Vì sao người mẫu Việt Nam chưa đạt đến trình độ chuyên nghiệp trên các sàn diễn trong nước hoặc họ chưa có cơ hội đặt chân vào các sàn diễn thời trang quốc tế? Đây dường như là câu chuyện dài với nhiều khúc mắc
Khi thị trường quảng cáo ngày càng phát triển và nền công nghiệp thời trang trở nên chuyên nghiệp, việc tìm kiếm người mẫu trở thành nhu cầu tất yếu. Công việc săn tìm người mẫu được hình thành từ đây.
Đi về tay không
Theo chân một caster (người đi săn người mẫu) tìm người mẫu cho một công ty chuyên kinh doanh người mẫu, chúng tôi đến mục kích tại Trung tâm Mua sắm Diamond Plaza (Lê Duẩn), nơi thường có khá nhiều người đẹp lui tới mua sắm và vui chơi. Hành trang của một caster chỉ đơn giản là những tấm namecard và chiếc máy chụp hình kỹ thuật số cùng với một vài kỹ năng, kinh nghiệm giao tiếp. Mất vài giờ đồng hồ tìm kiếm, từ khu mua sắm (tầng 1, 2, 3) đến khu chơi game (tầng 4), cuối cùng chúng tôi cũng tìm được một “con mồi” ưng ý. Đó là một cô gái có dáng mảnh mai trong bộ váy rất xinh, tóc dài ngang lưng bước ra từ một shop quần áo. Chúng tôi vội lao tới chào hỏi, giới thiệu nghề nghiệp bản thân, tặng namecard, xin chụp hình... và mời đến công ty chụp hình thử. Trong khi cô gái rất vui vẻ thì người bạn cùng đi với cô ấy (có lẽ là bạn trai) tỏ ra khó chịu trước thái độ, cử chỉ quá nồng nhiệt của anh chàng caster: “Anh chị thông cảm, bạn tôi bận việc lắm, không đi được đâu”. Thế là công cốc. Ngày thứ hai làm casting, chúng tôi lại lang thang trong phòng photo sticker (chụp ảnh lấy liền) tại rạp chiếu phim Galaxy (Nguyễn Du). 30 phút trôi qua, một “con mồi” xuất hiện. Đợi cô gái chụp hình xong, chúng tôi tìm cách bắt chuyện ngay. Anh chàng caster phải vận dụng tất cả vốn giao tiếp, thậm chí cả nghệ thuật “khua môi múa mép” của mình mới thuyết phục được cô bé cho chụp hình và lấy số điện thoại liên lạc cùng cái hẹn đến công ty chụp hình thử. Anh chàng caster chắc mẩm sẽ được nhận một khoản thù lao công tìm kiếm. Ấy thế mà ngày hôm sau gặp lại tôi, chàng caster tiu nghỉu: “Thua rồi em ơi, cô bé không ăn ảnh. Phải kiếm người khác thôi”.
Bí quyết “nịnh đầm”
![]() |
Chụp ảnh để giới thiệu người mẫu là một công việc của những người đi săn sau công đoạn tìm kiếm |
Để có những ngân hàng dữ liệu người mẫu phong phú, mạng lưới caster của các công ty kinh doanh người mẫu được hình thành nhằm thực hiện công việc tìm kiếm người mẫu, những gương mặt phù hợp với yêu cầu của sản phẩm quảng cáo. Địa điểm lui tới của các caster là trung tâm mua sắm, trường học, nhà sách, các văn phòng, công viên, khu vui chơi giải trí, các câu lạc bộ,... và cả bệnh viện phụ sản. Hễ thấy bất cứ ai hợp với những tiêu chí đặt ra, họ đều mời về chụp hình thử. Sau đó, các thông tin về chiều cao, cân nặng, tuổi tác, số đo các vòng đều được cập nhật đầy đủ. Điều này nhằm hỗ trợ việc cung cấp thông tin cho đối tác lựa chọn được dễ dàng hơn. Nhưng, chính điều này dễ khiến người khác hiểu lệch đi tính chất của công việc casting. Thậm chí có người còn cho rằng, họ- những caster - đang làm việc của một “má mì” chuyên nghiệp. Bảo Khuyên, nhân viên casting của Công ty DV, cho biết: “Trường hợp hiểu lầm như vậy rất nhiều. Vì vậy, nghề casting đòi hỏi phải thật bình tĩnh và kiên trì, tìm cách giải thích thật cặn kẽ để mọi người hiểu”. Bí quyết chung của những caster là phải khen người được tiếp cận bất cứ khi nào có cơ hội, kiểu “chị có mái tóc đẹp quá “hay” chị có nụ cười rất tươi...”. Có lẽ cũng vì vậy mà Hiệp Văn, một caster giàu kinh nghiệm, cũng từng thất bại. Anh kể lại, một lần đi uống cà phê tại quán Papa (hồ Con Rùa), anh gặp một cô gái rất xinh đang ngồi uống cà phê một mình, bèn đến ngồi bắt chuyện và mời cô ấy đến chụp hình thử. Cô gái một mực từ chối và tỏ ra dè dặt, đề phòng. Sau nhiều lần mời mọc không thành, anh gọi điện cho một cộng sự là một caster nữ đến thuyết phục cô gái. Lúc này, cô ấy mới hiểu ra, gật đầu đồng ý. Anh nói: “Có lẽ cô ấy hiểu lầm tôi đang tán tỉnh chứ không phải vì công việc”.
