Thị trường lao động phổ thông: Nơi thừa, nơi thiếu
Các Website khác - 15/11/2008

 

Một điểm nhận hồ sơ xin việc lưu động của công ty Freetrend
Hàng loạt các công ty tại các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) đăng biển tuyển dụng lao động phổ thông với mức lương khá hấp dẫn, các “vệ tinh” cũng tăng hết công suất đi tìm người, càng về cuối năm, tình trạng khan hiếm lao động phổ thông càng trở nên phổ biến.

Việc khan hiếm lao động cuối năm ở KCN Sóng Thần, Tân Uyên… là do đa phần công nhân ở các tỉnh miền Trung vào cuối năm, họ phải về gia đình. Nguyên nhân khác đó là, các tỉnh hiện nay đều có KCN, vì vậy việc san sẻ lao động phổ thông là điều tất yếu.

Sử dụng đủ “chiêu” thu hút lao động

Nhiều doanh nghiệp đưa ra mức lương cao để thu hút nhân lực, như công ty may APEX ở KCN Đồng An, Thuận An, Bình Dương, mức lương cơ bản cho lao động phổ thông được tăng thêm 7% so với quy định của Nhà nước, với lời mời tuyển dụng thu nhập cho lao động có tay nghề, lẫn không có tay nghề, là từ 1,6 - 2,5 triệu đồng, nhưng số lao động xin việc cũng khá eo sèo.

Anh Bùi Thái Hà, công ty Dũng Tiến - hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nhân lực cho các KCN, KCX lâu năm tại Bình Dương và TP.HCM nói: “Nguồn nhân lực đầu vào ở các KCN tăng so với năm ngoái gần như 100%, do việc mở rộng các nhà máy, có thêm các nhà đầu tư mới đi vào hoạt động. Vào cuối năm, số lượng này giảm đi từ 30 - 40% về quê, trong số về quê, chỉ có khoảng 60 - 80% quay lại tiếp tục làm việc. Tuy có thêm lượng lao động mới được bổ sung, nhưng tình trạng khan hiếm nhân lực vẫn diễn ra”.

Để thu hút lao động, tại công ty Freetrend (KCX Linh Trung), mỗi công nhân giới thiệu thêm một lao động mới làm trong ba tháng sẽ được thưởng 100.000 đồng. Tại công ty Sao Việt (KCN Đồng An), người giới thiệu sẽ được 300.000 đồng nhận trong ba tháng, với điều kiện người được giới thiệu phải làm việc liên tục trong ba tháng.

Riêng tại công ty In Gua Xiang - chuyên ngành may mặc ở KCN Đồng An, khi công nhân giới thiệu được một lao động làm việc đủ một năm, họ sẽ được thưởng 4 triệu đồng. Với công nhân, đây là một số tiền lớn. Tuy nhiên, theo những người môi giới lao động phổ thông cho các KCN, KCX, mức thưởng này khó mà đạt được. Lý do: hầu như không ai trụ liên tục nổi một năm, nếu nhà tuyển dụng dùng những hình thức đuổi khéo, chẳng hạn như không cho tăng ca, phạt nặng những lỗi sai phạm giờ giấc, tác phong (điều này rất dễ xảy ra với các công nhân mới do chưa quen với môi trường làm việc kiểu công nghiệp), dẫn đến bị đuổi việc, hoặc do thu nhập quá thấp, nên tự nghỉ việc.

Không ít nơi thừa

Lao động phổ thông lang thang trước cổng KCN Đồng An

Thiếu lao động phổ thông diễn ra ngày càng nhiều, nhưng tình trạng thừa lao động tại các công ty cũng không ít. Nhiều công ty không gồng nổi việc trả lương cho các lao động phổ thông do không có đơn hàng, hoặc do bị ảnh hưởng bởi tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, buộc phải sang tên đổi chủ.

Cùng là một ngành nghề, ví dụ như may mặc, trước kia số lượng công ty ít, nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào, trong khi nhu cầu thị trường không tăng là bao, tạo nên sự cạnh tranh cả trong sản xuất lẫn thu hút lao động.

Gặp nhóm lao động phổ thông đang xin việc làm ở công ty In Gua Xiang, cả bốn bạn trẻ trước đây cùng làm cho công ty may quần jeans Đại Tây Dương ở KCN Đồng An. Các bạn trẻ này than: “Ba tháng nay, không có việc làm, đến công ty bấm thẻ rồi về, lương cơ bản 900 ngàn đồng, không làm việc, chỉ nhận 70% tiền lương. Nhưng suốt ba tháng ăn lương cơ bản, không đủ sống, nên phải xin làm chỗ khác. Không đủ tiền mua vé về quê, nếu đủ thì bọn em cũng chẳng ở đây nữa làm gì”.

Theo LAM PHONG