Hội nghị hoà bình hay “gỡ gạc” thể diện
Các Website khác - 26/11/2007
Tình trạng của Jerusalem cũng sẽ được thảo luận ở Annapolis

Quan trọng?

 

Hội nghị hòa bình 3 ngày tại Annapolis, Maryland và Washington trong tuần này diễn ra khi nhiệm kỳ tổng thống của Tổng thống Mỹ George W. Bush chỉ còn 14 tháng và hình ảnh của ông đã bị hoen ố bởi cuộc chiến Iraq.

 

Hội nghị hòa bình do Mỹ bảo trợ lần này được Tổng thống Bush đề xướng hồi tháng 7 vừa qua, nhằm tạo đà thúc đẩy việc nối lại tiến trình hòa đàm đã bị đình trệ 7 năm qua giữa IsraelPalestine, trong đó ông Bush chủ trương hướng tới việc thiết lập một nhà nước Palestine. Ông Bush đã kêu gọi các nước Arập ôn hòa đóng vai trò tích cực thúc đẩy các cuộc hòa đàm hướng tới "một nền hòa bình toàn diện cho Trung Đông".

 

Thư ký báo chí của Nhà Trắng, bà Dana Perino, ngày 24/11 nêu rõ: "Tổng thống muốn chứng tỏ rằng Hội nghị hòa bình Annapolis sẽ biểu thị sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế đối với các nỗ lực can đảm của các nhà lãnh đạo, và điều này sẽ góp phần tạo ra những bước tiến đầy ý nghĩa hướng tới việc đạt được một giải pháp công bằng và lâu dài thông qua đàm phán cho cuộc xung đột Trung Đông và một nền hòa bình toàn diện cho Trung Đông". Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice cũng khẳng định đây là một hội nghị "có tầm quan trọng lớn''.

 

Gỡ gạc

 

Tuy nhiên, cơ hội đạt được bất kỳ sự đột phá nào trong việc hướng tới "nền hòa bình toàn diện" dường như rất mong manh. Hai phía PalestineIsrael bất đồng với nhau trong nhiều vấn đề và nội bộ Palestine đang bị chia rẽ. Dải Gada hiện do Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát và khu Bờ Tây hiện do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo.

 

Một số nhà phân tích cho rằng Hội nghị này là một sự mạo hiểm đối với cả ông Bush và bà Rice. Theo họ, việc tổ chức hội nghị có thể giúp đánh bóng hình ảnh, nhất là từ khi ông Bush, hồi tháng 5/2003, cam kết sẽ dành quan tâm tới vấn đề Trung Đông như đối với Iraq. Tuy nhiên, nhân tố để có thể chứng tỏ một sự tiến triển nào đó có lẽ chỉ là nguyện vọng hợp tác của ông Abbas và Thủ tướng Israel Ehud Olmert.

 

Theo các nhà phân tích, ông Bush và bà Rice dường như không có gì nhiều để mất trong việc thúc đẩy hội nghị này, khi sự ủng hộ của dân chúng đối với tổng thống ở mức thấp và cuộc chiến Iraq không được dân chúng ủng hộ. Mặc dù vậy, Nhà Trắng cũng đứng trước những sức ép ngày càng tăng đòi phải tạo được những kết quả thực sự, nếu không ý tưởng về hội nghị này sẽ trở thành con số không.

 

Một số nhà phân tích về Trung Đông cũng hoài nghi về mức độ nỗ lực cá nhân của ông Bush trong mục tiêu nối lại tiến trình hòa đàm Israel với Palestine. Họ cho rằng ngoài cuộc chiến Iraq, chính quyền Bush hiện ưu tiên vấn đề hạt nhân của Iran hơn vấn đề hòa bình Trung Đông. Việc tổ chức Hội nghị hoà bình này chỉ là để ông Bush gỡ gạch chút thể diện.

 

Thất bại thấy trước

 

Theo các nhà phân tích, hội nghị quốc tế về Trung Đông lần này chỉ là một sự quảng cáo nhằm cứu vãn thể diện của Chính quyền Bush. Thất bại ở Iraq và ở Afganistan đã khiến tổng thống dễ bị tổn thương. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên là hiện nay ông đang cố gắng một cách vô vọng nhằm đạt được một kết quả nào đó trong 14 tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình. Nhưng chính quyền Mỹ hiện nay quá yếu đến mức không thể gây sức ép có hiệu quả với Israel. Còn chính phủ liên hiệp đang lung lay của ông Ehud Olmert cũng quá yếu đến mức không thể có được những nhượng bộ thực sự với người Palestine mà không có nguy cơ bị sụp đổ.

 

Nhà phân tích Leo Ribuffo thuộc trường Đại học George Washington cho rằng trừ Tổng thống Carter, lịch sử các tổng thống Mỹ thiếu khả năng môi giới thành công hòa bình đã cho thấy triển vọng của hội nghị này. Ông Ribuffo chỉ ra rằng các hội nghị như vậy rất khó thành công dù trong điều kiện thuận lợi nhất. Thêm vào đó, chính quyền Bush không nỗ lực trong vấn đề này bằng những người tiền nhiệm là ông Clinton và ông Carter. Ông Carter là người coi hòa bình Trung Đông là mối quan tâm hàng đầu và đặt mục tiêu phải đạt được nó, thế nhưng ông cũng đã phải trả giá đắt về chính trị cho các nỗ lực của mình.

 

Lịch sử cũng đã chứng minh rằng nếu không có một chương trình rõ ràng, không có những mục tiêu được xác định và một lịch trình thực hiện kèm theo một cơ chế bảo đảm việc tôn trọng những quyết định, thì bất cứ hội nghị nào cũng đều thất bại.

 

Các hội nghị Madrid, Oslo, Wye River, Camp David, Sharm El Cheikh, Taba and Aqaba,v.v, không một hội nghị nào dẫn đến kết quả cụ thể cả. Cũng như vậy, Hội nghị Annapolis tuần tới sẽ là cái mồi giả không biết là lần thứ mấy nuôi dưỡng ảo tưởng về những tiến bộ của tiến trình hòa bình, và cụ thể hơn, là nó sẽ thất bại.

 

Kiến Văn