Truyền dịch không giúp làm đẹp da
Các Website khác - 06/01/2006
Ảnh: Sài Gòn Tiếp Thị.

Nhiều người rất thích truyền dịch vì cho rằng nó không những giúp người khỏe khoắn mà còn giúp người mập lên, làn da căng mịn. Thực ra, dịch truyền không có tác dụng này và chỉ được dùng khi cấp cứu hoặc bệnh nhân không thể ăn uống.

Chị Trinh, sống ở quận 4 TP HCM, kể: "Trong một lần ốm nghén, tôi nôn liên tục, bị sụt cân không ăn được nên đi bệnh viện và được truyền dịch. Sau khi truyền, tôi thấy người phấn chấn nên sau này hễ ăn không ngon miệng, người mệt mệt là đi truyền dịch”.

Chị Hạnh ở quận 10 bị gầy rộc sau khi sinh con. Sau một thời gian truyền dịch, chị thấy người dễ chịu, ăn ngủ được và lên cả chục cân. Bạn bè nói chị "chịu" dịch truyền nên mập lên thấy rõ và trông đẹp ra.

Chính vì vậy mà bác sĩ tại các phòng khám người lớn luôn phải đối diện với yêu cầu truyền dịch của bệnh nhân. Đa số đòi truyền vì nghĩ dịch truyền làm đẹp da, ăn được ngủ được. Riêng chị Thanh Tâm lại giãy nảy lên khi bác sĩ đề nghị truyền dịch mặc dù chị đang bị cúm nặng lâu ngày, sốt rất cao: "Không truyền đâu, cố gắng lắm tôi mới xuống được 3 ký, bây giờ truyền dịch lỡ mà lên cân lại thì toi công nhịn ăn, nhịn uống kiêng khem khổ sở". Chỉ đến khi bác sĩ bảo không truyền dịch thì có thể tử vong, chị mới chịu truyền.

Bác sĩ Lê Thiện Anh Tuấn ở phòng khám Minh Đức, quận 6 cho biết, khi bệnh nhân mất nước sẽ được chỉ định truyền dịch chứa lactat ringer, natri clorur, glucoz. Trường hợp bệnh nhân suy kiệt, ăn uống kém thì truyền đạm. Thời gian truyền dịch kéo dài từ 1 tiếng rưỡi đến 5 tiếng, tuỳ người. Tại phòng khám Minh Đức thường xuyên có bệnh nhân đòi truyền dịch dù không có bệnh gì cả; nhưng các bác sĩ chỉ truyền khi bệnh nhân thật sự cần; và từ chối nếu họ chỉ muốn béo lên hay da dẻ hồng hào tươi đẹp.

Giáo sư GS-TS Nguyễn Hoài Nam, Đại học Y dược TP HCM giải thích, chuyện truyền dịch không liên quan đến béo gầy, cũng không làm đẹp da. Tác dụng của nó là giúp cơ thể cân bằng điện giải, bù nước ở những người bị rối loạn các chất điện giải do sốt, tiêu chảy...

Nếu không bị bệnh, truyền dịch có lợi gì không? Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y dược khẳng định là hoàn toàn không có lợi gì cả vì chỉ cần ăn uống bình thường là đã đủ các chất dinh dưỡng. Trong khi đó, truyền dịch có nhiều nguy cơ như: nhiễm các bệnh lây qua đường tiêm chích, sốc dịch truyền gây rối loạn chuyển hoá. Đó là lý do các bác sĩ chỉ cho truyền dịch khi thật cần thiết như cấp cứu, không ăn được. Thực chất truyền dịch có nguy cơ cao hơn uống thuốc vì khi uống lầm thuốc còn có thể cho nôn, còn dịch truyền thì đi thẳng vào máu, có thể gây tử vong.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)