Đảng của ông Putin thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử
Các Website khác - 03/12/2007
Tổng thống Putin tại một điểm bỏ phiếu ở thủ đô Matxcơva.

Kết quả sơ bộ từ Uỷ ban bầu cử trung ương Nga (CEC) cho biết, với 47% số phiếu được kiểm, đảng Nước Nga Thống nhất đã giành 63,2%. Ba đảng khác giành quá 7% số phiếu ủng hộ để có chân trong Duma quốc gia (tức Hạ viện) gồm đảng Cộng sản (giành 11,5%), đảng Dân chủ Tự do (9,1%) và đảng Nước Nga Công bằng (7,8%).

 

7 đảng khác trong 11 chính đảng tham gia tranh cử ngày 2/12 không giành đủ 7% sự ủng hộ cần thiết để chiếm được các ghế trong quốc hội.

 

Kremlin coi cuộc bầu cử Hạ viện là cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho 8 năm cầm quyền trên cương vị tổng thống của ông Putin - với triển vọng rằng một chiến thắng áp đảo của đảng Nước Nga Thống nhất cho thể cho phép ông tiếp tục duy trì quyền lực sau khi nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 kết thúc vào đầu năm sau.

 

Đảng Dân chủ Tự do và Nước Nga Công bằng đều là các đồng minh của đảng Nước Nga Thống nhất, cũng có nghĩa là các đảng trung thành với Kremlin có khả năng sẽ giành 348 ghế trong tổng số 450 ghế trong quốc hội. Điều này cho phép đảng nước Nga Thống nhất và các đồng minh có thể thông qua những thay đổi trong hiến pháp.

 

Đảng Nước Nga Thống nhất sẽ chỉ định ứng cử viên cho cuộc bầu cử tổng thống vào cuối tháng này.

 

Cũng theo CEC, khoảng 60% số cử tri đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội, vượt qua con số 55,7% của cuộc tuyển cử hồi năm 2003. Các cuộc bỏ phiếu bắt đầu lúc 8 giờ sáng giờ địa phương tại vùng viễn đông Kamchatka của Nga, cách thủ đô Matxcơva khoảng 6.000 km về phía đông và kết thúc 22 giờ sau đó tại vùng Kaliningrad, thuộc phía tây nước Nga.

 

Đảng Cộng sản, đảng đối lập duy nhất giành ghế trong Duma quốc gia, đã cáo buộc những gian lận trong kết quả bầu cử. Tuy nhiên, CEC cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy có các vi phạm dẫn tới phải tiến hành các cuộc điều tra kết quả bầu cử.

 

Hãng thông tấn Nga Ria Novosti dẫn lời Thư ký Ủy ban bầu cử trung ương Nga Nikolai Konkin: “Không có lý do nào để nghi ngờ tính hợp pháp của các cuộc bầu cử này. Các đảng tố cáo gian lận phải đưa ra bằng chứng cụ thể cho CEC”.

 

Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã huỷ kế hoạch cử một đội ngũ quan sát viên đông đảo sang Nga để theo dõi cuộc bầu cử Duma quốc gia vì lý do phía Nga từ chối cấp visa cho các nhân viên OSCE. Tuy nhiên, Matxcơva đã bác bỏ những cáo buộc này.

 

VTH

Theo Ria, BBC