Di chỉ khảo cổ học quan trọng cần phải khảo sát kỹ
Chuyên gia khảo cổ học, ông Đào Quý Cảnh (Viện Khảo cổ VN), vừa đi khảo sát Côn Đảo về cho biết: "Tôi đã đề nghị với phó chủ tịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phụ trách VH-XH làm hồ sơ đề nghị xếp hạng 2 di tích nhưng nghe nói vụ Hòn Cau họ hơi ngại vì dính tới dự án hàng chục triệu USD kia"!
Được biết các nhà khảo cổ đã xin phép khai quật 300m2 nhưng mới chỉ đào được 50m2 đã chạm rất nhiều mộ táng nên cho lấp cát lại vì sợ hư hỏng di chỉ, di vật khi chưa có phương án bảo tồn tối ưu. Trước những di chỉ hé lộ tại Côn Đảo, chỉ còn cách làm một bảo tàng ngoài trời vì nó có giá trị trong sự phát triển kinh tế, du lịch của tỉnh. Nếu xây khu du lịch sẽ phá hỏng cảnh quan, phá môi trường tự nhiên còn các di chỉ thì bị cuốc đi mất, tất nhiên.
Ông Đào Quý Cảnh còn cho biết thêm: "Có thể khẳng định, từ cách đây 3.000 năm đến khi Pháp tới Côn Đảo, cư dân VN liên tục sống ở mảnh đất này, đây là lãnh thổ của chúng ta. Ngoài ý nghĩa lịch sử, những di chỉ khảo cổ tìm thấy ở đây còn có ý nghĩa khác: hoạch định biên giới quốc gia trên biển của chúng ta".
Có một điều chắc chắn là các di vật ở Côn Đảo không kém bất cứ di chỉ khảo cổ nào về niên đại và lượng di vật. Tại Côn Đảo, trong khu vực đào khảo cổ rộng 175m2 đã có gần 1000 công cụ đá và đẽo, vài chục công cụ đá mài cộng thêm đồ đồng và rất nhiều di vật quý khác.
"Tôi đã xử lý xong gần 70 ngôi mộ gò, phát hiện thêm 2 địa điểm khảo cổ mới, một ở Hòn Cau và một gần ở trung tâm huyện Côn Đảo. Với những gì nhìn thấy ở Côn Đảo, tôi cho rằng di tích ở Côn Đảo đang bị lãng quên, ban quản lý di tích lịch sử ở Côn Đảo hoạt động rất chật vật", nhà khảo cổ Đào Quý Cảnh cho biết.
Về khảo cổ dưới nước, vừa rồi các nhà khoa học mới phát hiện thêm một tàu đắm ở toạ độ X2 nhưng không bằng tàu đắm ở Hòn Cau cũ. Khu vực Côn Đảo nằm gần đường hàng hải quốc tế nên việc có tàu đắm là chuyện rất bình thường nhưng cần phải nghiên cứu xa hơn, sâu hơn. Ở Côn Đảo hiện có 11 nơi có dấu tích của thời tiền sử và sơ sử (tức là trước và sau thời kỳ có nhà nước). Khi ở đất liền người ta tiến tới Nhà nuớc thì ở Côn Đảo mới đạt được trình độ gần gần tương đương.
Qua các di chỉ và di vật tìm thấy tại Côn Đảo có thể thấy từ 2.500, xa nhất là cách đây 3.000 năm liên tục có người Việt cư trú. Tất nhiên sự biến động của cư dân ở Côn Đảo là có. 1862-1975, người sống ở Côn Đảo chỉ là người tù và cai tù, đây là giai đoạn vừa bi thảm vừa bi hùng của Côn Đảo nhưng lịch sử Côn Đảo đâu chỉ có vậy.
Rất nhiều di vật có mối quan hệ sâu sắc với miền Đông Nam Bộ, có quan hệ rõ rệt với đất liền trong khi quan hệ với các vùng hải đảo ở Đông Nam Á lại mờ nhạt, chắc chắn cần điều tra và thẩm định lại. Tiềm năng của Côn Đảo rất lớn nhưng lại đang thiếu những điều tra cơ bản.
Chỉ cần 3 tháng để xoá... di sản?
Nhà khảo cổ học Đào Quý Cảnh bức bối: "Hiện nay tại Côn Đảo, một dự án của KTS Mai Quý đang rậm rịch triển khai, đó là dự án xây nhà cao tầng, định biến Côn Đảo thành Singapore với những toà nhà chọc trời.
Tôi đã nói với những người có trách nhiệm ở Côn Đảo rằng nếu thực hiện dự án này thì sẽ phá hết các dải cồn cát ở Côn Đảo. Côn Đảo là hòn đảo ngoài biển nơi có đủ mọi vùng sinh thái: núi, rừng cây trên núi, đồi cát, rừng cây trên cát và rừng ngập mặt. Đây có lẽ là đảo lạ nhất ở VN có rừng ngập mặn nằm giữa biển khơi. Bây giờ người ta đang chia lòng thung lũng Côn Đảo ra 24 ô, phân lô để xây nhà cao tầng, thật không thể hiểu được".
Theo nhiều chuyên gia khảo cổ, phải mất khoảng từ 6.000-7.000 năm mới có thể hình thành được một thung lũng như Côn Đảo nhưng chỉ cần 3 tháng, tức là chưa dầy 100 ngày, tất cả những giá trị tự nhiên, khảo cổ và lịch sử có thể sẽ biến mất không để lại dấu vết.
Theo VietNamNet
▪ Cha In Pyo tham gia phim mới của đạo diễn Kang Woo Suk (10/08/2005)
▪ Cuộc đời Maradona được dựng thành phim (10/08/2005)
▪ Nghe Thiền ca Phạm Duy... (10/08/2005)