Viêm màng não do... giun
Các Website khác - 14/09/2005

Chị Thúy Liên (28 tuổi, TP HCM) được đưa vào một bệnh viện trong tình trạng nhức đầu, nôn ói, co giật. Khi chụp CT, bác sĩ phát hiện trong não chị 2 “đốm” lạ. Sau khi thử máu, họ xác định chị nhiễm giun lươn với biến chứng giun chui lên não.

Triệu chứng nhiễm giun lươn đã xuất hiện ở chị Liên cách đây 3 tháng với biểu hiện tiêu chảy, đau bụng, ăn mất ngon và sụt cân. Chị đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng không tìm được nguyên nhân gây bệnh. Chỉ đến khi phải cấp cứu do có hội chứng não - màng não, chị mới biết mình nhiễm giun lươn.

Chứng nhiễm giun lươn đang ngày càng tăng. Nếu như trong năm 2004, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM chỉ tiếp nhận 40 ca nhiễm giun lươn thì năm 2003, con số này đã tăng gấp đôi. Bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu cho rằng, sở dĩ bệnh được phát hiện ngày càng nhiều là do bác sĩ lâm sàng ngày càng quan tâm nhiều đến bệnh giun sán, cho bệnh nhân xét nghiệm kịp thời. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng số người nhiễm giun lươn trong cộng đồng là rất cao. Một khảo sát ở huyện Củ Chi, nơi người dân còn thói quen đi chân đất khi lao động, cho thấy tỷ lệ nhiễm giun lươn lên đến 12%.

Bác sĩ Siêu cho biết, con người có thể bị nhiễm giun lươn khi tiếp xúc với đất ô nhiễm phân có ấu trùng giun. Lúc này, ấu trùng chui qua da, vào máu, đến phổi rồi di chuyển đến đường tiêu hóa, sinh sôi nảy nở và được bài tiết ra ngoài. Tuy nhiên, đôi khi ấu trùng phát triển trong lòng ruột, đi xuyên qua thành ruột, theo máu lên não, gây viêm màng não, áp-xe não. Tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới từng có một bệnh nhân bị nhiễm giun lươn nhập viện 3 lần đều với biến chứng viêm màng não mủ. May mắn là cả 3 lần này, bệnh nhân đều được cứu sống.

Phần lớn người nhiễm giun lươn không có triệu chứng. Nếu có biểu hiện thì chỉ có ở đường tiêu hóa và ngoài da như tiêu chảy, đau bụng, nổi mề đay, đường ngoằn ngoèo ở ngang thắt lưng và quanh hậu môn do ấu trùng di chuyển. Ngoài biến chứng ở hệ thần kinh, giun lươn còn có thể gây ra viêm phổi, áp-xe phổi, nhiễm trùng huyết. Để xác định tình trạng nhiễm giun lươn, người ta có thể xét nghiệm tìm ấu trùng trong phân, dịch dạ dày, đàm. Tuy nhiên, phổ biến nhất hiện nay là làm huyết thanh miễn dịch học. Một số bệnh viện và phòng xét nghiệm lớn tại TP HCM như bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Trung tâm Y khoa Medic... đều có thể thực hiện được chẩn đoán này.

Để phòng ngừa nhiễm giun lươn, không nên cho trẻ nghịch đất, đi chân đất hoặc chơi các trò chơi tiếp xúc với đất. Cần tạo thói quen mang găng, ủng khi làm việc với đất. Xổ giun định kỳ (6 tháng/lần) bằng Albendazone, nhóm tác động được trên nhiều loại giun sán và sử dụng đơn giản.

(Theo Người Lao Động)