Những đốm sáng báo hiệu phong cách
Các Website khác - 17/12/2005
Những ngày phim sinh viên Việt Nam:
Những đốm sáng báo hiệu phong cách

Việt Văn

Cảnh trong phim "Đứa con".
Không phải ngẫu nhiên trước mỗi kỳ làm bài tập trong trường điện ảnh, các giảng viên thường khuyến khích sinh viên hãy cố gắng thử sức trước bất kỳ thể nghiệm nào, bởi những tác phẩm đầu tay này "thực sự là của các em, mang dấu ấn phong cách của chính các em".

ược đánh giá cao nhất có lẽ là phim "Mùa thứ 5" của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - quay phim Trần Hoàng Linh. Phim khai thác một mảng nội tâm của những người phụ nữ và công việc nội trợ trong gia đình. Không ngạc nhiên khi người chọn đề tài này là một phụ nữ, nhưng cái lạ là Nguyễn Hoàng Điệp sinh năm 1982 - tuổi quá trẻ cho sự chiêm nghiệm và nếm trải - tuy vậy những gì cô bày ra trong phim quả thực là một bất ngờ.
Không thiếu trong chùm quả đầu mùa này những bộ phim nặng tính suy tưởng, trừu tượng. Phim "Sen" của Phan Đăng Di là một ví dụ. Phan Đăng Di dùng hình ảnh cô bé Sen chờ đợi cụ "mọc răng" để được về, mà không hiểu đó là cách nói ẩn dụ "ghê gớm" mà bà già dùng. Mỗi khuôn hình trong phim là một bức tranh mang tính biểu hiện, màu sắc chủ đạo trong phim là gam màu đỏ, tạo cảm giác vừa u uất vừa ngột ngạt. Không thể nói phim không có những khiếm khuyết của một tay nghề còn non nớt, nhưng sự can đảm trong cách thể hiện của các tác giả trẻ chưa ai quá 30 tuổi ở phim này đã là một điều đáng khen.

Dường như "A.B.C" của đạo diễn Huỳnh Phương Ngọc là bộ phim duy nhất nói về chính thế hệ học trò, lứa tuổi của các nghệ sĩ trẻ này đang sống. Câu chuyện của 5 cô gái tự thành lập một nhóm gọi là A.B.C (Anti Boys Club). Do các chàng trai trong lớp hay trêu ghẹo, nên mục tiêu của nhóm đề ra là làm tất cả những gì mà con trai có thể làm. Một câu chuyện xinh xắn về tuổi học trò khá lôi cuốn và hấp dẫn. Và còn nữa là "Đứa con" (Trần Bích Ngọc - Trần Trung Nguyên), "Chỉ một đôla" (Nguyễn Mạnh Hà - Trần Hoàng Linh)... Điều đáng nói là giống như trong lĩnh vực thời trang, trên sàn catwalk và trong cuộc sống là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng thời trang trình diễn trên catwalk hoàn toàn có thể dự báo xu hướng cũng như phong cách của nhà thiết kế. Điện ảnh cũng vậy. Nếu coi những bài tập phim này là những thể nghiệm tự do, phần nhiều mang tính phá cách táo bạo và trình diễn, thì đã có thể nhìn thấy được những đốm sáng báo hiệu phong cách làm phim trong tương lai của các tác giả trẻ này.

Hiện nay, mỗi năm Trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội có khoảng vài chục người làm phim trẻ ra trường. Bài tập tốt nghiệp của họ luôn là những cố gắng đáng ghi nhận. Trên thế giới, phim sinh viên luôn có một chỗ đứng nghiêm túc và có các liên hoan phim uy tín dành cho sinh viên. Ngay cả LHP Cannes - một giải thưởng mang tính hàn lâm trong nghệ thuật điện ảnh - cũng có riêng một hệ thống giải dành cho những nhà làm phim đầu tay. Các liên hoan phim dành riêng cho những người trẻ ấy là cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ phô diễn tài năng và phong cách riêng trong những tìm tòi, cũng là mảnh đất cho các nhà đầu tư, các nhà sản xuất phim tìm kiếm những gương mặt mới để đặt hàng.

Những bộ phim đầu tiên bao giờ cũng chứa đựng những cảm xúc trong lành và mới mẻ. Cái nhìn của sinh viên đầy trong trẻo, táo bạo, bởi các bạn được tự do sáng tạo theo cảm quan của chính mình. Những khám phá ấy không khuôn phép, không ràng buộc và có ít nhiều ảnh hưởng của một số "cây đa, cây đề" đi trước, nhưng đã cố gắng thoát ra khỏi lối mòn trong từng khuôn hình, tiết tấu, thẩm mỹ hay các xử lý thoại, chi tiết, âm nhạc trong phim... Chỉ mong rằng, thời gian cộng với những kinh nghiệm trong nghề nghiệp và cuộc sống chỉ làm dày dặn thêm sức sáng tạo của các sinh viên, mà không làm mất đi ngọn lửa đam mê và táo bạo khi họ trưởng thành.