35 tuổi, cao gầy, tóc tết đuôi sam, mặt sạm gió sương từng trải.
Chỉ khi nở nụ cười và giọng nói sổn sảng trong câu chuyện về nghề thì một khuôn mặt khác, một con người khác của Tùng mới như hiện hữu: nồng nhiệt, hồn hậu nhưng cũng quyết liệt, gai góc.
Bây giờ Tùng nói “Sa Pa của tôi” nghe sao tự tin, “sở hữu” thế , cũng như thể ai mới thoáng gặp Tùng, buộc nghĩ ngay:“ dân Sa Pa xịn”. Đó, không chỉ bởi những gì dáng vẻ ngoài. Cả thị trấn Sa Pa, nói tới Tùng ai cũng biết. “Kia, dưới chân dốc phố Cầu Mây, “hắn” mở cái nhà hàng đồ Tây và cái tiệm ảnh”. Trên đường từ Bản Hồ về, Hà Quang Minh, đội phó Đội liên ngành quản lý khách du lịch Sa Pa, chỉ cho tôi địa chỉ của Tùng. Tại phòng tiếp đón khách du lịch của Đội liên ngành “một cửa” Sa Pa, trong mấy chục bức ảnh treo quảng bá, có tới sáu, bảy tác phẩm của Tùng. Hà Quang Minh nói: “Khách nước ngoài thích lắm!”. Chủ tịch thị trấn Sa Pa Hầu A Lềnh cũng gật gù: “ Hắn yêu Sa Pa thật bụng”.
ở Sa Pa, giờ, Tùng khá “có tiếng”. Đang là ông chủ của một hệ thống dăm nhà hàng, khách sạn, Studio…, kinh doanh phát đạt, cuộc sống dư dật, nhưng thú mê ảnh vẫn cứ xốn xang, cồn cào. Hứng lên, Tùng đi cả tháng , rong ruổi, nhếch nhác khổ sở trên chiếc xe Zeep cà tàng. Cả chuyến, có khi chỉ được vài khuôn hình tâm đắc. Có lần đi chụp , bất ngờ gặp lũ, không bỏ cuộc, chiếc xe Zeep chực bị hất theo dòng nước cuồn cuộn, đỏ ngầu. “Vậy mà lúc đó, cầm lái, “hắn” chỉ nghĩ tới chiếc máy ảnh và số phim đã chụp , hét toáng lên : “ Nhấc máy lên cao không hỏng hết…!”.
Thực ra, trong máu con người không chịu nghèo khó này men say nghệ thuật và khát vọng bay nhảy, phiêu lưu đã ngấm hồn từ rất sớm. Quê gốc Đại Từ, Bắc Thái, lớn lên ở Mê Linh, Vĩnh Phúc, năm 1989, tuổi đôi mươi, Tùng rời quê nhà lên Sa Pa, thoạt đầu tìm sống bằng nghề may mặc.
Sau đó, Tùng chuyển sang nghề xuất khẩu uỷ thác hoa lan cho bạn hàng Pháp (thuộc một công ty của Sở Thương mại công nghiệp Lào Cai) . Rồi cũng trong những ngày đầu Sa Pa phát triển du lịch, mở tour đón khách,Tùng là một trong số những hướng dẫn viên du lịch đầu tiên.
Những tháng ngày lăn lộn kiếm sống, gắn bó buồn vui với mảnh đất sơn cước này, trong tâm hồn đa cảm của chàng trai xa xứ hình như có một Sa Pa khác của riêng mình, hết sức đằm sâu, ẩn sau những rực rỡ, tươi thắm và nhộn nhịp ngày thường. Tùng muốn thu tất cả, gói tất cả những rung động khó nói ấy vào khuôn hình,và có lẽ chỉ những khuôn hình mới nói hết, cho thoả.
Mười năm kiếm sống, vừa làm vừa học, đi tới nhiều nước, để cuối cùng nhận thấy không đâu hơn quê mình, và nỗi nhớ mảnh đất Sa Pa nhiều kỷ niệm luôn ám ảnh. Tùng quyết về lập nghiệp dài lâu trên mảnh đất này. Sinh nhai nhẹ gánh, nhưng niềm đam mê nghệ thuật vẫn nuôi giữ trong lòng, Tùng tìm tới người bạn già và sau này là người thầy của anh: nhà nhiếp ảnh Nguyễn Thọ. Anh học hỏi, mày mò, rồi mê mẩn, quyết tâm theo đuổi.
Năm 2000, chính thức đánh dấu sự ra mắt của một tay máy chuyên nghiệp Hoàng Tùng bằng những bức ảnh về Sa Pa gây ấn tượng cho giới nhiếp ảnh, đặc biệt, khi đó, Tùng là một trong số ít những tác giả còn rất trẻ.
Ảnh của anh cũng nhanh chóng giật giải quan trọng trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật Đáng kể có một Huy chương bạc và một giải ba tại hai kỳ Liên hoan ảnh 14 tỉnh phía bắc. Năm 2004, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Sa Pa, bộ ảnh 120 tác phẩm mang tên “ Một thoáng Sa Pa” của Hoàng Tùng ra mắt công chúng, được dư luận đánh giá cao. Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Huyến, nói: “Đã có rất nhiều người chụp Sa Pa, nhiều ảnh về Sa Pa, nhưng có một cách nhìn riêng như Hoàng Tùng thì thật hiếm”.
