Những cô dâu Việt ở Israel Phương Thuỷ (từ Israel) Chị Sơn, chị Dung, chị Ngọc đều là những người phụ nữ Việt theo chồng về làm dâu tại Israel. Người ít nhất sống xa quê hương 5 năm, người nhiều nhất cũng đã gần 20 năm, nhưng các chị vẫn giữ vẹn nguyên tâm hồn Việt: Đôn hậu, thuỷ chung và mến khách. Chả cá thìa là
Căn hộ nhỏ của chị Sơn ấm áp và đầy hoa. Hoá ra tôi đến chơi đúng vào sinh nhật của chị. Khắp nhà là những món đồ trang trí từ Việt Nam: Các bức tranh khảm trai, hình khắc gỗ chú chuột Mickey, nàng Bạch Tuyết... Để đãi "khách quê", chị Sơn làm món chả cá thìa là cho đúng hương vị Việt Nam. Chị còn hẹn sẽ làm cho tôi nhiều món ăn khác như phở bò, canh riêu cá nấu chua... Mỹ Phương dù chỉ nói được vài từ tiếng Việt, nhưng rất vui và quấn quít với bạn của mẹ từ Việt Nam sang. "Đâu có dễ được gặp đồng hương ở Haifa. Những năm đầu mới sang, có lúc chị ngỡ như quên mất tiếng Việt vì không có người trò chuyện", chị Sơn tâm sự. Biết có khách từ Việt Nam, chị Dung - cũng lấy chồng tại Haifa - bỏ dở công việc để tới nói chuyện quê hương. Chị Dung bảo vẫn nhớ cồn cào món ăn Việt, dù đã sống tại Israel được gần 5 năm. Trong vườn nhà, chị trồng rất nhiều cây sả và ớt. Xa quê hương, bất cứ thứ gì, dù chỉ là loài cây nhỏ bé nhưng gợi nhớ về Việt Nam cũng khiến các chị xao lòng. Hoà nhập 38 tuổi, nhưng chị Sơn sống xa quê hương tới 18 năm. Chị gặp chồng - anh Zeide Avi - khi đang làm việc tại Hồng Kông, sau đó theo anh về Israel sinh sống. Tính chị Sơn quyết đoán, nhưng tình cảm và cởi mở. Avi trêu, bảo chị Sơn là người phụ nữ Israel hoàn toàn, trừ vẻ ngoài rất Việt Nam. Chị ăn đồ ăn Israel, sử dụng nhuần nhuyễn tiếng Hebrew và hoàn toàn thích ứng với các quy tắc của xã hội Israel. Anh Avi hiện là kế toán của Công ty truyền thông Haifa, còn chị Sơn làm việc tại một viện dưỡng lão của Israel. Công việc làm theo ca, có những hôm tối khuya chị mới về đến nhà. Cũng may, Avi rất chia sẻ khó khăn của cuộc sống và chăm sóc vợ con. Avi luôn tỏ ra hãnh diện vì có người vợ Việt Nam xinh đẹp. "Sơn chung thuỷ và chiều chồng con lắm", Avi cười. Chị Chu Ngọc - con gái gốc Hà Nội - gặp chồng khi anh sang làm việc tại Việt Nam. Sau gần 3 năm yêu nhau, chị Ngọc mới đồng ý theo anh về định cư tại Tel Aviv. Đến giờ, gia đình nhỏ của họ đã có thêm một bé trai 7 tuổi và một bé gái xinh xắn 5 tuổi. Chồng chị Ngọc - một chuyên gia về công nghệ thông tin - "cậy" có kinh nghiệm sống tại Việt Nam nên thường trổ tài nấu món ăn Việt đãi vợ. "Cơm chồng nấu hôm sống hôm nhão, nhưng vẫn thấy ngon lắm", chị Ngọc cười. Thấy bố hay gọi mẹ là "Em ơi", các con chị cũng bắt chước gọi theo. Do đi làm cả ngày, nên chị Ngọc rất ít có thời gian nói tiếng Việt với các con. "Cộng đồng người Việt tại Israel còn quá ít, nên muốn tìm người dạy tiếng Việt cho các con cũng khó lắm", chị Ngọc tâm sự. Mong ước hiện nay của vợ chồng chị Ngọc là được làm nhịp cầu đưa các công ty Israel đến với thị trường Việt Nam. "Một số công ty Israel rất quan tâm và đã nhận lời đến tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam. Trước mắt, vợ chồng mình sẽ mở cổng giao diện bằng tiếng Anh và Việt, để giúp các đối tác Israel và Việt Nam dễ tìm hiểu và tiếp cận nhau hơn", chị Ngọc nói. |
▪ Italia: Lần đầu tiên mở cửa hầm ngầm của Mussolini (23/03/2006)
▪ Âm mưu đánh bom Toà án Quốc gia Madrid có thể sát hại tới 900 người (23/03/2006)
▪ Zimbabwe: Mất tiền vì... nàng tiên cá (23/03/2006)
▪ Ecuador tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại 4 tỉnh và 2 thành phố hôm 21.3 (23/03/2006)
▪ Các nạn nhân dioxin nước ngoài sẽ tới Việt Nam dự hội nghị da cam (23/03/2006)
▪ Lính Mỹ sẽ ở lại Iraq thêm nhiều năm nữa (23/03/2006)
▪ Giải thi đấu Commonwealth Games 2006: 9 vận động viên "mất tích" (23/03/2006)
▪ Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến mới (23/03/2006)
▪ Nghệ nhân “bột” (24/03/2006)
▪ Pháp: 420 người biểu tình bạo động bị bắt (24/03/2006)