Rượu, kẻ thù của gan
Điều cấm kỵ đầu tiên đối với gan là rượu vì có khả năng tàn phá gan nhanh và mạnh nhất. Xơ gan có thể diễn tiến âm thầm qua trên mười năm uống rượu. Bệnh nhân thấy ăn mất ngon, sụt cân dần, người gầy ốm, teo cơ hai chân. Ở giai đoạn xơ gan cổ trướng (XGCT) người bệnh có triệu chứng như mặt quắt lại, ngực lép, bụng báng nước bên trong, hai chân phù. Người bệnh còn có thể vàng da, vàng mắt, lá gan lúc này có thể to, bình thường hoặc teo nhỏ, lách to, nổi các ban máu hình sao trên ngực. Xét nghiệm máu thấy men gan tăng nhẹ trong cả giai đoạn viêm gan và xơ gan. Đến khi xơ gan sẽ thấy hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu đều thấp.
Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Kim Sơn, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam (nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức) cho biết, trong tây y có nhiều cách điều trị XGCT. Người bị XGCT phải được điều trị để tránh các biến chứng, giữ ổn định các tế bào gan, ngăn chặn sự phát triển của tổ chức xơ. Thông thường, các bác sĩ cho bệnh nhân dùng thuốc nuôi dưỡng, bảo vệ tế bào gan (trong đó đường và đạm giữ vai trò đặc biệt quan trọng) để gan được nuôi dưỡng và phát triển tốt.
Trong dân gian từ trước đến nay đã có một quan niệm rất sai lầm về cổ trướng. Hễ thấy trong ổ bụng có nước là ngay lập tức họ coi đây là bệnh nan y vô phương cứu chữa. Nhiều người chấp nhận chết mà không chịu chữa trị. Tuy nhiên, lương y Vũ Quốc Trung, một thầy thuốc lâu năm khẳng định XGCT có thể chữa khỏi bằng thuốc Đông y. Theo lương y Vũ Quốc Trung, bệnh XGCT chữa được nhưng không phải bệnh nhân nào cũng khỏi hẳn bệnh. Thuốc nam có khả năng giúp gan phục hồi tốt chức năng điều tiết và giải độc.
Chế độ ăn hợp lý
Người bị XGCT cần cân đối giữa các thành phần như chất đường, chất béo, chất đạm, rau và trái cây. Bệnh nhân bị XGCT phải hạn chế ăn muối, nước tương, nước mắm, và tất cả những thức ăn có vị mặn. Lượng muối natri 2,5 g muối ăn một ngày. Hạn chế ăn những thức ăn đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn vì chúng chứa nhiều muối và nhiều bột ngọt. Người bị bệnh gan nên uống khoảng 1-1,5 lít nước mỗi ngày, tránh ăn mỡ động vật, bơ, thay bằng dầu hoặc bơ thực vật.
Để phòng bệnh xơ gan, nên hạn chế uống rượu và tiêm phòng viêm gan B (cần tiêm sớm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ). Đối với những người đã bị viêm gan B hoặc C mạn tính, cần theo dõi định kỳ 3 hoặc 6 tháng một lần để phát hiện và điều trị sớm những trường hợp viêm gan đang tiến triển, nhằm hạn chế các biến chứng nặng như xơ gan và ung thư gan. Cần theo dõi sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý gây viêm gan do các nguyên nhân khác như suy tim, tắc mật.
Đừng để nước đến chân mới nhảy
Giáo sư, tiến sĩ Đỗ Kim Sơn khẳng định, XGCT khác với bệnh ung thư gan. XGCT là bệnh làm thoái hoá, thay đổi cấu trúc tế bào gan, làm xơ hoá gan khiến chức năng lọc máu, tiêu hoá, bài tiết mật của gan kém đi. Tổ chức xơ lấn át dần làm tế bào gan hạn chế phát triển. Trên thực tế gan là một nhà máy tổng hợp có chức năng phức tạp giúp chuyển hoá mỡ, đạm, đường, bài tiết.
XGCT là gian đoạn cuối của các quá trình bệnh lý mạn tính ở gan, với nhiều biến chứng trầm trọng, có thể đe dọa mạng sống. Tuy khó chữa khỏi hẳn nhưng việc phát hiện để điều trị sớm, tránh những lao động nặng nhọc và tuân theo một chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp bệnh nhân cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa biến chứng.
Người bị XGCT dễ bị biến chứng dẫn tới xuất huyết tiêu hoá, nôn, bụng to, mắt vàng, suy gan. Biến chứng nặng nhất của XGCT chính là bệnh ung thư gan mà trên thế giới chưa có phương thuốc chữa được. Thống kê của ngành y tế cho thấy có tới 90% những người bị xơ gan do virus B và C sẽ bị ung thư gan.
- Ngoài nguyên nhân do rượu gây XGCT, còn có thể kể đến thủ phạm khác là virus (đặc biệt là viêm gan B và C). Bệnh còn có thể xảy ra khi bị suy tim kéo dài, tắc mật lâu ngày, dùng dài hạn các loại thuốc độc cho gan hoặc do một số bệnh lý rối loạn bẩm sinh của cơ thể, ngộ độc hóa chất. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không tìm được nguyên nhân. - Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì rõ rệt, chỉ cảm thấy mệt mỏi, không làm việc được lâu, chán ăn, buồn nôn và sợ một số thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, có cảm giác đầy bụng sau khi ăn. Đôi khi bệnh nhân thấy đau tức vùng dưới sườn phải. Sự suy giảm chức năng gan xuất hiện khi bệnh tiến triển nặng hơn. Bệnh nhân thấy bụng ngày càng tò ra do ứ nước mà người ta gọi là cổ trướng hoặc báng bụng. - Để biết được cổ trướng do bệnh gì, cần đền bệnh viện để tìm nguyên nhân bằng cách chọc hút và xét nghiệm dịch trong cổ trướng. Qua mầu sắc của dịch, có thể chẩn đoán bệnh.
|
|