Triển lãm trang phục và hoa văn thổ cẩm các dân tộc Việt Nam: Tương đồng và khác biệt
Các Website khác - 28/07/2005
Triển lãm trang phục và hoa văn thổ cẩm các dân tộc Việt Nam:
Tương đồng và khác biệt

Các thiếu nữ dân tộc Dao Đỏ
(Hà Giang) trong trang phục
truyền thống. Ảnh: L.Q.V

Triển lãm (tại Trung tâm Triển lãm VHNT VN từ 26 đến 31.7) như một bức tranh đa sắc về cộng đồng các dân tộc VN, với gần 130 bộ trang phục (gồm trang phục (TP) sinh hoạt, TP lễ hội, TP trong các hoạt động nghi lễ...) của 54 dân tộc anh em.

Ngoài các mảng ảnh và hiện vật giúp người xem hình dung toàn cảnh truyền thống, quy trình xe lanh, mắc cửi, dệt vải, nhuộm vải, in hoa văn và thêu thùa của bà con các dân tộc, BTC còn mời một số nhóm nghệ nhân Pà Thẻn trình diễn dệt vải thổ cẩm, nhóm nghệ nhân Mông trình diễn dệt lanh, in hoa văn sáp ong và thêu. Việc trưng bày này (theo các tổ hợp) giúp người xem so sánh sự tương đồng và khác biệt về TP giữa các vùng văn hoá, giữa các loại hình sinh hoạt của các dân tộc trên đất nước VN. Sự góp mặt trình diễn của diễn viên Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc trong TP các dân tộc là một phần tạo nên nét sinh động của triển lãm.

Dù hoạt động này rất có ý nghĩa và được chuẩn bị kỹ (rất tiếc chỉ diễn ra trong 5 ngày), nhưng với người tham quan và nghiên cứu văn hoá vẫn không khỏi có một số băn khoăn. Bởi lẽ, do thực trạng cộng cư và sự giao thoa giữa các thành phần xã hội đang diễn ra hàng ngày, nên phần TP của các dân tộc đã ngày thêm hoà đồng. Chưa kể, ngày nay phần lớn người dân tộc đều vận TP may sẵn là chính, nên nghề dệt vải truyền thống đang bị mai một ít nhiều.

Như vậy, liệu toàn bộ các hiện vật trưng bày có đảm bảo nguyên gốc mang dấu ấn truyền thống? Bà Đỗ Thị Hoà - Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hoá các dân tộc VN - cho biết: Rất hiếm đồ nguyên gốc 100% truyền thống. Một số hiện vật sưu tầm được may pha tạp chất liệu vải đương đại, nhưng chủ yếu vẫn giữ được dáng nét, màu sắc hoa văn truyền thống. Đây cũng cảnh báo phạm vi bảo tồn nghề dệt vải thủ công truyền thống đang ngày bị thu hẹp dần. Lê Quang Vinh