Trị sâu răng ở trẻ nhỏ
Các Website khác - 01/09/2005
Phòng ngừa sâu răng,  hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt và quà vặt. Trẻ dưới 1 tuổi, sau khi ăn nên dùng khăn mềm lau răng lợi cho trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ mút tay hoặc mút vú cao su. Tập cho trẻ súc miệng từ lúc 1 tuổi, và tập đánh răng lúc 2-3 tuổi khi đủ răng sữa.
Răng miệng liên quan nhiều đến sức khỏe của trẻ. Trẻ nào có hàm răng tốt, không sâu, không đau, trẻ sẽ ăn uống tốt, phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần. Ngược lại, trẻ nào có nhiều răng sâu, đau sẽ ăn uống kém, dễ bị suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này. Vì vậy các bậc cha mẹ cần biết cách bảo vệ răng cho trẻ. Để chăm sóc răng miệng cho trẻ tốt, chúng ta cần phải có một số kiến thức cơ bản về răng của trẻ, đặc biệt là giai đoạn răng sữa.

Thế nào là răng sữa?

Răng sữa là những chiếc răng mọc trong thời kỳ bú mẹ (dưới 30 tháng) còn được gọi là răng tạm thời. Răng sữa bắt đầu mọc khi trẻ được 6-8 tháng tuổi, gồm 20 răng sữa. Việc mọc răng nhanh hay chậm vài tháng giữa các trẻ cũng là điều bình thường. Những trẻ sinh non, yếu, chế độ ăn thiếu chất, hoặc bà mẹ trong thời gian mang thai và nuôi con bú kiêng khem quá mức, thì trẻ thường mọc răng chậm hơn so với trẻ mà bà mẹ ăn uống hợp lý.

Bình thường mọc răng sữa như sau: răng cửa giữa hàm dưới mọc trước tiên khi trẻ 6-8 tháng, răng cửa trên 9-10 tháng, cửa bên 9-11 tháng, răng hàm nhỏ mọc lúc 16 tháng, răng nanh mọc từ 18-24 tháng, răng hàm lớn từ 24-30 tháng. Tất cả các răng sữa đều được thay thế bằng các răng vĩnh viễn theo thứ tự sau: răng cửa giữa thay khi trẻ 6-7 tuổi, răng cửa bên khi trẻ 7-8 tuổi, răng hàm sữa nhỏ khi trẻ 9-10 tuổi, răng hàm sữa lớn khi trẻ 11-12 tuổi.

Cần chú ý, răng hàm lớn vĩnh viễn chỉ mọc một lần không thay: răng số 6 mọc lúc 6 tuổi, răng số 7 mọc lúc 12 tuổi và cuối cùng là răng số 8 còn gọi răng khôn, mọc lúc 15-30 tuổi.

Ở tuổi răng sữa, trẻ chưa biết tự chăm sóc răng miệng nên rất dễ bị sâu răng.

Nguyên nhân gây sâu răng

Răng sâu nói chung và sâu răng sữa là do một loại vi khuẩn có ở trong miệng. Chúng bám ở bề mặt răng và gây lên men đường trong thức ăn (từ tinh bột, bánh kẹo...), ở các kẽ răng, rãnh răng, tạo axit, từ axit này làm tiêu canxi của men răng, lâu ngày tạo nên lỗ sâu. Lúc đầu sâu ở phần ngà răng, trẻ chưa thấy đau, khi tổn thương vào tủy răng trẻ sẽ thấy đau buốt và mới chịu cho bố mẹ đưa đi khám.

Muốn phát hiện sớm sâu răng phải làm gì?

Thực tế, người bị sâu răng mà tự phát hiện là đã muộn, lỗ sâu đã khá to, muốn phát hiện sớm sâu răng, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng/lần. Khi đã phát hiện ra các răng sâu cần được điều trị ngay theo chỉ định của bác sĩ nha khoa.

Để ngăn ngừa sâu răng:

- Nên hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt, không cho trẻ ăn quà vặt và bánh kẹo. Sau khi trẻ ăn cần súc miệng sạch, trẻ bú mẹ cần tránh ngậm vú khi đi ngủ. Bởi khi ngủ động tác nuốt sẽ giảm, nước bọt tiết ra, sữa ở trong miệng bị giữ lại tạo cho vi khuẩn phát triển dễ gây sâu răng.

- Nên cho trẻ ăn một số thức ăn giàu protein, canxi, phospho, vitamin A, D... để giúp cho răng trẻ phát triển vững chắc và không bị sâu răng. Những thực phẩm như sữa, cá, tôm khô, cà rốt... và các thức ăn có chứa flo có tác dụng ngăn ngừa sâu răng.

- Điều quan trọng là vệ sinh răng miệng: Người sâu răng tuyệt đối không được nhai thức ăn cho trẻ để tránh vi khuẩn của người sâu răng truyền sang trẻ. Tập cho trẻ súc miệng từ lúc 1 tuổi, lúc 2-3 tuổi khi đủ răng sữa tập cho trẻ đánh răng. Với trẻ dưới 1 tuổi, sau khi ăn người lớn nên dùng khăn mềm lau răng lợi cho trẻ. Tuyệt đối không cho trẻ mút tay hoặc mút vú cao su.

Bác sĩ Trần Mạnh Toàn
Theo Sức khỏe đời sống