Do số bệnh nhi tăng nhanh, khoa Hô hấp A15, BV Nhi trung ương những ngày này, thường phải ghép 2 cháu/giường (kèm cha mẹ). Trong đó có nhiều cháu phải điều trị do bị biến chứng từ sốt cao. Tại buồng bệnh số 1, bà mẹ có tên Tình, ở Hải Hưng đang mệt mỏi dõi theo từng cử động và tiếng thở của đứa con nhỏ khoảng 3 tuổi. Chị Tình ngân ngấn nước mắt kể, cháu bị sốt, gia đình tự điều trị bằng thuốc kháng sinh. Sau 4 ngày mà vẫn không đã, gia đình mới cuống cuồng đưa cháu đến bệnh viện huyện. Khi đến được Bệnh viện Nhi trung ương, cháu bé đã bị biến chứng sang viêm phổi nặng khiến việc điều trị sẽ kéo dài chưa biết đến khi nào.
Khác với chị Tình, chị Nguyễn Thị Phương (Thường Tín - Hà Tây) lo lắng đưa con trai đến "bác sĩ thôn" ngay khi cháu có dấu hiệu sốt nhẹ, thở khò khè và mệt mỏi. Nhưng sau 7 ngày uống các loại thuốc mà bệnh tình của cháu bé mới 4 tháng tuổi vẫn không thuyên giảm. Sau khi ở BV huyện 8 ngày, tình trạng cháu bé vẫn không khá hơn nên gia đình đành tự ý chuyển con đến BV Nhi TƯ. Lúc này cháu bé đã bị viêm phổi nặng, bệnh tình hiện tại tiến triển rất chậm. Tại buồng bệnh bên cạnh, chị Trần Thị Ngát, Sóc Sơn lại càng buồn bã hơn vì đứa con đang phải điều trị dài ngày do viêm khớp háng. Trước đó, cháu bị sốt cao, nhưng do không được điều trị đúng nguyên nhân nên đã dẫn tới tràn dịch màng phổi và cháu bé sốt cao tới 40 độ. Sau gần một tháng điều trị ở BV Nhi trung ương, giờ cháu bé đã hết sốt nhưng vẫn ho, nằm bất động, rất đau đớn và mệt mỏi...
Theo BS Nguyễn Thu Nguyệt, Phó Trưởng khoa cho biết, trường hợp bệnh tình của trẻ nặng hơn do tự chữa ở nhà và chỉ đến viện khi điều trị không khỏi là chuyện vốn không hiếm. Phần lớn do các bậc phụ huynh có thói quen sử dụng thuốc kháng sinh rất tùy tiện. Không ít bệnh nhi nhập viện sau khi đã uống đủ các loại kháng sinh. Lúc này tình trạng lâm sàng tuy không có tính chất cấp tính, nhưng đã chuyển sang mãn tính khiến việc điều trị lâu và khó khăn han nhiều.
Ngoài ra, "mốt" truyền dịch cho bệnh nhân sốt virút hiện nay cũng đang là một hiện tượng cần đặc biệt lưu ý. Về lý thuyết, việc truyền dịch sẽ có tác dụng vì trẻ cần bù lượng nước đã mất. Tuy nhiên, khi chưa phát hiện bệnh lý rõ ràng thì truyền dịch với khối lượng lớn hoàn toàn không tốt. Bởi lẽ, nếu sốt, kèm theo viêm phổi nặng mà truyền nước với số lượng nhiều có thể tăng gánh nặng cho tim dẫn đến suy tim...
Bệnh không đáng sợ
Theo BS Nguyễn Văn Lộc, PGĐ BV Nhi Trung ương, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng vì sốt virút là một bệnh rất thông thường ở trẻ em. Số lượng thống kê ở BV cũng cho thấy, số lượng trẻ đến khám và điều trị tuy có tăng, nhưng so với mọi năm chưa có gì đột biến.
Khi mới mắc bệnh, trẻ sốt rất nhẹ, sau đó sốt rất cao kèm viêm long đường hô hấp trên với các biểu hiện như chảy nước mũi, họng có thể đỏ ho và hắt hơi. Chính vì vậy dễ làm lây sang những người chung quanh. Tuy nhiên, do hiện chưa có vắc xin nên vẫn phòng bệnh thụ động là chính. Riêng đối với nhà trẻ, trường học khi có 1 - 2 cháu có triệu chứng phải được cách ly ngay. Nếu bị sốt cao trên 38,5 độ phải giảm sốt ngay bằng paracetamol liều 15mg/kg, 6 giờ/lần và 4 lần/ngày. Nhưng tuyệt đối không được dùng quá liều vì sẽ gây ra tai biến hay ngộ độc gan ở trẻ em. Bên cạnh đó chườm trán cho trẻ bằng khăn mát, lau khô mồ hôi, lau người bằng nước ấm, để trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Thường xuyên vệ sinh răng miệng và thân thể cho các cháu. Cho ăn những thức ăn dễ tiêu (cháo, sữa), cho ăn nhiều bữa để trẻ đủ năng lượng.
Thông thường sau 3 - 5 ngày trẻ hết sốt, nhưng cơ thể vận còn mệt, giai đoạn này vẫn cần theo dõi nhiệt độ, nhịp thở, tinh thần. Nếu không thuyên giảm phải đưa đến bệnh viện ngay, đặc biệt theo dõi biến chứng viêm tai giữa, biến chứng vi trùng... Tuy nhiên, các bà mẹ không nên chủ quan vì không điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng một số cơ quan như đường hô hấp trên, nhiễm khuẩn tiết niệu, nặng hơn là trụy tim mạch.
|