Những thông điệp của người lao động Ngay trong thời đại công nghệ thông tin, khi thế giới thay đổi chóng mặt, thì ngày Quốc tế Lao động 1.5 vẫn không mất đi ý nghĩa của nó. Mối quan tâm của người lao động trên khắp thế giới vẫn như nhau: Quyền được mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn và tiếng nói của họ cần được các nhà cầm quyền lắng nghe hơn. Ngày không người nhập cư" ở Mỹ
Các ngành công nghiệp dựa vào người nhập cư bị ảnh hưởng rõ rệt khi hơn 1 triệu người tham gia cuộc bãi công ngày 1.5. Tyson Foods Inc. - nhà sản xuất thịt lớn nhất thế giới, phải đóng cửa hơn 10 trong số 100 nhà máy của họ. Goya Foods - chuỗi nhà máy thực phẩm lớn nhất thuộc sở hữu của người gốc Mỹ Latinh tại Mỹ, đã tạm ngừng cung cấp ở tất cả các điểm bán hàng, trừ Florida. Tại khu vực Los Angeles, các tiệm ăn và chợ vắng tanh, 90% công nhân lái xe tải từ chối làm việc tại hai cảng hàng hoá lớn nhất nước Mỹ là Los Angeles và Long Beach. Khoảng 1/3 doanh nghiệp nhỏ ở Los Angeles phải đóng cửa. Tại Florida, ngành xây dựng và y tế bị tác động nhiều nhất khi công nhân xây dựng và y tá không đi làm. Tại một khu vực của Los Angeles, khoảng 72 nghìn học sinh trung học và đại học đã không tới trường. Olmedo - một phụ nữ nhập cư bất hợp pháp từ Mexico năm 1986, cũng cho hai con nghỉ học. Chị nói: "Tôi muốn các con tôi biết rằng mẹ chúng không phải là tội phạm. Cuộc bãi công này thể hiện sức mạnh của chúng tôi". Châu Á - quyền lực nhân dân trỗi dậy Tại nhiều nước Châu Âu có nhiều cuộc biểu tình nhân ngày 1.5, nhưng làn sóng biểu tình lớn thực sự đã tràn qua khắp các nước Châu Á. Tại Philippines, hàng chục nghìn người đã xuống đường đòi Tổng thống Gloria Arroyo từ chức vì những cáo buộc tham nhũng. Indonesia cũng là một điểm nóng khi người biểu tình đòi chính phủ xem xét lại các sửa đổi của luật lao động, trong đó cho phép chủ doanh nghiệp thuê lao động 5 năm mà không cần ký hợp đồng dài hạn hoặc cắt giảm các khoản trợ cấp cho người lao động. Tại Malaysia, người dân tiếp tục biểu tình đòi giảm giá nhiên liệu đang tăng quá nhanh. Tại Thái Lan, người lao động đòi tăng lương 25%. Người dân Nhật Bản, Hàn Quốc cũng biểu tình kêu gọi giảm bớt khoảng cách giàu nghèo và yêu cầu các chế độ phúc lợi xã hội tốt hơn... Các nhà phân tích cho rằng, những cuộc biểu tình ở Châu Á cho thấy người dân ngày càng khao khát được đóng vai trò quan trọng hoạch định tương lai của đất nước mình. Tại Trung Quốc, dịp 1.5 được gọi là "Tuần lễ vàng" khi chính phủ cho nghỉ cả một tuần để khuyến khích tiêu dùng. Nhưng còn 200 triệu lao động nhập cư từ nông thôn không đủ khả năng chi trả cho những ngày đi du lịch. Tờ Beijing News viết trong bài xã luận số ra 1.5: "Tuần lễ vàng không thể là vàng nếu nền kinh tế và xã hội chúng ta không chia sẻ một chút vàng cho tất cả mọi người". Vĩnh Nguyên (Theo AFP, AP, BBC) |
▪ Trung Quốc thử nghiệm thành công tàu đệm từ (02/05/2006)
▪ Bà Hoa hậu Thế giới (02/05/2006)
▪ Gấu Bắc cực và hà mã lần đầu vào Sách Đỏ (02/05/2006)
▪ Craig Kielburger - người hùng của trẻ em thế giới (30/04/2006)
▪ Thủ tướng hoãn nhậm chức (29/04/2006)
▪ Phòng WC cho người chuyển đổi giới tính (30/04/2006)
▪ Giàu nhờ nghe theo lời khuyên của... thai nhi (30/04/2006)
▪ Đàn ông có bầu? (30/04/2006)
▪ Mua Pepsi Cola được... bao caosu (30/04/2006)
▪ Tuần lễ ảm đạm của Thủ tướng Anh Tony Blair (29/04/2006)