Hãy ngắm nhìn mọi người chung quanh chúng ta, không chỉ là khuôn mặt, vóc dáng mà mặc nhiên ta sẽ được truyền tải một cảm nhận, một tín hiệu qua trang phục người đó mặc và sẽ dẫn đến phán đoán về tính cách con người đó.
Tuy nhiên, những phán đoán này không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng chắc chắn trang phục của bạn là những ấn tượng ban đầu khi gặp mặt, nó là ngôn ngữ đầu tiên trước khi bạn ngỏ lời chào. Ngôn ngữ của thời trang là ngôn ngữ giao tiếp không có tiếng và cũng như mọi ngôn ngữ khác, ngôn ngữ của thời trang cũng phải học mới có.
Một số mẫu thời trang truyền thống đơn giản như áo dài là trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, Kimono là trang phục truyền thống của người phụ nữ Nhật Bản. Ngoài ra, có những mẫu thời trang hiện đại mang tính công nghiệp và biểu trưng. Sau đây là một số ngôn ngữ của thời trang phương Tây vào đầu thế kỷ 20:
Nam tính: là những chiếc quần âu, cà-vạt và áo vai rộng với những chất liệu vải thô và dày.
Nữ tính: Là chân váy với cổ áo xẻ sâu, đường eo là điểm nhấn mạnh của phong cách này với chất liệu vải mềm, mỏng.
Gợi cảm: Trang phục bó sát người với chất liệu vải bóng hoặc mỏng luôn luôn đi kèm với đôi giày cao gót.
Trí thức: Trang phục mầu tối, quần âu và chắc chắn phải là bít tất mầu xanh xám hoặc đen. Phụ trang đi kèm là chiếc kính và cặp táp.
Ngây thơ - hiền dịu: Trang phục với những đường viền trang trí hoa là chủ đạo và mầu sắc nhạt, nền nã đi kèm với những đôi giày bẹt.
Nổi loạn: Trang phục và kiểu tóc phá cách, quá khích, xăm trổ và các loại lỗ bấm trên người cộng với những đôi giày to quá khổ và đôi khi có thể là không mang giày.
Giàu có sang trọng: Ðồ trang sức bằng vàng và đá quý với những bộ đồ luôn là lượt, bóng bẩy, vừa vặn đến hoàn hảo của những thương hiệu đắt tiền nhất. Mầu sắc ấn tượng kèm với lông thú và luôn vương vấn mùi nước hoa đắt tiền.
Chúng ta mua và mặc quần áo có thể là một cách rất tự nhiên và cũng có thể là một cách "cân nhắc" có lựa chọn nhưng đều muốn gửi một ấn tượng về bản thân mình với người khác. Một vài cá tính, đặc điểm về bản thân mà ta có thể muốn hé lộ hoặc có thể muốn che đậy như: tuổi tác, vóc dáng, định hướng giới tính, khả năng kinh tế, nghề nghiệp, tôn giáo và quan điểm thẩm mỹ đều có thể truyền tải qua giao tiếp khi ta ăn mặc có chú ý.
Ðối với những người làm phục trang cho sân khấu và màn ảnh họ đều vận dụng linh hoạt những biểu tượng, ý nghĩa của phục trang để khoác lên người diễn viên khiến cho khán giả có thể nhận ra người diễn viên đó đang vào vai một nhân vật với cá tính, tầng lớp và ở trong giai đoạn lịch sử nào, v.v.
Ngày nay, sự ham muốn để trở nên đẹp hơn, trở nên hợp thời theo đúng mốt của giới trẻ là vô cùng cao. Thời trang ở khắp mọi nơi, nó được trình chiếu trên ti-vi hằng ngày, được quảng cáo khắp nơi trên đường phố và đầy những tạp chí thời trang trên sạp báo, quầy sách.
Chỉ vài phút sau các buổi trình diễn thời trang thành công, giới thiệu những mẫu thiết kế mới nhất của các nhà tạo mẫu hàng đầu thế giới, tất cả các lý thuyết đều tan biến, cả thế giới sẽ chạy theo những phong cách, xu hướng thời trang mới. Không một ai muốn bị tụt hậu, bị bỏ rơi, bị lỗi mốt. Thời trang giờ đây không chỉ dừng lại ở quần áo mà những sản phẩm công nghiệp như ô-tô, các thiết bị điện tử, các sản phẩm trang trí nội thất... chỉ cần được thiết kế với mầu sắc và kiểu dáng độc đáo đều trở thành những sản phẩm thời trang.
Trách nhiệm nghề nghiệp của những nhà tạo mẫu và thiết kế thời trang là tìm hiểu, sáng tạo và trải nghiệm chính những mẫu mã và ý nghĩa của trang phục, của trào lưu thời trang khi nó xuất hiện.
Ngoài công việc thiết kế những bộ trang phục có tính ứng dụng cao, họ cần phải định hướng và giới thiệu tới người tiêu dùng những sản phẩm thiết kế thời trang mới, tạo cơ hội để người tiêu dùng có thể tự thể hiện cá tính của mình, nâng cao tính thẩm mỹ đúng hướng. Một cô gái ban ngày có thể mặc những bộ đồ đi học, đi làm nhưng khi tham dự những buổi tiệc, dạ hội họ có thể mặc những bộ váy lộng lẫy kiêu sa không kém một ngôi sao màn bạc, hay hóa thân thành một nàng công chúa.
Trong vài năm gần đây, các nhà tạo mẫu cũng được thử thách bởi mong muốn kết hợp được truyền thống và hiện đại, họ đa dạng hóa và cách tân những văn hóa dân tộc để kết hợp những sản phẩm thời trang hiện đại: áo len khoác với Sari hay áo khoác Tweed mặc với quần jean.
Những lễ phục truyền thống như Kimono, sườn xám hay áo dài đều được cách tân chi tiết để đưa ra một sản phẩm phù hợp xã hội hiện đại hơn. Những nhà tạo mẫu đã mượn những mẫu thời trang về quần áo để phá vỡ biên giới, quốc tế hóa những trang phục truyền thống, trang phục đặc trưng của mỗi vùng, miền bằng thay đổi những quy tắc về kích cỡ, sử dụng những mầu sắc mâu thuẫn, phá vỡ những quy tắc thiết kế, về đường nét của cơ thể, tạo ra những sản phẩm không rõ ràng về giới tính, kết hợp những chất vải khác biệt nhau. Những nhà nghiên cứu thời trang, nhà báo, nhà nhân loại học cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu để truyền tải lại và đóng góp thêm vào thứ ngôn ngữ sáng tạo này là yêu cầu tất yếu và một nét thú vị của cuộc sống cộng đồng.
|