![]() |
Bệnh tim mạch, cụ thể là đột tử do nhồi máu cơ tim, vẫn đứng đầu về tỉ lệ tử vong. Mặc dù con số nạn nhân nam giới đã giảm thiểu rất nhiều nhờ phương tiện chẩn đoán và điều trị bệnh tim được cải thiện với tiến độ nhảy vọt, nhưng vẫn ở mức đáng lo ngại. | ||
Điều đáng tiếc nếu thầy thuốc chưa có thể triển khai khả năng như mong muốn là vì bệnh tim vẫn chưa được lưu tâm đúng mức về mặt dự phòng. Nói chính xác hơn, sở dĩ bệnh tim tiếp tục chiếm thế thượng phong không chỉ vì nhiều người bệnh đến với thầy thuốc quá trễ, mà do nhiều người chưa bệnh còn xem thường bệnh tim. Đáng tiếc vô cùng khi đại đa số con người lọt lòng với trái tim lành mạnh. Số trường hợp mang dị tật tim bẩm sinh là số rất ít. Thêm vào đó, khả năng chịu đựng và bù trừ của trái tim rất cao, nếu so với các cơ quan khác trong cơ thể. Thế thì cớ sao tim phải ngã bệnh? Xả thân đến mang bệnh Trong nhiều trường hợp, trái tim nếu đến độ hết khỏe là do lỗi của gia chủ. Nhiều người vẫn chưa hình dung áp lực trên cơ tim nặng đến thế nào để tim vừa đẩy máu nhằm cung cấp dưỡng chất và dưỡng khí, vừa kéo máu về để dọn dẹp phế phẩm và độc chất trong hệ thống mạch máu dài cả trăm ngàn cây số. Tim sở dĩ dễ mang bệnh vì đã quên mình đẩy máu cho tất cả cơ quan cần máu, từ bộ não của người làm việc trí óc bước qua dạ dày của kẻ bội thực cho đến trái thận của đối tượng mạnh miệng với rượu bia, nhưng tim lại quên là con tim cũng cần đủ máu! Nếu trái tim phải đẩy không dưới 18 tấn máu mỗi ngày thì cơ tim chính là trọng điểm cần được ưu tiên bảo vệ. Nào đã xong! Mạng lưới mạch máu chi chít với đủ loại kích cỡ cũng phải chịu áp lực liên tục của nhiều loại bệnh lý, từ xơ vữa mạch máu do tăng chất mỡ trong máu cho đến dòng máu đậm đặc vì bội nhiễm, bước qua viêm tấy mặt trong thành mạch dưới ảnh hưởng của vô số độc chất ngoại lai cũng như nội sinh. Tim làm sao không bị bệnh khi khả năng chịu đựng bị đục khoét liên tục bởi thuốc lá, rượu bia, dược phẩm, chế độ dinh dưỡng đơn điệu..., trong khi áp lực từ stress trong công việc, tình trạng béo phì, bệnh bội nhiễm... vừa gia tăng từng ngày, vừa biến dạng thiên hình vạn trạng?! Phải bắt đúng mạch Mạch máu trên thành tim không tự nhiên tắc nghẽn. Chất mỡ trong máu cho dù có tăng cao, tiểu cầu trong máu cho dù có nhiều hơn bình thường, vẫn không thể vô cớ bám chặt vào thành mạch để gây xơ vữa nếu không có một lớp chất keo giúp chất mỡ, giúp tiểu cầu “móc ngoặc” với mạch máu. Chất keo đó có tên là homocystein, một loại độc chất vô tích sự, thậm chí nguy hại hơn nhiều so với cholesterol. Nhiều thầy thuốc đã có lý do chính đáng khi cổ động cho việc tầm soát homocystein qua các chương trình khám sức khỏe định kỳ, như tiêu chí cơ bản để xác minh khả năng nhồi máu cơ tim cho người muốn phòng bệnh. Xét nghiệm đó có khó thực hiện trong bối cảnh y tế của nước mình không? Hoàn toàn khả thi, miễn là thầy thuốc đừng quên. Nhưng vấn đề không dừng lại ở biện pháp xác minh homocystein. Câu hỏi là lượng homocystein tăng cao trong máu của nhóm đối tượng nào? Nói thêm chỉ sợ mích lòng số người có nghị lực phòng bệnh nhẹ hơn khói thuốc, có quyết tâm trị bệnh mỏng hơn bọt bia. Không mày đố thầy làm nên Xin đừng tiếp tục đổ thừa cho stress khi không phải nạn nhân nào của stress cũng bị nhồi máu cơ tim. Cũng xin đừng qui hết tội cho cholesterol khi không thiếu nạn nhân của tai biến mạch máu não chưa hề có lần tăng chất mỡ trong máu. Đó chỉ là điều kiện ắt có nhưng chưa đủ. Nhồi máu cơ tim sẽ tiếp tục là vấn nạn của nhiều bệnh nhân khi áp lực của cuộc sống trong thế kỷ 21 càng lúc càng gay gắt. Vấn đề đó đúng ra không đến độ nan giải đến thế, nhưng đáp án sở dĩ bất khả thi là vì biện pháp phòng và trị bệnh rất thường khi nằm ngoài tầm tay của thầy thuốc. Thưa quí ông, cho dù lời thật khó tránh mất lòng, muốn bảo vệ “trái tim của chàng” thì nhân tố quyết định chính là nhận thức và ý thức của các ông, những người đang đối xử tệ bạc với trái tim của chính mình qua khói thuốc, qua độ cồn. Cho dù có thuốc thánh cũng bằng không. Mọi biện luận theo kiểu khác chỉ là ngụy biện! | ||
![]() | ||
Vĩnh Thương (Theo Tuoitre ) |
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)