Đâu là ‘giải pháp vàng’ cho điều trị, cai nghiện ma túy?
Báo Tiếng chuông - 04/04/2017
Trong phòng chống ma túy, cai nghiện thuộc lĩnh vực giảm cầu, còn điều trị thay thế thuộc lĩnh vực giảm tác hại. Vậy đâu là “giải pháp vàng” cho người nghiện ma túy? Chưa phương pháp nào! Bản thân phương pháp không là “Giải pháp vàng”. Chất lượng điều trị, cai nghiện mới là “Giải pháp vàng”. Có chất lượng, cả cai nghiện và điều trị thay thế sẽ đều là “Giải pháp vàng”.

Điều trị, cai nghiện

“Giải pháp vàng” là một cách nói về một phương pháp tối ưu (so với các phương pháp khác) trong việc chữa bệnh, nâng cao sức khỏe, phục hồi toàn diện cho người nghiện ma túy. Tối ưu về nhân công, chi phí, về hiệu quả, đạt tỷ lệ người nghiện phục hồi cao… Đương nhiên, điều trị, cai nghiện là một tập hợp các hoạt động liên hoàn. Để phương pháp trở thành tối ưu thì từng hoạt động cũng phải như vậy.

Cai nghiện phục hồi là hoạt động xương sống của lĩnh vực giảm cầu ma túy. Trên thế giới, cứ nước nào có chương trình phòng chống ma túy là có chương trình cai nghiện. Cai nghiện mang tính nhân đạo sâu sắc, giúp người nghiện ngừng sử dụng ma túy, tiến đến phục hồi hoàn toàn.

Ở nước ta, chưa nhiều nơi phương pháp cai nghiện đã trở thành “tối ưu” mà chủ yếu mới từng hoạt động, từng công đoạn, từng mặt trong quy trình cai nghiện được thực hiện “tối ưu” như về cắt cơn, phục hồi sức khỏe, về tư vấn, về phòng chống tái nghiện, về giải quyết các vấn đề xã hội… Mặc dù chưa tối ưu hóa toàn bộ phương pháp nhưng do bảo đảm đủ quy trình cai nghiện cộng với quyết tâm của người cai nghiện vẫn có nhiều người cai nghiện thành công, bỏ được ma túy, hòa nhập cộng đồng.

Tại các hội thảo, hội nghị do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức về gặp mặt, chia sẻ kinh nghiệm của những người cai nghiện thành công, rất nhiều người đã bỏ ma túy được nhiều năm, gia đình hạnh phúc, trở thành công an viên cấp xã, Tổ trưởng tổ dân phố, Tổ tự quản, chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tình nguyện viên… Họ đều bày tỏ sự cần thiết của cai nghiện, bởi cai nghiện là khởi đầu cho sự phấn đấu của họ, sau đó cùng với sự giúp đỡ, động viên của gia đình, cộng đồng.

Tuy nhiên, nhìn chung, chất lượng cai nghiện tốt còn chưa mang tính phổ biến. Nhiều nơi chưa bảo đảm quy trình cai nghiện, dẫn đến tỷ lệ người được phục hồi thấp, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân về cai nghiện.

Về điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế bằng Methadone (ĐTTT), đến thời điểm này, gần 50.000 người được điều trị. Trong đó, nhiều người tuân thủ điều trị, không dùng các loại ma túy khác, nâng cao thể lực, có công ăn việc làm ổn định, lập gia đình, hạnh phúc, qua đó, góp phần giảm lây nhiễm HIV/AIDS, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

Tuy nhiên, khó khăn là, không ít nơi, đến điểm uống thuốc hàng ngày, có khi xa hàng chục km, mất cả buổi, đã “cắt ngang” thời gian lao động, kiếm sống của người được điều trị. Một tỷ lệ không nhỏ bỏ điều trị hoặc dùng lại heroin và cả ma túy tổng hợp. Methadone chỉ phù hợp điều trị cho nhóm người nghiện nhóm Opiat, trong khi số người nghiện ma túy tổng hợp (ATS) tăng nhanh (nhiểu tỉnh, thành phố đến 50-70%). Một số người nghiện lấy ĐTTT làm “bình phong” để đối phó với công an, gây khó khăn cho việc quản lý người nghiện và an ninh trật tự xã hội. Nếu không giảm được liều điều trị và tiếp tục dùng cùng các loai ma túy khác thì về lâu dài sẽ là hậu quả khó lường.

Vì sao các phương pháp chưa đạt “Giải pháp vàng”?

