Kỹ xảo điện ảnh Việt Nam cần có chiến lược dài hơi
Các Website khác - 03/09/2008

Để làm kỹ thuật, công nghệ tham gia tích cực vào quá trình làm phim không thể thiếu sự quan tâm, ủng hộ của các cấp quản lý và các nghệ sĩ. Bên cạnh đó là những chính sách, lộ trình lớn mang tính quy hoạch thuộc cấp ngành, cấp nhà nhà nước.

 

>> Kỹ xảo điện ảnh Việt Nam: Đâu là lối thoát?
>> Các nhà làm phim Việt ngại làm về kỹ xảo?

 

Bài toán nan giải

 

Hellboy551
Narnia xacuopAicapIII
Incredibles
Những bộ phim sử dụng kỹ xảo nổi đình đám của Hollywood đáng để cho ta học hỏi

Khi chúng tôi làm phim tài liệu: Kỹ xảo điện ảnh Việt

Nam bước nhập cuộc đã từng có những cuộc gặp gỡ và trao đổi với một số nhà quản lý, các nghệ sỹ xung quanh vấn đề làm kỹ xảo điện ảnh ở Việt Nam.

 

Luồng ý kiến nhận được khá đa dạng và không ít những ý kiến trái chiều. Một số nhà quản lý và các nghệ sĩ không giấu giếm sự bi quan về tình hình đầu tư cho điện ảnh nói chung và trình độ kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam nói riêng.

 

Với thực tế làm phim và tâm lý ngại thay đổi, xuôi theo một lối mòn có sẵn không ít ý kiến tỏ ý quan ngại về tình hình làm kỹ xảo của Việt Nam. Luồng ý kiến này phủ nhận mọi cố gắng và xem việc đưa phim ra nước ngoài làm kỹ xảo là việc tất yếu của điện ảnh Việt Nam.

 

Một trong những so sánh được viện dẫn là thành công của những nền điện ảnh nhỏ, ít kinh phí, không sử dụng kỹ xảo như điện ảnh Iran.

 

Tuy nhiên một số nhà quản lý cấp ngành có tầm nhìn xa và các đạo diễn thích thử nghiệm, đưa cái mới vào phim ảnh thì lại vạch ra những hướng đi cần thiết để điện ảnh Việt Nam hội nhập với thế giới.

 

Trong lộ trình đó không thể thiếu những chiến lược đầu tư, mở rộng và phát triển việc làm kỹ xảo. Trong thực tế khảo sát, có những trung tâm kỹ thuật, hãng phim từng nhập về các hệ thống máy móc hiện đại và thuê chuyên gia nước ngoài sang hướng dẫn.

 

Nhưng giữa trang thiết bị, máy móc hiện đại và trình độ sử dụng của con người vẫn còn những khoảng cách không dễ lấp đầy.

 

Một số ý kiến

 

Ông Đặng Vũ Thảo - Giám đốc hãng phim hoạt hình Việt Nam cho biết: Với các phần mềm tiên tiến và kỹ thuật làm phim 2D, 3D các họa sĩ  làm phim hoạt hình có thể vẽ, nhân bản dựng thành những thành quách, những nhân vật mang tính huyền thoại, những đàn ngựa đẹp như trong mơ, tái hiện lại những câu chuyện lịch sử, những huyền thoại về Thánh Gióng, Sơn Tinh - Thủy Tinh, từng gắn với lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước.

 

Với những ưu thế đó, hoạt hình Việt Nam có thể làm được cái mà điện ảnh phim truyện không dễ gì khắc phục. Bên cạnh việc nhập về những dàn máy hiện đại thì hãng cũng chú trọng việc cử người tham gia cùng khóa học về kỹ xảo điện ảnh.

 

Ông Nguyễn Văn Thiêm - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh cho rằng: Cần phải xây dựng những lộ trình, gửi các cán bộ kỹ thuật, tin học sang đào tạo tại những trung tâm kỹ thuật lớn của thế giới.

 

Bên cạnh đó nhập về những hệ thống máy móc hiện đại. Chiến lược đào tạo con người cần phải đi trước, đón đầu và có lộ trình. Việc gửi người đi đào tạo phải tính đến thời gian từ 5 năm đến 10 năm.

 

Đạo diễn Đỗ Đức Thành cho biết: Tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm có một đội ngũ làm kỹ xảo chuyên nghiệp cho phim truyền hình và hy vọng việc làm kỹ xảo được cho như một phần không thể thiếu của điện ảnh cũng như truyền hình.

