lây nhiễm” stress từ mình và đừng biến gia đình thành “tụ điểm” của stress.
Biện pháp giúp trẻ tránh lây stress
Không nói gì với con hay ngược lại, thổ lộ tất cả với con, xem chúng như người tâm sự đều không phải là biện pháp hay. Biện pháp tốt nhất là thành thật. Hãy nói cho con trẻ biết nguyên nhân khiến bạn căng thẳng, lo nghĩ và với một lượng thông tin phù hợp với lứa tuổi của chúng.
Một số cha mẹ không nói cho con biết chuyện đang xảy ra vì không muốn chúng lo sợ. Không nên nói kiểu la hét, công kích hoặc “khủng bố” tinh thần chúng bằng những lời lẽ như: "Mẹ chán quá, mẹ muốn chết phứt cho rồi", mà phải nói với thái độ bình tĩnh để con cái an tâm và điều đó cho chúng thấy cha mẹ vẫn tự chủ được. Nóng giận, giấu giếm chứng tỏ bạn mất tự chủ và điều đó làm chúng sợ hãi. Trẻ con cần biết chúng có thể tin tưởng cha mẹ.
Dạy con những bài tập giúp thư giãn là cách tránh hoặc giảm stress cho chúng. Dạy chúng cách hít vào thật chậm và sâu bằng mũi rồi từ từ thở bằng miệng. Nhắc con trẻ hãy thực hành cách thở này từ hai đến bốn lần mỗi khi cảm thấy căng thẳng.
Trẻ con cũng có thể thực hành bài tập làm căng giãn bắp thịt. Bắt đầu bằng cách co lại rồi thả lỏng ngón chân, xoay cổ chân, tiến lên bắp chuối, đùi, bụng, cánh tay và cổ. Nên giúp con xoay tay chân hoặc căng, giãn bắp thịt vài lần để làm cơ thể bớt căng thẳng.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)