Sẽ loại bỏ những đơn vị dịch vụ việc làm không đủ điều kiện
Các Website khác - 11/08/2005

Sẽ loại bỏ những đơn vị dịch vụ việc làm không đủ điều kiện

Sinh viên đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm Hỗ trợ việc làm cho sinh viên TP.HCM

Thực hiện chủ trương chấn chỉnh, sắp xếp lại hệ thống dịch vụ giới thiệu việc làm theo quy định mới, tại TP.HCM, nhiều đơn vị giới thiệu việc làm tư nhân không đủ điều kiện hoặc hoạt động không hiệu quả sẽ bị loại bỏ. Hy vọng với động thái này, người lao động sẽ bớt bị hành trên đường tìm việc.

Đủ chuẩn mới được cấp phép

Được “cởi trói” từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời, gần 5 năm qua, hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm ở TP.HCM đã phát triển đa dạng, phần nào đáp ứng nhu cầu cung ứng nguồn nhân lực cho xã hội. Thế nhưng, do được cấp phép dễ dàng, không kèm điều kiện nào nên nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động một cách bát nháo, trục lợi người xin việc bằng nhiều chiêu thức khác nhau.

Thấy kinh doanh nghề này khá dễ dàng, thậm chí không cần đầu tư vốn, nhiều chủ doanh nghiệp không hề có trình độ nghiệp vụ về tư vấn giới thiệu việc làm cũng “bung ra” thuê mặt bằng, trương bảng hiệu “trung tâm giới thiệu việc làm” để lừa người lao động. Những quận-huyện có nhiều điểm hoạt động dịch vụ việc làm bát nháo là Tân Bình, Gò Vấp, Bình Chánh…

Để chấn chỉnh ngành kinh doanh đặc biệt này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/CP quy định điều kiện, thủ tục thành lập và giới thiệu việc làm. Mới đây Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Thông tư 20 hướng dẫn thực hiện Nghị định 19/CP nhằm đưa hoạt động giới thiệu việc làm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Theo đó, muốn tham gia hoạt động giới thiệu việc làm, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện: có 300 triệu đồng ký quỹ, có ít nhất 5 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên, có trụ sở ổn định với đầy đủ các phòng tư vấn, giới thiệu việc làm-cung ứng lao động, phòng thông tin thị trường được trang bị máy tính, fax, điện thoại…

Với các điều kiện này, theo nhiều chuyên gia, hiện có rất ít công ty chuyên về tư vấn phát triển nguồn nhân lực uy tín đáp ứng được. “Từ cơ sở pháp lý này, TP.HCM sẽ chấn chỉnh, quy hoạch lại mạng lưới kinh doanh dịch vụ việc làm để nó hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần phát triển thị trường lao động lành mạnh”- bà Đinh Kim Hoàng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM khẳng định.

Trước mắt, Sở LĐ-TB-XH sẽ tiến hành sắp xếp, sàng lọc lại hệ thống trung tâm, chi nhánh dịch vụ việc làm thuộc khối nhà nước, cơ quan, đoàn thể chính trị. Sau đó, phối hợp với các quận-huyện rà soát, sắp xếp lại hoạt động của các doanh nghiệp tham gia giới thiệu việc làm trên từng địa bàn.

Dự kiến đến cuối năm nay, việc rà soát, chấn chỉnh và thành lập mới các tổ chức, đơn vị giới thiệu việc làm sẽ hoàn tất. Đơn vị nào không đủ điều kiện như quy định của nhà nước thì không được phép hoạt động.

Lệ phí vẫn thả nổi

TP.HCM hiện có 1.500 doanh nghiệp được cấp phép đăng ký hoạt động dịch vụ giới thiệu việc làm. Trong số này chỉ có khoảng vài trăm doanh nghiệp hoạt động thực sự.

Trên thực tế chỉ có trên 100 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, số còn lại hoạt động cầm chừng.

Việc quy hoạch, chấn chỉnh lại hoạt động giới thiệu việc làm trên địa bàn TPHCM là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề nhức nhối lâu nay là tình trạng thu lệ phí dịch vụ giới thiệu việc làm vẫn tiếp tục bị thả nổi. Do không có quy định sàn về mức thu lệ phí giới thiệu việc làm nên mỗi đơn vị, doanh nghiệp tự định ra mức thu lệ phí khác nhau.

Trong khi các đơn vị dịch vụ giới thiệu việc làm thuộc nhà nước, các đoàn thể chỉ thu mức lệ phí từ 10.000 đồng đến trên dưới 100.000 đồng cho một lần giới thiệu việc làm thì nhiều doanh nghiệp tư nhân lại thu cao gấp nhiều lần, thậm chí lấy 1-2 tháng lương đầu tiên của người lao động.

Thực tế cho thấy mức thu lệ phí giới thiệu việc làm đang bị điều tiết bởi thị trường lao động. Do thiếu quy định chung về mức thu lệ phí cho từng loại lao động nên nhiều chủ doanh nghiệp đã đặt mục tiêu trục lợi người xin việc cao hơn mục tiêu xã hội. Đã có nhiều vụ việc lừa đảo người xin việc xảy ra trên địa bàn TP.HCM như giới thiệu việc làm ảo, không hoàn trả phí khi không giới thiệu được việc làm cho người lao động…

Để chấn chỉnh tình trạng này, ngoài xử phạt nghiêm các đơn vị, doanh nghiệp sai phạm, không có cách gì khác hơn là Bộ Tài chính phải sớm ban hành mức sàn thu lệ phí giới thiệu việc làm cho từng loại lao động.

Có một điều không thể phủ nhận được là có rất nhiều công ty phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam và nước ngoài hoạt động chuyên nghiệp đã trở thành cầu nối tìm việc tin cậy của lao động có trình độ chất xám, tay nghề chuyên môn cao. Còn nhiều đơn vị dịch vụ việc làm của nhà nước và các đoàn thể do không được đầu tư, tính chuyên nghiệp và cạnh tranh chưa cao nên chỉ dừng ở chỗ giới thiệu việc làm cho lao động có trình độ bậc thấp hơn.

Chính vì thế, TP.HCM phải đầu tư xây dựng những trung tâm giới thiệu việc làm của nhà nước, các đoàn thể đủ mạnh để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân và trở thành địa chỉ tìm việc tin cậy của người lao động thuộc mọi trình độ, chuyên môn.

Theo Sài Gòn Giải Phóng