 

Sẽ đến lúc, người xem cảm thấy chán nản khi phải nhìn mãi những hình ảnh như đã thấy cách đây vài chục năm. Tôi hy vọng việc làm kỹ xảo được nhìn nhận một cách công minh hơn. Trong quá trình mở đường, có thể ta chưa đi đúng đường, có thể đi rất chậm và có lúc chưa tìm được đường đúng nhưng nếu không đi thì không bao giờ đến.

 

Nếu sợ sai, không rút kinh nghiệm cho bản thân thì không thể làm phim kỹ xảo. Tôi không sợ mình sai, chỉ sợ mình không tìm được chỗ sai.

 

Đâu là giải pháp

 

Điểm lại các ý kiến cũng là để khẳng định việc đưa kỹ xảo vận dùng vào quá trình làm phim là một tiến trình tất yếu và là xu thế của điện ảnh hiện đại, nhất là trong thời hội nhập. Với nhiều nghệ sĩ, việc thay đổi cách làm phim cũ là quá khó trong khi việc dùng kỹ xảo trong tương lai lại là điều không thể tránh khỏi.

 

Tuy nhiên việc áp dụng khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ xảo vào điện ảnh cũng cần có những lộ trình để tránh tình trạng nơi có tiềm năng nhập máy móc, thiết bị hiện đại lại không có những cán bộ chuyên sâu đủ năng lực đảm trách.

 

Một số công ty tư nhân, các kỹ sư tin học, đồ họa ham thích việc tìm kiếm, thể nghiệm kỹ thuật, kỹ xảo lại không có được một hệ thống trang thiết bị, máy móc đi kèm. Tất cả tạo nên sự thiếu đồng bộ và thiếu chuyên nghiệp của một nền điện ảnh.

 

Bài toán giữa nhân lực và thiết bị đã, đang và sẽ cần có câu trả lời, những kế hoạch dài hơi của cấp ngành.

 

Để có chiến lược dài hơi, những kế hoạch đầu tư, đào tạo cho con người phải được tính đến đầu tiên. Kế đó là sự đầu tư những dàn máy hiện đại, những phần mềm tương thích. Trong lộ trình đó, sự bắt tay hợp tác giữa nhà nước và tư nhân cũng cần được tính đến khi mà công nghệ phát triển, nhiều bạn trẻ đã có những cách tiếp cận và sáng tạo riêng.

 

Đây cũng là ý kiến của ông Phạm Mai Châu, họa sỹ thiết kế, giảng viên khoa Tạo dáng Công Nghiệp, Viện Đại học Mở Hà Nội khi cho rằng các công ty tư nhân và các bạn trẻ làm tin học sẽ là những người đi trước trong việc phát triển kỹ xảo vi tính trong phim Việt Nam chứ không đợi nhà nước có chủ trương phát triển.

 

Chủ trương xã hội hóa điện ảnh, mở rộng các hãng phim tư nhân, kích thích một thị trường điện ảnh phát triển chính là mảnh đất màu mỡ để phát huy, tận dụng sự phối hợp giữa nhà nước và tư nhân cùng tham gia, đẩy mạnh và phát triển thị trường điện ảnh.

 

Tiến tới hội nhập thì bên cạnh việc phát huy những ưu thế của cách làm phim cũ thì việc thay đổi cách làm, đưa kỹ xảo tham gia vào tiến trình làm phim cũng cần có sự khích lệ và đầu tư đúng mức.

 

Khi kỹ xảo phát triển thì những dự án phim lịch sử, phim cổ trang của Việt Nam sẽ khắc phục được phần nào sự thiếu nghiêm trọng các trường quay, những cung điện thành quách, những đàn ngựa, voi chiến hay tái hiện những câu chuyện mang tính dã sử, những huyền thoại của đân tộc.

 

Những thiếu thốn đó so với trình độ kỹ thuật, kỹ xảo của điện ảnh thế giới không còn là vấn đề nhưng với kỹ thuật điện ảnh Việt Nam vẫn còn là một thách đố, bó tay những nhà làm phim.

 

Để từng bước đưa kỹ xảo vào việc làm phim ngoài việc khuyến khích, phát triển mảng làm kỹ xảo cần sự thay đổi trong tư duy sáng tạo và một khoản kinh phí dành cho kỹ xảo trong khung giá cấp cho đoàn phim.

 

Điện ảnh Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Để tạo nên sức bật và sự vươn xa của điện ảnh Việt Nam cần hội đủ các yếu tố, sự đồng lòng của các nghệ sĩ và xa hơn là một tầm nhìn mang tính quy hoạch cho sự phát triển lâu dài của điện ảnh.

 

Theo Ngô Minh Nguyệt