Thư từ Đức: 2.900 cảnh sát bảo vệ đội tuyển Mỹ
Các Website khác - 02/06/2006
THƯ TỪ ĐỨC
2.900 cảnh sát bảo vệ đội tuyển Mỹ


Ngày 31.5, tại Berlin, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Wolfgang Schaeuble và Chủ tịch BTC World Cup 2006, "Hoàng đế" F.Beckenbauer đã họp báo công bố kế hoạch bảo vệ an ninh cho giải vô địch bóng đá thế giới. Kế hoạch này được điều chỉnh 7 lần và đã được Chính phủ Đức thông qua hôm trước.

Theo Bộ trưởng Schaeuble, tất cả mọi yêu cầu mà Chính phủ Đức đặt ra về an ninh cho World Cup đã được đáp ứng và nước Đức đã "làm tất cả những gì con người có thể làm được" để lễ hội bóng đá thế giới này an toàn và thành công, cho dù không thể nào đảm bảo có được "an toàn tuyệt đối".

Những con số đưa ra gây ấn tượng: 200.000 cảnh sát, 30.000 cảnh sát biên giới, 15.000 nhân viên an ninh tư nhân và gần 7.000 binh lính quân đội cùng với 5.800 nhân viên và tình nguyện viên của Hội Chữ thập Đỏ túc trực trong các SVĐ và 15.000 tình nguyện viên hỗ trợ phục vụ các hoạt động ở các nơi công cộng khác được huy động.

Trách nhiệm được phân công rõ ràng. Quân đội Đức dành 2.000 bác sĩ quân y và nhân viên y tế phục vụ cho World Cup, còn 5.000 lính luôn được đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng ứng chiến.

Cục Điều tra liên bang phụ trách vấn đề khủng bố, hàng ngày đều có giao ban với Cơ quan phản gián và Cơ quan bảo vệ hiến pháp liên bang để đánh giá tình hình và nguy cơ khủng bố. Máy bay trinh sát Awacs của NATO được sử dụng.

Tất cả được tập trung vào Trung tâm Điều phối và thông tin quốc gia đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đóng trụ sở tại Berlin, với sự tham gia của 30 cơ quan, tổ chức khác nhau.

Mỹ là đội được bảo vệ đặc biệt, với đội ngũ gồm 2.900 cảnh sát. Khách sạn Park Hyatt ở Hamburg - nơi ở của đội Mỹ - biến thành một pháo đài. Sân tập luyện của đội Mỹ được nâng hàng rào xung quanh lên cao 5 mét, có hệ thống camera kiểm soát.

Riêng ở Berlin có tới 23.000 cảnh sát được bố trí. Viện công tố cử hẳn người đến sân vận động để xử lý tại chỗ mọi vụ việc xảy ra. Ơ khu vực SVĐ, mọi người ra vào đều bị kiểm tra ngặt nghèo, lập danh sách chi tiết.

Để đối phó với các hooligan, Chính phủ Đức thành lập Trung tâm Thông tin về bạo lực trong thể thao với 450 nhân viên, trong đó có 150 nhân viên hoạt động ở nước ngoài để thu thập thông tin về các hooligan nước ngoài.

Các biện pháp đối phó với hoạt động của lực lượng cực hữu và quốc xã mới cũng được quan tâm, từ cấm tuần hành, biểu tình đến đối phó với nguy cơ xô xát bạo lực. Cho tới thời điểm này, dường như nước Đức đã chuẩn bị đối phó với mọi tình huống an ninh. Nguyễn Mai