Ai từng đến Sa Pa, đều dễ nhận thấy bất kỳ nhà hàng, khách sạn nào cũng đều có treo vài ba bức ảnh phong cảnh. Dễ hiểu, bởi Sa Pa quá đẹp. Nhưng có điều gì chan chứa, ẩn lắng sau những khung cảnh thắm sắc muôn màu ấy, không phải thoảng qua ai cũng cảm nhận được. Điều ấy luôn bứt bả với Tùng.
“Nếu chỉ hiểu về một Sa Pa trầm tư trong nền núi xanh thẫm hay kiêu sa khoe sắc trong mây trắng mà quên đi những nhân vật chính đã làm cho bức tranh kia trở nên sinh động và quyến rũ thì thật sự chưa hiểu hết Sa Pa”- Tùng thổ lộ- Và phải chăng hơn mười năm gắn bó với Sa Pa, đã chỉ ra cho Tùng một vẻ đẹp sâu lắng và cũng đầy nhân ái hơn: đó chính là những con người hàng ngày anh vẫn gặp trong mỗi bản làng, trên từng mảnh ruộng, đồi nương.
Chính những con người ấy với những bàn tay thấm mầu của đất, của chàm đã quấn cho núi những vành khăn của lúa, đã thêu lên váy những câu chuyện giao duyên của đất trời. Vậy là những bức ảnh của anh tìm tới điều tâm niệm ấy và anh để chúng tự cất lời. Cũng ruộng bậc thang, cũng váy xoè, chỉ, khăn rực rỡ, núi non mây phủ mơ màng…nhưng tất cả chúng trong ảnh Hoàng Tùng luôn ở trạng thái “động” của tâm trạng, của cảm xúc, dẫu đôi khi chúng gợi một thoáng buồn của kiếp người.
Xem ảnh Tùng, dù là cảnh sắc, hay bất kỳ một đối tượng chụp nào khác, vẫn thấy gợi lên bóng dáng cuộc sống, sinh động, đa chiều. Ở đó có những khung cảnh nên thơ, hùng vĩ của thiên nhiên nhưng cũng có những gian truân, nhọc nhằn vất vả của con người, những con người bình dị đã làm nên cuộc sống muôn màu muôn vẻ kia. Đó là giọt mồ hôi nhọc nhằn đầm lưng mẹ già cõng lúa trên nương, là vườn rau tươi mướt, bông hoa thắm vàng mà trĩu nặng tuyết sương trong mùa lạnh giá, là những bắp chân trần nhẫn nhại trong bùn để có mầu xanh mướt mắt của sóng lúa ruộng bậc thang, là niềm vui nhỏ nhoi,bình dị của người mẹ trẻ vùng cao…
Những con người dung dị trong nét sinh hoạt đời thường ấy bỗng như trở nên gần gũi, thân thương lạ lùng, như chính cuộc sống đang diễn ra quanh đâu đây.
Tùng chưa bao giờ đặt tên cho ảnh của mình. “Tất cả có tên chung: cái đẹp, Tùng nói, và nếu thế, hãy cứ để cho những con người, chủ nhân của cái đẹp ấy nói lên điều muốn nói”.
Phải chăng, cũng vậy khiến Tùng chủ trương cho mình lối chụp tự nhiên, kỵ đến cùng sự bố trí, sắp đặt. “Tác phẩm cần đạt tới sự chân thật, đến thao tác cắt cúp, chỉnh sửa ảnh tôi cũng không muốn can thiệp, bởi khi bấm máy, khoảnh khắc ấy chỉ có duy nhất trong đời, tôi muốn tôn trọng ,gìn giữ như nó vốn có”. Tùng tâm sự.
Tùng đang ấp ủ dự định thực hiện một bộ ảnh có tên Eyes Collection ( bộ sưu tập về những đôi mắt), một ý tưởng độc đáo. “Nhưng chưa thể nói trước điều gì, bởi đây là một dự định khá táo bạo của tôi vì để thực hiện nó, không chỉ ở Việt Nam mà tôi còn phải đi nhiều nước trên thế giới - Tùng cho biết.
“Sa Pa của tôi thế nào?”- Rượu quế rót đãi khách, Tùng mở đầu với câu hỏi hồ như vơ vẩn. “Đẹp, nhưng chưa biết khoe mình đẹp”. Tôi buột miệng. Tùng cười vang: “Chưa biết khoe hết mới hấp dẫn. Mười lăm năm ở Sa Pa, vì nó chưa khoe hết mà tôi luôn thấy phải tìm kiếm, săn lùng đấy. Thử hỏi bây giờ Sa Pa cứ mở hẳn công nghệ tour như Trung Quốc, Thái Lan thì còn gì là Sa Pa nữa. Sa Pa đẹp, hấp dẫn vì vẫn còn vẻ mộc mạc, hồn nhiên, hoang dã…”.
Câu nói của Tùng khiến tôi sực nhớ tới lời của Hà Quang Minh ban chiều khi xuống Bản Hồ: “ Khách nước ngoài mê Sa Pa vì họ xem du lịch ở đây là thứ du lịch trải nghiệm( experience tour). Có nghĩa đi để khám phá và cùng được sống với những gì khám phá. Tôi mới thấy mình hồ đồ. Và lại mừng cho Tùng, một người đã đến đã gắn bó và rất hiểu, rất yêu Sa Pa, mà đâu phải ai cũng có được thứ tình cảm đặc biệt đó.
|