Do quá nhiệt tình xoay đầu nhảy theo điệu hiphop trên tivi mà em Hoàng Anh, 14 tuổi, bị vẹo cổ và liệt hai tay, phải vào cấp cứu tại Bệnh viện chấn thương chỉnh hình, quận 5, TP HCM. Các bác sĩ chẩn đoán em bị tổn thương tủy cổ, phải mất ít nhất 9 tuần cái cổ mới có thể cựa quậy.
Tương tự mới đây em Ngọc An, 15 tuổi, cũng bị vẹo cổ đến mức phải đi cấp cứu vì quay đầu theo vũ điệu hiphop.
Theo Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, gần đây mỗi năm bệnh viện nhận cấp cứu khoảng 40 trẻ em bị vẹo cổ. Trong số đó, rất ít trẻ bị vẹo cổ bẩm sinh, phần lớn đều do tác động từ bên ngoài, bị chấn thương. "Phổ biến và đáng báo động nhất là do trẻ nhảy nhạc hiphop", bác sĩ Vũ Viết Chính, chuyên Khoa Cột sống của Bệnh viện, cho biết.
Đặt nẹp định vị để phục hồi cổ. |
Theo các bác sĩ chuyên ngành, có ba nguyên nhân chính gây vẹo cổ ở độ tuổi học đường: chấn thương, do viêm họng và do tật khúc xạ.
Trẻ bị vẹo cổ do chấn thương chiếm đa số, nhiều nhất là do bị ngã từ trên cao xuống đất, hay xoay đầu quá mạnh trong quá trình vận động làm đốt sống cổ bị trật, bị lệch đột ngột. Ở những trường hợp này nếu được điều trị kịp thời đều có thể hồi phục vì xương các em còn mềm nên dễ chỉnh sửa. Tuy nhiên, cũng phải mất thời gian dài.
Trẻ bị viêm họng không được điều trị sớm và kịp thời để bệnh kéo dài làm viêm nhiễm trước cột sống, khiến thay đổi cấu trúc mô mềm cũng gây vẹo cổ. Trường hợp này trẻ chỉ biểu hiện giống như bị mỏi cổ nên khó phát hiện.
Một nguyên nhân làm trẻ bị vẹo cổ nhưng không được các bậc phụ huynh chú ý là do trẻ bị tật khúc xạ (đặc biệt là trẻ bị song thị). Khi bị tật muốn nhìn rõ trẻ phải xoay cổ về một phía, lâu dần thành thói quen khiến vẹo. Đây là trường hợp bất ngờ khó phát hiện. Việc điều trị để phục hồi là vô cùng khó khăn và tốn kém.
"Trẻ bị vẹo cổ do nguyên nhân nào cũng rất nguy hiểm. Nếu bệnh chưa quá lâu thì có khả năng hồi phục. Nhưng không phải ca nào cũng đạt kết quả như mong muốn. Việc nắn, chỉnh lại các đốt xương cổ là việc làm phức tạp đòi hỏi sự chính xác và khéo léo. Chỉ cần một sơ xuất nhỏ là có thể làm các em mang tật suốt đời. Hơn nữa rất dễ để lại di chứng. Đôi khi từ chấn thương cổ còn làm ảnh hưởng tới các cơ quan xung quanh", bác sĩ Chính cho biết.
Như trường hợp em Hoàng Anh là một ví dụ, em bị tổn thương tủy cổ ảnh hưởng hai dây chằng nên hai tay em bị liệt. Sau hơn một tuần nằm viện, em phải nẹp cổ thêm 8 tuần mới có thể hồi phục. Còn hai cánh tay thì phải qua 8 tuần mới có kết luận hồi phục được hay không.
Theo bác sĩ Chính, ở tuổi học đường do hiếu động nên rất dễ xảy ra chấn thương ảnh hưởng tới xương của trẻ, vốn còn non chưa phát triển đầy đủ. Do đó, việc giáo dục để trẻ có ý thức đề phòng những chấn thương bản thân là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó phụ huynh cũng nên chú ý đến những tư thế không tự nhiên của trẻ khi ngồi hoặc nhìn để phát hiện kịp thời dấu hiệu có thể gây vẹo cổ.
"Điều đáng lưu ý hiện nay là việc các em mê nhảy hiphop. Đây là một loại hình khiêu vũ có các động tác xoay đầu, lộn người rất dễ làm tổn thương cổ. Từng có một vũ sư hiphop bị gãy xương vai khi đang nhảy, và cũng từng có khuyến cáo nên cẩn thận khi học loại hình khiêu vũ này, nhưng các em hầu như không biết. Vì vậy rất cần có sự giáo dục để các em ý thức được mức độ nguy hiểm cho bản thân", bác sĩ Chính nói.
Võ An
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)