Virus cúm. |
Sau khi tái tạo thành công virus cúm Tây Ban Nha gây đại dịch năm 1918, các nhà khoa học Mỹ đã đi tới một kết luận gây sốc: virus 1918 cũng thuộc họ cúm gà, năm xưa đã cướp đi khoảng 50 triệu sinh mạng trên toàn thế giới. Song H5N1 còn độc hơn nhiều.
Kết quả hồi sinh virus "thần chết" 1918 vừa được công bố trên hai tạp chí khoa học danh tiếng của thế giới Science và Nature. Thành tựu mới mang một ý nghĩa trọng đại khi mà người ta còn đang mò mẫm tìm hiểu bí mật của đại dịch 1918: vì sao "kẻ sát nhân" lại có tốc độ di chuyển chóng mặt trên khắp thế giới, vì sao người bệnh chết ngay sau 1-2 ngày có triệu chứng và yếu tố nào khiến nó có sức huỷ diệt khủng khiếp như vậy.
Vào năm 1998, một số nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới bắt tay vào một dự án đặc biệt, trong đó có việc khai quật hài cốt của những người bị virus cúm Tây Ban Nha 1918 giết hại và tái tạo chất liệu gene của thủ phạm. Người ta phải mất một thời gian dài để sẵn sàng đào bới các khu nghĩa trang của người dân trên đảo Spizberegn và một ngôi làng ở Alaska tưởng chừng như "biến mất" trước sự càn quét của virus. Ngoài ra, họ có trong tay một kho hồ sơ bệnh tật của lính Mỹ bị giết hại năm đó.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu là hai chuyên gia Ann Raid và Jeffery Taubenberger thuộc Viện nghiên cứu bệnh học quân đội Mỹ, đã liều khi ứng dụng các kỹ thuật di truyền để tái tạo virus sau khi xây dựng được 8 gene của "kẻ huỷ diệt". Công việc được tiến hành trong một phòng thí nghiệm đặc biệt, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Kết quả thực sự bất ngờ: Virus 1918 thuộc chủng phụ H1N1 và là sản phẩm của một quá trình đột biến về gene của căn bệnh cúm gia cầm. Những đột biến mà virus 1918 có được giúp nó thích nghi với cơ thể người (không giống các tác nhân gây dịch ở châu Á năm 1957 và Hong Kong năm 1968 là những con lai của virus cúm ở người và gà).
Nhóm nghiên cứu đã so sánh virus 1918 "hồi sinh" với chủng virus cùng loại hiện nay và chủng độc H5N1 - tiêu điểm đang gây hoang mang về nguy cơ thổi bùng một đại dịch mới. Kết quả cho thấy, virus 1918 có chứa một bộ gene tối ưu, giúp nó sao chép nhanh chóng trong mô phổi. Theo tiến sĩ Anna Sominina từ trung tâm cúm St.Petersburg (Nga), đó là lý do vì sao người nhiễm bị chết vì các chứng bệnh ở phổi như phù, xuất huyết, viêm cuống phổi... Tuy nhiên, virus 1918 chưa độc bằng chủng H5N1 hiện nay. Thậm chí H5N1 chủng phụ cũng có khả năng tấn công nhiều nội tạng khác ngoài phổi. Hơn nữa, nó còn "trơ" với các loại thuốc chống cúm phổ biến hiện nay trên thế giới. Mức độ chết người virus 1918 là khoảng 1%, trong khi của H5N1 dao động từ 50 đến 100% ở nhiều nước khác nhau.
Một điểm đáng chú ý là "kẻ tiền nhiệm" của virus 1918 trở nên độc sau khi trải qua 10 đột biến quan trọng về gene, cho phép nó dễ dàng làm quen với cơ thể người. Ngày nay, các nhà khoa học đã xác định được 5 đột biện gene then chốt của virus H5N1.
Theo giới chuyên môn, thành công của nhóm chuyên gia Mỹ cực kỳ quan trọng, giúp loài người có thể chuẩn bị tốt hơn cho một đại dịch tàn khốc đang đến gần, tạo đà cho sự ra đời văcxin và những hệ thống phát hiện nhanh các siêu vi trùng mới.
Trong khi mọi thứ còn chưa "tới đích", từ hoạt động biến đổi của virus cũng như việc phát triển thuốc và văcxin của con người, các nhà khoa học khuyến cáo người dân cần chú ý giữ gìn sức khỏe hơn, tích cực tập thể thao, đi bộ nhiều, bổ sung vitamin, mặc quần áp thích hơn theo thời tiết, tiêm phòng cúm. Đặc biệt là tránh xa nơi làm việc và trường học một khi "nghe" thấy một bệnh nhiễm trùng hô hấp chớm bắt đầu.
Mỹ Linh (theo Pravda)
▪ Thuốc xịt ngừa thai (10/07/2005)
▪ Cơn khóc co thắt ruột ở trẻ sơ sinh (09/07/2005)
▪ Ăn để tránh stress (09/07/2005)
▪ Kháng sinh có chữa được viêm xoang? (09/07/2005)
▪ Cây trúc đào (09/07/2005)
▪ Ho và khó thở (10/07/2005)
▪ Những yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng (10/07/2005)
▪ TP HCM chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm (09/07/2005)
▪ Chứng gầy bệnh lý (09/07/2005)
▪ Một số bệnh lý đặc thù của nam giới (09/07/2005)