Cung cấp người mẫu: Phía sau vầng hào quang
Các Website khác - 20/04/2006
Cung cấp người mẫu:
Phía sau vầng hào quang

Minh Thi
Casting là nghề mới xuất hiện độ 4-5 năm trở lại đây, là dịch vụ cung cấp người mẫu cho phim ảnh, show thời trang, quảng cáo, nhiếp ảnh. Khi vừa mới nở rộ, nhiều người theo nghề này hái ra tiền. Thế nhưng, càng về sau, do sự cạnh tranh không lành mạnh, không ít trường hợp diễn viên thưa kiện công ty casting vì những hợp đồng vô lý và chính những đơn vị trong nghề cũng tự dìm giá nhau để tranh giành khách hàng.

Săn lùng những gương mặt mới

Người mẫu Xuân Lan chụp quảng cáo
cho nhãn hiệu nước khoáng La Vie.
Bùi Việt Hà - người mẫu có gương mặt ăn ảnh đã chọn nghề casting, có trên 4 năm kinh nghiệm "trận mạc". Để săn tìm gương mặt các em bé cho một series quảng cáo, cô phải bỏ công nhiều lần đến Nhà Văn hoá Thiếu nhi TPHCM, mấy lần bị bảo vệ nghi oan là "theo dõi, bắt cóc bọn trẻ". Khi đã tìm ra đối tượng, cô còn phải thuyết phục sao cho họ đồng ý nhận vai mà không bị thụ động về thời gian chụp quảng cáo. Thời hạn sử dụng 1 AD (hình ảnh quảng cáo) là 6 tháng hoặc 1 năm và trong thời gian đó, diễn viên chụp phải không được xuất hiện ở những sản phẩm quảng cáo khác. Theo Việt Hà, nhu cầu săn tìm những gương mặt mới đang ngày càng tăng, thay vì các gương mặt ca sĩ nổi tiếng (giá cao, lại đã nhàm). Điều này bắt buộc những công ty như Visual.com phải có một lượng hồ sơ lưu trữ về các nhân vật phong phú, đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng quảng cáo. Mà gương mặt mới ngày càng khó tìm. Chính vì thế, phải có một đội ngũ caster mạnh.

Công ty của Hà thuê 3 nhà nhiếp ảnh nước ngoài làm việc. Mỗi ngày chụp, họ được trả 900USD. Ngoài tay nghề cao, họ còn có kỹ năng xử lý hình ảnh chuyên nghiệp mà hiếm nhà nhiếp ảnh VN nào đạt được, nhất là trong công nghệ quảng cáo. Mỗi diễn viên chụp ảnh quảng cáo thường được trả 200USD/lần. Tuy nhiên, nghề casting gần đây đang nở ra quá nhiều công ty, hạ giá quá mức để có hợp đồng nên không đảm bảo chất lượng. Nhiều người rời công ty đi, mang theo toàn bộ dữ liệu, hồ sơ để làm của riêng, khiến công ty phải lao đao. Cho đến nay, đã có một số công ty casting giải nghệ hoặc chuyển sang lĩnh vực khác.

Vụ kiện đầu tiên
Trong tháng 4.2006, Công ty Starfaces vừa bị người mẫu Dương Trung Hiếu kiện ra toà vì không thực hiện đúng điều khoản hợp đồng. Theo quy định của hợp đồng độc quyền 3 năm với Starfaces, anh đóng vai người bố trong show quảng cáo trên truyền hình của Viso (Cty Lever VN) 4 lần/năm, với mức thù lao 500USD/lần và còn nhận khoản thù lao bổ sung 500USD/năm. Điều này cũng có nghĩa hợp đồng ràng buộc anh Hiếu không được tham gia quảng cáo sản phẩm khác, không được tham gia vai diễn phản diện trên sân khấu và trên màn ảnh từ 2002-2005. Thế nhưng, kế hoạch thay đổi và anh chỉ quay 1 lần, nhận thù lao 500USD và 250USD thù lao cố định; còn các lần sau thì không được nhận vai và cũng không được thanh lý hợp đồng.

Trong cuộc họp ngày 6.4.2004, công ty trên đề nghị hỗ trợ 500USD để Hiếu thanh lý hợp đồng dịch vụ diễn viên, nhưng anh không chấp thuận vì thấy cách giải quyết chưa thoả đáng. Cũng trong thời gian chưa thanh lý xong hợp đồng với Starfaces, một số công ty khác mời anh đóng quảng cáo, trong đó có Công ty Mega với mức thù lao 4.000USD cho 2 năm chụp ảnh, nhưng Hiếu phải từ chối.

Theo Trung Hiếu, đây cũng là một bài học cho những diễn viên không chuyên được mời đóng quảng cáo. Nếu cứ nhắm mắt nhận lời hoặc không phản đối những điều khoản trói buộc mình hơi nặng từ phía nhãn hàng, họ sẽ bị thiệt vì chịu sự ép giá của công ty trung gian cũng như bị ràng buộc bởi quy định hợp đồng. Thông thường, các công ty casting cho rằng diễn viên phải "o bế" họ vì nhờ họ mà diễn viên mới có việc làm. Chính vì thế, diễn viên cần thận trọng khi đặt bút ký vào hợp đồng.