Viagra đại hạ giá ở “lò bào chế” ông Tiên
Các Website khác - 14/08/2008
 
 
Thuốc nội bị đổi nhãn thành thuốc Pháp; Viagra dỏm bị phát hiện hàng ký, giá 55.000 đồng/vỉ.

Ngày 13-8, Đội Quản lý thị trường quận Tân Phú (TP.HCM) phát hiện gần 40 ký thuốc tân dược không rõ nguồn gốc được dán mác thuốc ngoại tại nhà số 229/8 đường Trịnh Đình Trọng, phường Tân Phú Trung. Chủ cơ sở Huỳnh Văn Tiên bị bắt quả tang đang cùng bốn công nhân thay nhãn mác, dán tem nhập khẩu cho nhiều loại thuốc nhái nhãn thuốc ngoại. Ông Tiên khai mới thuê nhà được bốn tháng để “đóng gói, sản xuất”
các loại tân dược, đem qua Campuchia tiêu thụ.
Thuốc Viagra không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: MAI THẢO

Ông Vũ Minh Chiêu - Trưởng phòng Y tế quận Tân Phú cho biết thống kê sơ bộ có trên 15 sản phẩm thuốc sản xuất trong nước được đổi sang thuốc ngoại nhập. Như thuốc Diclofenac 75 mg (do Công ty Vinphaco Việt Nam sản xuất, có giá bán 2.000 đồng/ống) được thay nhãn, dán tem thành thuốc giảm đau Voltaren 75 mg của Pháp, giá bán 100.000 đồng/ống. Hay loại Vitamin C do Công ty Dược Bình Định sản xuất, có giá vài ngàn đồng được biến thành Laroscorbine của Pháp, có giá bán 100.000 đồng/hộp. Hoặc loại Vitamin E có giá 300 đồng viên biến thành thuốc ENAT 400 của Úc có giá bán 2.000 đồng/viên... Đặc biệt là có nhiều loại không rõ nguồn gốc xuất xứ như thuốc chữa bệnh tim hiệu Vastarel hay thuốc chữa bất lực Viagra với số lượng lên tới vài ký. Trong khi Viagra ngoài thị trường bán 300.000-500.000 đồng/vỉ bốn viên thì tại cơ sở này bán với giá 55.000 đồng/vỉ.

Trước đó, ngày 12-8, Đội Quản lý thị trường 3A (TP.HCM) đã kiểm tra toàn bộ các lô hàng ở kho Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Tân Phú (số 278 Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú). Lực lượng kiểm tra phát hiện lô hàng sai phạm về nhãn hiệu hàng hóa, không chứng từ xuất xứ. Gồm mặt hàng thiết bị máy móc ngành công nghiệp, thiết bị nén khí, phụ tùng ôtô và hàng chục tấn hạt nhựa nguyên liệu của các công ty TNHH trên địa bàn quận 5 và Tân Phú, ước tính giá trị lô hàng gần chục tỷ đồng.

Chủ lô hàng trên là Lại Thị Ánh Hồng (thường trú tại Hải Phòng) khai hàng này có nguồn gốc nhập từ Trung Quốc về Hải Phòng. Sau đó, Công ty cổ phần Thương mại vận tải quốc tế Minh Thành Đạt (Hải Phòng) bán lại cho bà Hồng vận chuyển vào TP.HCM tiêu thụ.