Hỏi: Xin ông nhận định tình hình dịch cúm gia cầm cũng như trên người và khả năng của nó trong thời gian tới, nhất là khi mùa đông đang đến ?
Tiến sĩ Trần Ðắc Phu: Trước hết phải nói rằng tình hình dịch đang diễn ra hết sức phức tạp trên cả thế giới cũng như Việt Nam. Trong những ngày gần đây, dịch cúm A (H5N1) mà ta thường gọi là dịch cúm gia cầm đã xuất hiện không những ở châu Á mà lan sang cả các châu lục khác do có sự lan truyền qua các đàn chim di cư. Người bị nhiễm bệnh tiếp tục xuất hiện và tăng lên tại một số nước Ðông-Nam Á như Thái-lan, Indonesia, Cam-pu-chia.
Tại Việt Nam kể từ khi có người bệnh đầu tiên mắc cúm A (H5N1) ngày 26-12-2003 đã ghi nhận ba đợt dịch, mỗi đợt cách nhau bốn tháng với gần một trăm trường hợp mắc và hàng chục trường hợp chết. Dịch xảy ra tại 32 tỉnh, thành phố. Từ ngày 25-7-2005 đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp người mắc cúm A (H5N1). Tuy vậy chưa có hiện tượng lây từ người sang người mà tất cả các trường hợp mắc đều liên quan gia cầm.
Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo trong thời gian tới virus cúm gia cầm có thể biến chủng, thành chủng mới có độc lực cao, lây truyền từ người sang người và nguy cơ đại dịch có thể xảy ra, ước tính khoảng từ một đến 40 triệu người trên thế giới sẽ chết.
Căn cứ vào đặc điểm dịch tễ học, bệnh cúm thường phát triển mạnh hơn trong mùa lạnh, vì vậy trong mùa đông tới chúng ta có thể chứng kiến sự tăng lên của người bệnh, nếu không thực hiện các biện pháp phòng trừ một cách tích cực. Chúng ta cũng có thể nhận thấy trên thực tế, trong thời gian tháng 8 đến tháng 10 số người nhiễm bệnh đã lắng xuống, song vài ngày gần đây rải rác xuất hiện những người bệnh mới.
Trước đặc điểm dịch tễ học phức tạp và sự tiếp tục gia tăng của các trường hợp nhiễm cúm A (H5N1) đang xảy ra ở gia cầm cũng như ở người trên thế giới, nếu không có biện pháp đối phó một cách tích cực thì hậu quả của dịch là rất khó lường.
Hỏi: Thưa ông, Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo nếu không có biện pháp phòng, chống tốt dịch cúm A (H5N1) có thể trở thành một đại dịch. Vậy ngành y tế đang có những biện pháp gì để đối phó và khả năng của chúng ta đến đâu khi xảy ra dịch cúm trên diện rộng?
Tiến sĩ Trần Đắc Phu: Trong thời gian gần đây, Việt Nam đang tích cực triển khai nhiều hoạt động, tiến hành các biện pháp để đối phó tình hình dịch đang diễn ra hết sức phức tạp. Ngày 15-10-2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người nhằm huy động sự nỗ lực tinh thần ở mức cao nhất của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội cũng như mọi người dân tập trung các biện pháp để đối phó nguy cơ của đại dịch. Ðiều đó đã thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết tình hình dịch.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và với vai trò trách nhiệm chính của mình, ngành y tế đang tập trung xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống đại dịch ở người. Tập trung mọi lực lượng cho các hoạt động giám sát phát hiện dịch, phát hiện sớm người bệnh, tổ chức điều trị kịp thời, triển khai tốt các biện pháp bao vây dập tắt dịch, hạn chế dịch lan ra diện rộng cũng như hạn chế số người chết. Tiến hành các hoạt động tập huấn cho cán bộ y tế và triển khai mạnh các hoạt động tuyên truyền cho người dân để mọi người hiểu được tình hình, không thờ ơ, chủ quan, song cũng không quá hoang mang sợ hãi, đang được thực hiện một cách mạnh mẽ.
Ðặc biệt khẩn trương đầu tư trang thiết bị và nâng cấp các cơ sở y tế để có đủ điều kiện giám sát phát hiện tiếp nhận và điều trị người bệnh cũng như xử lý tốt ổ dịch khi có đại dịch xảy ra. Trong đó tập trung việc mua đủ cơ số thuốc dự phòng, hóa chất và phương tiện khử khuẩn, quần áo trang bị phòng hộ, đầu tư phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp ba để phục vụ cho chẩn đoán bệnh và máy thở để cấp cứu người bệnh đang được tích cực triển khai thực hiện.
