Du học sinh Việt Nam: Hòa nhập để thành công
Các Website khác - 11/03/2008
Tư vấn chọn trường du học. ảnh: T.T
(LĐ) - Mặc dù đã có sự chuẩn bị khá kỹ trước khi lên đường du học song không phải du học sinh nào cũng có thể dễ dàng hoà nhập với môi trường mới.

Vậy nên, theo đại diện các trường tham dự ngày hội "hướng nghiệp & học hành quốc tế", để quá trình du học có hiệu quả thì các bạn học sinh Việt Nam cần nhiều sự nỗ lực hơn nữa.

Vượt qua chướng ngại

"Thử thách đầu tiên và cũng là quan trọng nhất mà du học sinh Việt Nam cần khắc phục đó chính là vấn đề về ngoại ngữ" - đại diện trường ĐH Cộng đồng Mỹ cho biết. Cũng theo ông, các bạn du học sinh cần phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa cách nói tiếng Anh của người Mỹ với phát âm tiếng Anh của người Anh. Để khắc phục được điều này không còn cách nào khác ngoài việc phải học thông qua hình thức để ý lắng nghe, xem phim. Hơn nữa, từ ngữ giống như kỹ thuật thay đổi liên tục nên phải nhanh chóng làm quen với từ mới được "sinh" ra của đất nuớc đó.
 
Hoàng Vy - du học chuyên ngành tâm lý tại Mỹ tâm sự: " thời gian mới qua, chỉ việc gì quan trọng lắm mình mới chịu nói còn không thì thôi vì ngại giọng khó nghe. Tuy nhiên, sau quá trình chịu nói thì mới thấy nhờ đó mà sửa được khiếm khuyết, đặc biệt là phương pháp dù nói tắt song người đối diện vẫn có thể nắm bắt được". Do đó, chỉ giỏi ngoại ngữ thì mới có thể tránh lãng phí thời gian lên giảng đường, phát huy tốt thời gian tự học.

Bên cạnh đó, môi trường văn hóa mới cũng là một trong những nguyên nhân khiến không ít du học sinh "choáng ngợp". Hải Yến (cựu du học sinh tại Singapore) tâm sự: Trong số những người bạn của mình đã có người không thể hoà hợp với lối sống ở nước ngoài nên chỉ sau thời gian ngắn theo học đành quay trở về.

Còn chị Laura (tham gia câu lạc bộ nói tiếng Anh tại Master's cup) không ngần ngại gọi đó là "sock văn hoá". Theo chị, những bạn rơi vào tình trạng này thể hiện rõ qua việc ăn uống, phương pháp học, tư duy suy nghĩ. Do những hạn chế đó dẫn đến không chỉ việc học hành bị rơi vào bế tắc mà ngay cả mục đích quyền lợi của bản thân cũng thất bại. Một người bạn của chị chia sẻ thêm: "Để không kết luận việc du học sai lầm thì chính các bạn phải học cách hành động, cách phản xạ và có có phần nào đó suy nghĩ như người bản xứ".

Tham gia ngoại khoá và làm thêm

Đây là lời nhắn nhủ mà phần lớn đại diện các trường quốc tế muốn gửi đến những ai đang có ý định du học. Theo họ, thực trạng chung mà du học sinh Việt Nam thường gặp là "nhút nhát" khi tiếp xúc, ngại đi lại cộng thêm suy nghĩ "đã tốn kém thì phải tranh thủ học". Anh Alex Thomson (Khoa Việt Nam học trường ĐH KHXH & NV TP.HCM) khá e ngại khi thổ lộ rằng " học rất mất sức mà sao thấy có nhiều bạn lúc nào cũng tập trung vào sách vở. 

Ở Đan Mạch, sinh viên chúng tôi học tập trung không nhiều lắm. Thường các bài tiểu luận được hoàn thành qua mỗi đợt ngoại khoá và luôn xuất hiện bài thú vị, độc đáo". Như cách nói của chị Laura thì " trong một cuộc picnic có rất nhiều điều để bạn học hỏi. Học tư duy sáng tạo, học vận động, phát huy tinh thần tập thể, học xử lý tình huống...". Bạn Ngô Thuỳ Linh (trường Lê Hồng Phong) tâm sự rằng sau đợt du học hè tại Singapore năm trước tự thấy mình mạnh dạn hẳn ra. Không những thế, Linh còn đánh giá quá trình tham gia giờ ngoại khoá  cứ  như  "học mà chơi, chơi mà lại biết được nhiều điều".

Về vấn đề tìm kiếm việc làm thêm đối với du học sinh cũng rất quan trọng. Đó không đơn thuần chỉ kiếm thêm thu nhập mà còn là cách để mỗi người hoà nhập với cuộc sống xung quanh. "Dù chỉ là công việc phục vụ bàn, rửa chén bát đi chăng nữa song qua đó bạn được tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng, luyện vốn ngoại ngữ, tích luỹ kinh nghiệm, làm giàu vốn sống cho chính bản thân" - T.Bình (cựu du học sinh tại Nhật Bản) giãi bày.

"Săn" học bổng

Để đủ điều kiện xét nhận học bổng, trước hết các hồ sơ gửi đến phải đáp ứng được yêu cầu mà trường có học bổng đề ra như kết quả trình độ học vấn, khả năng ngoại ngữ... Tuy nhiên, với T.Bình (săn được học bổng của Nhật) thì mỗi bạn thế nào cũng có "chiêu" riêng của mình. Theo cách của Bình thì sau khi xác định môi trường du học bạn đã làm một bộ hồ sơ mẫu.

Sau đó sang thành nhiều bộ rồi gửi đến cùng lúc những trang web có chương trình học bổng tương tự. Quá trình này đòi hỏi phải có sự đầu tư về thời gian, chịu khó "truy tìm". Ngoài ra, với mỗi trường bạn nên có một lá thư thật cụ thể, chi tiết trình bày súc tích suy nghĩ của bạn. Hay số lượng học bổng có hạn trong khi nhiều người khác cũng đi "săn" nên phải nhanh tay gửi email để có thể nhận được sự ưu tiên nào đó.

Tố Tâm