"Cuộc đổ bộ" của hàng hiệu
Các Website khác - 19/01/2006
Giới trẻ Việt Nam ngày càng sành hàng hiệu
Luxury Mall ở Đào Duy Anh vắng huơ vắng hoắt. Khác hẳn với mua sắm đông đúc ở Tràng Tiền Plaza hay Vincom Tower, hiếm khi đếm được hai chục khách ở đây. Nhưng nó vẫn đang được người ta nhắc đến nhiều hơn bất cứ lúc nào.

Đơn giản bởi cái giá trên trời của nó. Một cái thắt lưng của D&G giá 2.950.000đ, một cái quần của Just Carvalli giá 5.800.000đ... Dù có giảm giá 50% thì khách vẫn lắc đầu lè lưỡi.

Thế mà Luxury Shopping Mall vẫn có nguy cơ bị tiếm ngôi. Một Shopping Acard mới đang manh nha hình thành bên phải mặt tiền khách sạn Sofitel Metropole Hà Nội.

Sau khi Louis Vuitton mở rộng cửa hàng của mình, Cartier đã chuyển đến làm hàng xóm. Tiếp đó là Mont Blance và mới đây là Chopard. Cách đó không xa Hilton Hanoi Opera cũng nhường một phần mặt tiền của mình cho Fulra.

Ông Hardy Gattiker, giám đốc điều hành ở châu Á của thương hiệu Chopard nói trong ngày khai trương cửa hàng đầu tiên của hãng tại Hà Nội: "Hiện nay, chỉ có 0,5 - 1,5% dân Việt có khả năng mua được hàng cao cấp. Nếu con số này lên 5% nghĩa là 5 triệu người, mà tôi tin là sẽ xảy ra trong một thời gian ngắn, chúng tôi thấy mình chẳng có lý do gì để dừng lại".

Ông Maxime Elgue, giám đốc điều hành khu vực viễn đông của Cartier cho biết, Cattier chủ trương nhắm vào khách hàng Việt Nam và ưu tiên trước mắt của hãng là đồng hồ và nữ trang cao cấp. Có thể chính nó đã lý giải việc Chopard chọn giới thiệu bộ sưu tập nữ trang và đồng hồ Happy Diamond nổi tiếng làm điểm nhấn đầu tiên.

Bộ sưu tập này đã quá thành công trên thế giới và giá của nó ở mức chấp nhận được: Từ khoảng 1.000$ trở lên. Tuy nhiên, doanh số chưa phải là ưu tiên hàng đầu của những thương hiệu như Chopard, Catier... Đón đầu một xu thế, khẳng định vị trí thương hiệu của mình trên thị trường và trong nhận thức của người Việt, tạo điều kiện để người Việt tiếp cận được với hàng chính hãng - cũng là một cách chống hàng giả, hàng nhái - đó mới chính là mục tiêu của họ.

"Nhận dạng" dân sài hàng hiệu

Có thể kể ra vô số tín đồ hàng hiệu trong giới ngôi sao: Thanh Lam, Hồng Nhung, Phương Thanh, Hiền Thục... Tuy nhiên, đáng nể nhất vẫn là Đàm Vĩnh Hưng. Trang phục của ca sĩ giọng khàn này được sắm chủ yếu từ các chuyến lưu diễn bên Mỹ. Trong một chuyến đi mới đây, Mr Đàm đã bỏ ra 6.000$ để chất đồ hiệu lên người. "Người đàn ông mode nhất phải thuộc và viết được các tên của các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới... mà tôi rất rành công việc này", Hưng nói - những thương hiệu anh rành nhất là Louis Vuitton, D&G, Gucci, Roberto Cavalli, Jean Paul Gautier, Emporio, Armani, Umberto Bilancioni, J. Lindeberg...

Tiếp đến là những cô chiêu cậu ấm. Một số người muốn bắt chước thần tượng, một số người đơn giản họ thích sành điệu và thừa tiền để sành điệu.

Linh 18 tuổi, một cậu ấm nổi tiếng với toàn đồ hiệu trên người, có thể đặt cả xe SH lấy 6 triệu đồng mua một chiếc áo len D&G hay đem cầm chiếc điện thoại Nokia đời mới nhất chỉ để đổi lấy cái sơ mi hiệu Moschino hơn 1 triệu đồng với lý do "không mua ngay thì hết mất".

Còn nhìn vào tủ giày của Thành, 19 tuổi - người được đám bạn dân chơi Hà Nội gọi là "Cậu bé vàng", sẽ rất dễ hoa mắt. Có vài chục đôi, không đôi nào dưới 1 triệu đồng, và toàn mang những thương hiệu Converse, Doctor, mèng mèng cũng phải Nike, Adidas. Những "đại gia nhỏ tuổi" như Thành hay Linh không bao giờ lo thiếu tiền mà chỉ lo thiếu đồ hiệu hoặc có kẻ nào dám chơi trội hơn mình.

Cũng có những người đến với hàng hiệu chỉ vì mê một thương hiệu nào đó.

Cùng với các đối tượng trên, những người mới nổi xếp mình vào giới thượng lưu, những người muốn nổi và cần một cái gì đó trong tay để đi trên con đường hoan lộ, những Việt Kiều "chắt bóp xứ người, xả láng xứ mình" cũng làm cho cơn sốt hàng hiệu tăng nhiệt hơn. Và cơn sốt này còn được ủ nhiệt bởi không ít người mơ một ngày nào đó mình cũng đủ khả năng để sở hữu những món đồ xa xỉ.

Tương lai hàng hiệu

Chẳng cần nhìn về phương Tây, quê hương của hàng hiệu. Chỉ cần quay sang Trung Quốc bên cạnh, bạn đã thấy ngay hàng hiệu Việt Nam vẫn đang chập chững những bước đầu.

Armani, vốn được xếp vào hàng top những nhãn hiệu thời trang cao cấp, đã có mặt tại Trung Quốc từ năm 1990. Nhưng hãng này vẫn cho là quá muộn vì đã đi sau Givenchy và Ermenegildo Zegna một bước. Armani đang lên kế hoạch "nuốt gọn" thị trường Trung Quốc với 30 shop rải khắp nơi để hút toàn bộ túi tiền của những "con nghiện hàng hiệu" châu Á - còn "máu" hơn cả dân châu Âu và Mỹ.

Gucci cũng vừa khai trương hai shop quy mô ở Hàng Châu và Thành Đô, nâng tổng số lên 6. Dior cũng vừa thêm đại lý khổng lồ bán đồ nữ và một shop nam ở Thượng Hải. Còn Louis Vuitton, hiện đã có 9 cửa hàng ở Đại Lục, đang phát triển thêm một siêu thị thời trang ở Thượng Hải.

Hiện tại, phần lớn người Việt mua hàng hiệu xem ra vẫn chỉ chứng tỏ sự sành điệu hoặc khoe khoang sự giàu có của mình. Nhưng trên thực chất, Louis Vuitton không chỉ nổi tiếng nhờ những họa tiết ô vuông chữ lồng mà còn có giá bởi cam kết về chất lượng dài bằng cả đời người. Chopard, như lời ông Gattiker, "Không chỉ bán mà còn sống cùng những sản phẩm hãng làm ra".

Theo Sành Điệu