Taser kiều M26. Ảnh: AP. |
Ông Muller cầm trên tay một khẩu taser kiểu M26 bắn thử nghiệm vào vị khách đến thăm. Luồng điện chạm vào bàn chân, chạy lên hông. Cơ thể phản ứng ngay tức khắc: Vị khách hét to, cơ bắp tê liệt, ngã quỵ xuống.
"Thế nào?" Brian Muller hỏi, cười toe toét nhìn vị khách đang vừa chửi thề vừa lồm cồm bò dậy. "Đủ rồi phải không?"
Khẩu taser kiểu M26 bề ngoài trông giống như một cây súng ngắn, nhưng nó lại loại đối phương ra khỏi vòng chiến đấu bằng sốc điện. Mặc dù vẫn còn bị tranh cãi cho đến ngày nay, taser từ lâu đã trở thành phổ thông trong lực lượng cảnh sát Mỹ. Ông Muller tin tưởng vào khẩu M26 của ông đến mức đã đáp ứng lời yêu cầu tự thử nghiệm của vị khách đến thăm - đã giảm cường độ đi nhưng vẫn còn rất đau.
Brian Muller, 45 tuổi, dùng taser phục vụ cho Sở Cảnh sát Los Angeles. Lủng lẳng ở thắt lưng là một khẩu Beretta 92F bán tự động, 2 băng đạn, còng tay, máy bộ đàm, dùi cui nhựa, bình xịt cay, dao quân đội - và một M26. "Tôi hay sử dụng cái này hơn là dùi cui", Muller tự hào nói.
Và taser chỉ là cái mở đầu cho những cái sẽ tiếp tục đến. Người ta chỉ cần hỏi ông Muller, vì ông đang lãnh đạo "Dự án khảo sát công nghệ" tại Sở này. Dự án chuyên về khảo sát công nghệ mới cho những người bảo vệ luật pháp. Chúng có tên là "vũ khí không giết người" hay dễ gây nhầm lẫn hơn là "vũ khí mềm", làm đối phương không thể chống cự được nữa.
Hiện nay, theo sau thành công của taser, đã thành hình cả một công nghiệp làm việc cho giới cảnh sát mà công chúng thường không hay biết đến. Bom hơi, bom sương mù, bom gây mê, vũ khí dùng điện hay động năng, máy bắn âm thanh, lựu đạn làm lóa mắt, những vũ khí kỳ lạ có tên TigerLight hay PepperBall. Tất cả là chọn lựa khác cho súng bắn thông thường, được sử dụng "khi tác động gây chết người là không cần thiết". Và Muller là chuyên gia hàng đầu, tìm kiếm những xu hướng mới nhất, thử nghiệm trong thực tiễn và rồi trình bày cho cấp trên.
Vũ khí bắn đạn cay "peperball" chứa chất capsaicin của ớt. Ảnh: Spiegel Online. |
Vũ khí không gây chết người, theo Muller, sẽ làm giảm thiểu đổ máu cho tất cả các bên, một lý lẽ mà nhiều người phản đối kịch liệt, viện dẫn hằng trăm cái chết do taser gây ra.
Trong những năm vừa qua, kho vũ khí của cảnh sát Mỹ đã lặng lẽ có thêm hơn 20 sản phẩm mới. Thí dụ như cái gọi là TigerLight, một loại đèn pin phun hơi cay. Hay súng bắn đạn cay. Hay "Sticky Foam" - bọt được phun ra để làm dính chặt đối phương đang bỏ chạy. Bọt này đầu tiên cũng là một ý tưởng của giới quân sự, được lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng lần đầu tiên vào năm 1993 tại Mogadishu.
Bọt dính ("Sticky Foam") giữ chặt đối phương. Ảnh: AFP. |
Nhiều loại khác có nguyên tắc hoạt động không nhìn thấy được. Thí dụ như Long Range Acoustic Devices bắn ra tiếng động đinh tai nhức óc đến mục tiêu nhất định. Được phát triển cho Lầu Năm Góc, nó được lực lượng cảnh sát sử dụng lần đầu tiên năm 2004 trong một cuộc biểu tình tại New York.
Với hậu quả không lường trước được
Mặc dù nghiên cứu về hậu quả của taser được công bố trong tháng 10 vừa qua tạm thời có thể trấn an: Trong 1000 lần sử dụng, chỉ có 3 người phải vào bệnh viện, không ai chết. Thế nhưng theo thông tin của Viện Tư pháp Quốc gia, riêng tại Mỹ đã có 300 vụ chết người có liên quan đến taser. Viện này vì thế không còn xếp vũ khí này vào loại "không gây chết người" nữa mà vào loại "ít gây chết người".
Tuy vậy, tròn 12.000 trong số 18.000 nhân viên cảnh sát Mỹ đang sử dụng súng gây sốc điện. "Công nghệ mới giảm thiểu rủi ro. Chết ít hơn vẫn còn tốt hơn là chết chắc chắn. Và nó cho chúng tôi một vùng đệm để có được những quyết định nhanh và khôn ngoan hơn".
Hứa hẹn một vùng đệm tốt nhất của loại này là thiết bị được gọi là Active Denial System, tia gây đau. Thiết bị của tập đoàn Raytheon hiện còn đang trong giai đoạn thử nghiệm quân sự thuần túy. Một ăng ten di động phát ra sóng điện từ gây đau đớn trên da người giống như tia phát xạ nóng 55°C. Phạm vi hoạt động là 500 m.
Thế nhưng "Chén Thánh" của khoa học vũ khí, ông Muller nói say mê, lại là một cái hoàn toàn khác: một khẩu "phaser" như các nhà làm phim phát minh ra trong bộ phim "Star Trek". Nó có thể làm được tất cả: "Hâm nóng" kẻ xấu một ít, làm cho tê liệt hay phi vật chất hóa ngay tức khắc, rồi cũng có thể là bom nổ chậm. Tất nhiên chỉ là khoa học viễn tưởng thôi - vẫn còn là khoa học viễn tưởng.
Phan Ba (theo Spiegel Online)
▪ Cá chui vào 'của quý' (27/08/2008)
▪ Thảm sát trong một bữa tiệc gia đình (27/08/2008)
▪ Hai “hồn ma” kết hôn (27/08/2008)
▪ Thái Lan: Người biểu tình xông vào trụ sở chính phủ (27/08/2008)
▪ Nhện có lý khi sống lộn ngược (26/08/2008)
▪ Chị gái 5 tuổi bắn nhầm em (26/08/2008)
▪ Những đạo luật kỳ lạ nhất thế giới (26/08/2008)
▪ Vụ cuồng sát đã được cảnh báo trước (26/08/2008)
▪ 68 người chết do máy bay rơi ở Kyrgyzstan (26/08/2008)
▪ Thông tin mới về người ngoài hành tinh (23/08/2008)