Vàng da vì lạm dụng thực phẩm
Các Website khác - 30/08/2008
 Muốn con thông minh, sáng mắt, nhiều bà mẹ bổ sung vitamin A bằng cách cho ăn nhiều cà rốt, bí đỏ, dầu gấc. Tuy nhiên, nhiều trẻ đã bị vàng da vì ăn quá nhiều thực phẩm này.

Tại phòng khám Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, mỗi ngày BS Lê Thị Hải, trưởng phòng khám gặp khoảng 30 trẻ đến khám. Có cháu bị vàng da nên bố mẹ đưa đi khám vì lo ngại bị bệnh gan. Nhưng có nhiều cháu đi khám để được tư vấn dinh dưỡng thông thường, đến đây bác sĩ mới phát hiện bị vàng da.

carot gac bido

Thường xuyên ăn cháo, bột nấu với cà rốt, bí đỏ, đôi khi bổ sung thêm dầu gấc là nguyên nhân khiến trẻ bị vàng da

Tất cả các trường hợp vàng da, khi được hỏi về khẩu phần ăn hàng ngày thì bố mẹ các cháu cho biết, các cháu thường xuyên được ăn cháo, bột nấu với cà rốt, bí đỏ, đôi khi bổ sung thêm dầu gấc. Ngoài ra, các bé này còn hay được ăn bổ sung cam, chuối, đu đủ... và nhiều thực phẩm có màu khác.

Mỗi tuần, trẻ chỉ nên ăn 3-4 bữa có cà rốt hoặc bí đỏ
Trẻ vàng da do ăn nhiều thực phẩm trên thường có biểu hiện vàng ở cánh mũi, gan bàn tay, bàn chân do tăng beta caroten; nước tiểu và phân vẫn bình thường (trẻ vàng da vì viêm gan thường phân trắng hoặc bạc màu, vàng niêm mạc). Độ tuổi thường gặp là từ 6 tháng đến 2 tuổi, tức là tuổi ăn dặm, ăn bổ sung.

Khi bổ sung quá nhiều, beta caroten sẽ tích trữ ở gan, ngấm vào tim mạch và từng mô mỡ, không tốt cho sức khỏe của bé. Cách tốt nhất để tránh vàng da là không ăn quá nhiều các thực phẩm trên. Tất cả các trường hợp vàng da này, chỉ cần ngừng ăn là da trở lại bình thường.

Đáng ngại là các trường hợp do muốn con nhiều vitammin A để sáng mắt, thông minh, ngoài việc cho trẻ ăn nhiều các thực phẩm trên, nhiều gia đình còn cho con uống thêm viên vitamin A, dầu cá (trong khi một năm 2 lần, các bé đã được uống bổ sung vitamin A ở phường, xã).

BS Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, beta caroten có trong cà rốt, bí đỏ, dầu gấc... là tiền vitamin A. Rất may là thừa beta caroten không gây ngộ độc vì nếu thừa, cơ thể sẽ đào thải ra ngoài qua gan. Nhưng như vậy, gan sẽ phải làm việc nhiều, ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé. Về lâu dài, có thể gây bệnh gan và xơ gan ở trẻ.

 

Đã có những trường hợp ngộ độc vitamin A xảy ra sau khi các bé uống vitamin A, vì cơ thể các bé đã thừa các chất này. Trẻ bị ngộ độc cấp do vitamin A thường có biểu hiện nhức đầu, thóp phồng, nôn mửa, bong da và niêm mạc... Nhiều trường hợp quá liều mãn, thể hiện âm ỉ như: bong vảy, rối loạn thần kinh... ở trẻ mà bố mẹ không biết.

Trẻ vàng da do thừa beta caroten thường ở thành phố, thị xã - nơi có điều kiện sống cao hơn. Những trẻ vàng da thường được ăn nửa hoặc cả củ cà rốt/ ngày, và ăn liên tục. Theo BS Lê Thị Hải, khi nấu cháo bột cho trẻ, nếu đã dùng cà rốt thì không dùng bí đỏ... mà nên đổi bữa (cháo rau xanh). Thực ra, trong rau ngót cũng nhiều vitamin A chứ không chỉ riêng các thực phẩm có màu vàng. Mỗi tuần, trẻ chỉ nên ăn 3-4 bữa có cà rốt hoặc bí đỏ. Các bà mẹ nên thay đổi thường xuyên, đa dạng bữa ăn cho trẻ trong một tuần, một ngày. Không nên nấu cho trẻ một lần rồi bắt ăn cả ngày. 

Theo Hoài Hương
KhoaHocVaDoiSong