Vị thuốc từ quả thị
Các Website khác - 23/09/2005
Ăn quả thị chín vào sáng sớm có thể tẩy giun. Vỏ quả thị phơi khô, đốt thành than, hòa với dầu vừng hoặc mỡ lợn, bôi lên vết phồng rộp chữa giời leo.
Quả thị có hai loại: thị muộn và thị sáp.

Thịt quả thị chứa 86,20% nước, 0,67% protid, 0,16% chất béo, 12% glucid, 0,33% tanin, 0,47% cellulose. Ăn nhiều thịt quả thị chín vào sáng sớm lúc đói thấy ra giun, nhất là giun kim. Vỏ quả thị phơi khô, đốt thành than, hòa với dầu vừng hoặc mỡ lợn, bôi lên vết phồng rộp chữa giời leo.
Theo kinh nghiệm dân gian, lá thị phơi khô, thái nhỏ, quấn hút nuốt khói (như hút thuốc lá) thấy trung tiện (đánh rắm) được chữa chứng táo bón, bụng anh ách căng đầy. Người ta còn dùng nước sắc lá thị (100g lá phơi khô, sắc với nước và lấy 100ml dung dịch) cho những bệnh nhân sau mổ uống mỗi ngày 10-30ml, kết hợp lấy bông thấm nước sắc này đắp vào rốn để gây trung tiện sau mổ.

Lá thị tươi giã đắp làm mụn nhọt chóng tan hoặc hòa với ít rượu rịt vào chỗ đau chữa viêm tinh hoàn (thiên trụy). Lá thị phơi khô sắc lấy nước đặc rửa vết thương, chống nhiễm khuẩn, nếu giã nhỏ đắp chữa bỏng lửa và đốt thành than, rắc chữa sâu quảng, lở loét. Lá thị (100g) phối hợp với rễ cây ráy (50g) thái nhỏ, phơi khô, nấu nước đến sôi rồi xông chữa dị ứng, mẩn ngứa.

Để chữa phù thũng, lấy lá thị, lá đu đủ, lá lộc mai và lá trầu không, mỗi thứ 50g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày; kết hợp lấy lá tươi của 4 thứ với lượng như trên, giã nhỏ, gói bằng lá chuối đã dùi nhiều lỗ thủng, nướng chín, rồi rịt vào rốn băng lại.
Vỏ rễ thị, chỉ lấy lớp vỏ trắng ở mặt trong, 30-50g, sắc uống để giải nhiệt, trừ độc, cầm nôn hoặc ngâm rửa chữa mẩn ngứa, lở loét.

Vỏ thân cây thị, cạo lấy lớp tơ trắng ở trong, giã với muối, đắp vết thương để rút gai, dằm cắm vào da thịt.

Dược sĩ Bảo Hoa

Theo Theo Sức khoẻ đời sống