Với cai nghiện, về tổng thể, phải chăng, những lúng túng trong tham mưu hoạch định chính sách, pháp luật, giải pháp trước thúc ép của đổi mới dẫn đến nhiều quy định bất cập, thiếu thực tiễn; sự chậm chễ triển khai và sự quan tâm chưa thấu đáo của một số địa phương; sự khó khăn về đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, cán bộ là những nguyên nhân chính.

Về nhận thức, phục hồi là một quá trình từng bước, lâu dài, có thể phải cai nhiều lần, có khi suốt đời. Tái sử dụng ma túy không phải là thất bại mà là chuẩn bị cho bước cai nghiện tiếp theo. Ngược lại, cũng không ít người nghĩ đơn giả là cai một lần (có khi mới thực hiện cắt cơn) đã mong muốn một tỷ lệ rất cao là bỏ ma túy vĩnh viễn. Hướng khác cho rằng, không cai được ma túy. Tư tưởng này đã ảnh hưởng đến chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, giải pháp đáng ra cần phải có để thực hiện đúng tính chất của cai nghiện.

Ai cũng hiểu cai nghiện là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Bởi người cai nghiện khó phục hồi trong môi trường chưa thật thân thiện, ấm áp tình cảm giữa cán bộ và học viên, giữa học viên với nhau; cơ sở vật chất thiếu thốn, xập xệ, điều kiện ăn ở không bảo đảm, các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, dạy nghề… nghèo nàn; cán bộ vẫn nặng về kiến thức quản lý giáo dục, vẫn thiếu cán bộ tư vấn, vẫn yếu về kiến thức và thực hành các liệu pháp về tâm lý-nội dung quan trọng số 1 trong cai nghiện.

Bên cạnh đó, người nghiện khó hòa nhập cộng đồng nếu thiếu sự kết nối giữa cơ sở cai nghiện với chính quyền, gia đình, cộng đồng để chuẩn bị cho người nghiện trở về; các điểm bán lẻ ma túy vẫn còn; những bạn nghiện cũ vẫn đấy; thái độ và ánh mắt kỳ thị, cảnh giác của cộng đồng không giảm; sự quan tâm của chính quyền, phân công cán bộ, tình nguyện viên giúp đỡ mang tính hình thức, hời hợt; các khủng hoảng, mâu thuẫn gia đình vẫn còn nguyên; các chương trình giúp đỡ vay vốn, học nghề, sinh kế, được tham gia sinh hoạt tại tổ, nhóm, câu lạc bộ… vẫn mỏi mắt chờ mong.

Với ĐTTT, đang thiếu vắng một chương trình điều trị toàn diện để đạt mục tiêu (lý thuyết) duy trì, giảm liều, ngừng sử dụng thuốc. Cho uống Methadone và tư vấn tại điểm uống là không đủ. ĐTTT thì người nghiện vẫn là người nghiện với các bệnh lý về não bộ, nhất là với người đã nghiện lâu năm, nghiện nặng. Nếu không có chương trình phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế với ngành Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, các ngành khác, các đoàn thể và chính quyền nơi cư trú của người điều trị về quản lý, tư vấn, chăm sóc, giúp đỡ sinh kế, các mặt xã hội, … thì việc bỏ điều trị hoặc dùng nhiều loại ma túy khác là không tránh khỏi.

Để thành “Giải pháp vàng”

Để thành “Giải pháp vàng”, không gì hơn là nâng cao chất lượng cai nghiện, điều trị. Với cai nghiện, bên cạnh việc gấp rút hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đang gây ra nhiều khó khăn, ách tắc thì cần thực hiện tổng thể các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả theo Đề án đổi mới như: tuyên truyền để xã hội nhận thức đúng về cai nghiện, giảm kỳ thị với người nghiện; có chính sách khuyến khích xã hội tham gia cai nghiện tự nguyện; đào tạo, đào tạo lại bài bản, bắt buộc theo một chương trình tiên tiến cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là liệu pháp tâm lý; mạnh mẽ đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất cần thiết, huy động cộng đồng tham gia tích cực, phát triển và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tại cộng đồng hoạt động; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo và chuyển giao khoa học cai nghiện…

Với ĐTTT, cần sớm xác lập một chương trình điều trị toàn diện, khoa học với nhiều giải pháp về y tế, tư vấn, quản lý, xã hội, với sự tham gia phối hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là chính quyền cơ sở. Do tính chất của ĐTTT (người nghiện vẫn sử dụng chất gây nghiện), để đảm bảo mục tiêu, có lẽ chương trình điều trị toàn diện phải công phu, tương tự hoặc cao hơn chương trình, quy trình cai nghiện.

Được như vậy, cai nghiện, điều trị thay thế đều xứng đáng là “Giải pháp vàng” cho người nghiện ma túy