Khi V-League 2006 trôi qua gần nửa chặng đường, cùng với sự sa sút đáng ngạc nhiên của các đại gia như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), Bình Dương (BD), Gạch Đồng Tâm Long An (GĐTLA), thì một trong những bất ngờ lớn của giải là việc một số ngôi sao được mua về với giá cao hoặc được đặt nhiều kỳ vọng lại lu mờ trên sân cỏ. Họ xứng đáng được xem là những món “hàng hớ” của nửa đầu mùa giải năm nay và phần lớn trong số này sẽ ra đi khi các CLB được phép đăng ký danh sách bổ sung cho giai đoạn 2, hoặc ít ra bị thanh lý hợp đồng cuối mùa này.
Mất toi tiền tỉ
![]() |
Tiền vệ Trung Kiên (trái) - món hàng hớ giá gần 1 tỉ đồng của TMNCSG. Ảnh: T.TRUNG |
Đáng thất vọng nhất trong số những cầu thủ nội được các CLB chiêu mộ về trước mùa giải hẳn phải là trường hợp của Nguyễn Trung Kiên. Khi Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn (TMNCSG) tốn tới gần 1 tỉ đồng để mang Trung Kiên về, hẳn Giám đốc điều hành Nguyễn Văn Hiệp, HLV trưởng Đặng Trần Chỉnh cùng các cổ động viên chờ đợi rất nhiều vào sự tỏa sáng của cựu đội trưởng Nam Định. Không những thế, TMNCSG còn dành cho Trung Kiên một chế độ ưu đãi đặc biệt bằng cách trả lương cao, lo nhà ở và lo cả chỗ làm cho vợ cầu thủ này. Nhưng trong màu áo Thép Cảng, không ai còn nhận ra một Trung Kiên vốn là thủ lĩnh của Nam Định 2 mùa trước đó. Sau một thời gian ngồi trên băng ghế dự bị, mãi đến vòng 6, Trung Kiên mới được đá chính một trận và anh vẫn chơi lẹt đẹt, lu mờ khiến tuyến giữa của TMNCSG không khá hơn so với lúc chưa có anh!
Theo HLV Đặng Trần Chỉnh, ngoài việc chưa hoàn toàn hồi phục chấn thương, nguyên nhân chính dẫn đến việc Trung Kiên sa sút là do chưa hòa nhập vào lối chơi của TMNCSG, bên cạnh đó, cựu đội trưởng Nam Định này vẫn chưa vượt qua được sức ép tâm lý khi về TMNCSG với giá bạc tỉ. Bên cạnh Trung Kiên, TMNCSG còn có thêm một “hàng hớ” khác được chuyển về từ BD: tiền vệ Xuân Thành. Dù được hưởng lương cao và cũng nhiệt tình cày ải trên sân, nhưng với gánh nặng tuổi tác, Xuân Thành không để lại ấn tượng gì tại V-League ngoài một lối chơi nặng nề.
Ngoại binh cũng hớ!
Tiêu biểu cho “hàng hớ” ngoại binh là tiền đạo người Brazil Robson Lino. Khi GĐTLA đi tập huấn tại Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) chuẩn bị cho mùa giải 2006, Robson Lino đã liên hệ xin được trở lại thi đấu cho CLB này. Để đăng ký cho Lino vào danh sách, Gạch đành phải bán ngoại binh Tostao Kawaski cho M.H Hải Phòng. Sau 10 vòng đấu, thật oái oăm là khi Robson Lino gây thất vọng lớn và chưa ghi được bàn thắng nào thì Tostao – người bị Gạch bán đi - đã 4 lần lập công cho đội bóng mới. Dù có kỹ thuật tốt, nhưng Lino chưa thể tái hòa nhập vào lối chơi của GĐTLA. Thêm vào đó, tiền đạo này lại bị chấn thương gối và vừa được phẫu thuật. Nhiều khả năng, anh sẽ bị gạt tên khỏi danh sách đăng ký cho giai đoạn 2 của Gạch.
Mua Amaobi cũng là một vụ “bé cái lầm” với BD. Sau khi lặng lẽ chia tay Đà Nẵng, tiền đạo người Nigeria từng đoạt danh hiệu Vua phá lưới V-League 2004 về BD trong sự kỳ vọng của người hâm mộ đất Thủ Dầu Một rằng họ đang sở hữu một “khẩu thần công” hàng đầu V-League. Thế nhưng, trong màu áo BD, Amaobi bị chấn thương liên tục và trở nên vụng về, lóng ngóng đến khó hiểu: Anh chưa ghi được bàn nào và đó là một trong những lý do khiến BD lận đận ở cuối bảng. Hiện tại, lãnh đạo đội BD đang xem xét tiến trình hồi phục chấn thương của Amaobi cho đến hết mùa này, nhưng họ cũng đã xem “giò cẳng” một số hàng ngoại khác nhằm chuẩn bị người thay thế.
Ngoài ra, việc ký hợp đồng với mức lương hậu hĩ với Alves Kesley từ... BD cũng là một phi vụ đầu tư kém thành công của HAGL: Vua phá lưới V-League 2005 trở nên nặng nề, chậm chạp và chỉ ghi được vỏn vẹn 1 bàn qua 10 vòng đầu V-League 2006.
AN MỸ
▪ TIN THỂ THAO NGÀY 22.3 (22/03/2006)
▪ Mời ông Calisto lên khán đài (22/03/2006)
▪ Tuyển thủ Đức bán độ? (22/03/2006)
▪ NHỊP SỐNG THỂ THAO (22/03/2006)
▪ Eto’o đưa Barca đến rất gần chức vô địch (22/03/2006)
▪ Thắng Birmingham 7-0: Liverpool lọt vào bán kết lần thứ 22 (22/03/2006)
▪ Nam Phi mời gọi Eriksson (22/03/2006)
▪ Thể Công và Thanh Hoá cùng bị phạt 5 triệu đồng (22/03/2006)
▪ Việt Nam đăng cai giải tứ hùng nữ Đông Nam Á (22/03/2006)
▪ Adidas chấp nhận thua cuộc đua đầu tiên ở World Cup (22/03/2006)