Thú vị nhưng lắm rủi ro
Việc tìm kiếm một người đẹp đã khó nhưng khi kiếm được rồi chưa hẳn mọi chuyện đã diễn ra suôn sẻ. Hàng loạt những sự cố xảy ra mà chỉ có người trong cuộc mới thấm thía. Anh Hiệp Văn cho biết, mời được một cô người mẫu chụp hình quảng cáo sữa mà phải độn bụng làm bầu giả theo yêu cầu của khách hàng là hết sức khó khăn. Anh kể có lần, đến sát giờ quay, người mẫu báo lại không tham gia được vì ba mẹ cô ấy không cho phép gái chưa chồng mà xuất hiện trên tivi với cái bụng bầu rất khó coi, người khác sẽ dị nghị. Có trường hợp, người đẹp đã được chọn đóng quảng cáo nhưng “Quảng cáo, quảng kiếc gì. Lừa đảo đấy!”. Chị Bùi Việt Hà (Công ty Visual.com) cho biết: “Làm công việc casting thú vị đấy nhưng cũng có hàng ngàn chuyện khiến mình phải đau đầu”. Chị kể, nhận hợp đồng quảng cáo cho một hãng dầu gội đầu, chị săn tìm được một người rất hợp ý. Mọi chuyện diễn ra thuận lợi cho đến trước ngày đi quay thử, cô người mẫu này báo lại là không thể tham gia, vì cô vừa được nhận vào làm việc trên tàu du lịch Singapore Star Cruise, một nơi làm việc mà nhiều người mơ ước. Gần 2 giờ thuyết phục, kèm theo lời hứa sẽ bồi thường 500 USD (giá trị bằng một hợp đồng quay quảng cáo chính thức) nếu cô không được chọn, cô gái mới chấp thuận. Và kết quả là Việt Hà phải mất 500 USD. Một trường hợp khác, người mẫu đang quay quảng cáo sữa rửa mặt, bỗng dưng người yêu của nàng từ đâu xông đến đòi bỏ ngang với lý do không thích người yêu xuất hiện trên tivi...
Thùy Trang
▪ Giorgio Armani định hướng thời trang nam hè 2006 (10/07/2005)
▪ “Cô gái mê tiệc” sẽ từ bỏ cuộc chơi? (10/07/2005)
▪ Ảnh áo cưới của Katie Holmes xuất hiện trên báo (09/07/2005)
▪ Trần Lập nói về thời trang rock (09/07/2005)
▪ Tìm một phong cách Âu ở Serenade (09/07/2005)
▪ Ashton Kutcher: Gã bồi bàn biến thành ngôi sao! (10/07/2005)
▪ Chùm ảnh: Đẹp Fashion Show Thu-Đông 2005 (29/08/2005)
▪ Đêm hội ngộ của thời trang ứng dụng và ấn tượng (29/08/2005)
▪ Thời trang cao cấp cho quý ông: Gọn nhẹ và thanh mảnh (27/08/2005)
▪ Thời trang kính (26/08/2005)