Mang văn hoá đến gần bằng tình nguyện
Các Website khác - 28/09/2005

(VietNamNet) - 15 bạn trẻ Australia trong độ tuổi 23-30 đã sang Việt Nam để tham gia các hoạt động tình nguyện trong các lĩnh vực Nông, Lâm nghiệp, Y tế, Môi trường, Giáo dục, Văn hoá... Họ là những thành viên của chương trình "Sứ giả trẻ Australia vì sự phát triển" (AYAD).

Soạn: AM 566051 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Rhonda (áo xanh) với những cộng sự tương lai

Chương trình "Tình nguyện viên sứ giả trẻ vì sự phát triển" được Thủ tướng Chính phủ Australia khởi xướng năm 1998. Mục đích của chương trình là tăng cường sự hiểu biết giữa Australia và các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đều đặn, mỗi năm, có hai đợt "sứ giả tình nguyện" đến Việt Nam vào tháng 4 và tháng 10. Đến nay, đã có hơn 120 Tình nguyện viên Australia thuộc 13 đợt tiếp nhận đã tới Việt Nam làm việc.

Có chuyên môn và mong muốn được làm việc vì cộng đồng, những bạn trẻ của đất nước xinh đẹp này đến Việt Nam với sự nhiệt tình của tinh thần tình nguyện quốc tế. Để trở thành "sứ giả phát triển", họ đã phải trải qua một kỳ lựa chọn tương đối khó khăn. Kỹ năng chuyên môn và nền tảng kiến thức trong lĩnh vực phù hợp là những yếu tố quyết định.

Có 7 tỉnh thành nằm trong "điểm đến" của đợt tình nguyện lần này. Tuỳ từng công việc, trong thời gian 6-12 tháng, 15 sứ giả trẻ sẽ đi đến các vùng miền và góp phần cải thiện các mặt đời sống. Công việc chủ yếu của họ là tham gia nghiên cứu, kết hợp với những cộng sự tại các tổ chức, cơ quan Việt Nam và đi thực tế với người dân bản địa.

Damien Cupitt, chàng trai 29 tuổi đến từ Brisbane không giấu được sự hồ hởi. Lần đầu đặt chân đến Việt Nam, anh rất hào hứng trước công việc mới trong vai trò chuyên viên của tổ chức Nông lương thế giới (FAO).

Soạn: AM 566053 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Damien (áo trắng) với các bạn trong nhóm TNV

9 tháng ở đây, anh sẽ trở thành đồng sự của một nhóm 15 nông dân vùng quê Hà Tây. Công việc trong thời gian này là nghiên cứu và tìm những phương pháp để phòng trừ sâu hại trên thân đậu đỗ mà không cần dùng đến thuốc hoá học. Damien cho biết, ngoài việc học hỏi về chuyên môn, anh sẽ tranh thủ tận dụng thời gian để làm chuyến "du lịch bụi" thăm thú và tìm hiểu thêm về văn hoá.

Tốt nghiệp khoa Thương Mại, ĐH Quốc gia Australia, nhưng Rhonda Mann lại khá am hiểu về nông nghiệp. Cô gái 24 tuổi này từng có vài đề tài nghiên cứu về nông nghiệp Việt Nam. Đó là lý do để Rhonda đăng ký một "chân" trong Viện nghiên cứu Chè tỉnh Phú Thọ.

Nửa năm xa nhà này, thời gian chính của Rhonda sẽ dành cho những thí nghiệm về chè búp tươi tại vùng đất trung du. Đã từng đi du lịch dài ngày nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tiên Rhonda "phải" sống ở một vùng đất lạ với tư cách "không phải khách trọ" dài đến thế. Nhưng, gặp và trao đổi qua về "nhiệm vụ" sắp tới với những đồng sự tương lai, Rhonda đã bớt đi cảm giác hồi hộp hơn khi phải làm việc ở một môi trường mới.

Dylan Law sẽ bay vào TP.HCM để "tạm" trở thành nhân viên của tổ chức cứu trợ quốc tế CARE, trong khi Justin Ho sẽ làm bạn với những sinh vật dễ thương tại Viện Hải Dương học ở Nha Trang, còn Jan Kinsella sẽ đóng góp một phần kinh nghiệm giáo dục của mình trong thời gian là người của UNESCO... Mỗi người một lĩnh vực và một miền đất để đi tới. Ngoài công việc, họ cũng là một cầu nối đưa hình ảnh người trẻ Úc và văn hoá Úc gần hơn trong con mắt người dân Việt Nam.

  • Trung Kiên