Một cuộc diễn tập khẩn cấp sẽ được triển khai vào giữa tháng 11 tại Hà Nội - thành phố đại diện cho khu vực phía bắc và sau đó tiếp tục triển khai tại khu vực miền trung và miền nam để có kinh nghiệm đáp ứng y tế khẩn cấp nếu có đại dịch cúm xảy ra. Có thể nói, ngành y tế đang ở thời điểm cao độ của công tác chuẩn bị và lập kế hoạch để đối phó nguy cơ xảy ra đại dịch.
Hỏi : Xin ông cho biết những biểu hiện của người bị bệnh cúm và cúm A (H5N1) như thế nào; khi người dân có những biểu hiện thì cần xử trí ra sao?
Tiến sĩ Trần Đắc Phu: Bệnh cúm nói chung diễn biến cấp tính, người bệnh với triệu chứng nổi bật là có sốt cao liên tục, rét run kèm theo các triệu chứng về hô hấp như ho, viêm long đường hô hấp, đau đầu, đau cơ, ngoài ra có các triệu chứng về phổi. Tuy nhiên đối với cúm A (H5N1) các triệu chứng của đường hô hấp rất nặng, bệnh tiến triển rất nhanh, không đáp ứng các phương pháp điều trị thông thường và có tỷ lệ chết cao do suy hô hấp.
Trước diễn biến nhanh chóng, nặng và nguy hiểm của bệnh như vậy, người dân khi có triệu chứng sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, tránh chủ quan cho là mình bị sốt thông thường không đi đến các cơ sở y tế, khi được phát hiện bệnh đã nặng thì rất khó điều trị. Ðặc biệt những trường hợp người bệnh sốt có liên quan vùng có ổ dịch gia cầm, tiếp xúc gia cầm bị bệnh hoặc tiếp xúc người bệnh cúm A (H5N1).
Hỏi: Theo ông, người dân nên làm gì để có thể tự phòng tránh bệnh cho bản thân?
Tiến sĩ Trần Đắc Phu: Bệnh cúm A (H5N1) là bệnh liên quan gia cầm cho nên ta thường gọi là cúm gia cầm. Vì vậy trong thời điểm hiện nay cách phòng bệnh tốt nhất là hạn chế việc tiếp xúc, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, thực hiện tốt bốn biện pháp phòng, chống dịch cúm A (H5N1) cho cộng đồng đã được ngành y tế đưa ra:
1. Các hộ gia đình cần phát hiện sớm hiện tượng gia cầm chết hàng loạt và thông báo ngay cho chính quyền địa phương để kịp thời ngăn chặn dịch lây lan.
2. Tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng gia cầm nghi bị bệnh cúm.
3. Khi có người bị sốt cao có liên quan gia cầm bị bệnh phải đến ngay cơ quan y tế để điều trị kịp thời.
4. Dùng Cloramin B và các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn và tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm.
Như vậy chúng ta phải hết sức cảnh giác, khi có dấu hiệu bị sốt cần đến cơ sở y tế để được khám tư vấn và điều trị kịp thời. Song chúng ta cũng không nên quá hoang mang, cần phải tìm hiểu để có sự hiểu biết về căn bệnh này. Hiện nay một số người đi mua Tamiflu là thuốc kháng vi-rút để dự trữ hoặc uống phòng, điều đó là không cần thiết mặc dù thuốc này đang được dùng cho việc phòng bệnh cúm và điều trị người bệnh cúm A (H5N1). Thuốc Tamiflu có tác dụng ức chế sự nhân lên của vi-rút song việc uống thuốc phòng được thực hiện tại những nơi đang có ổ dịch hoặc ở những người tiếp xúc người bệnh và cần được thực hiện theo đúng sự chỉ định của cơ quan y tế địa phương thì mới có hiệu quả phòng bệnh. Uống Tamiflu không có tác dụng phòng bệnh lâu dài như tiêm phòng một số vắc-xin, nếu ai đó đã uống thuốc này nghĩ là mình đã được phòng bệnh sau đó chủ quan không thực hiện các biện pháp phòng bệnh là điều hết sức nguy hiểm.
Xin cảm ơn ông!
TRUNG HIẾU thực hiện
|