Theo số liệu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, năm 2015 riêng 6 tỉnh tuyến Tây Bắc phát hiện và bắt giữ 1.862 vụ (chiếm 10,5% cả nước), 2.766 đối tượng (chiếm 10% cả nước). Tang vật thu giữ gồm 302 kg heroin (chiếm 30% cả nước), 33 kg thuốc phiện (chiếm 32% cả nước) và 2,8 kg + 300 nghìn viên MTTH.
Điển hình như các vụ: Tháng 04/2015 Công an Lào Cai bắt 3 đối tượng (quốc tịch Lào), vận chuyển 227 bánh heroin; tháng 07/2015, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy bắt 6 đối tượng vận chuyển 490 bánh heroin; Chuyên án 279-LL tại địa bàn các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, tỉnh Sơn La, qua 5 gia đoạn, lực lượng chức năng đã tiêu diệt và bắt giữ 12 đối tượng, thu giữ 410 bánh heroin, 16 nghìn viên MTTH, 17 khẩu súng và hàng nghìn viên đạn các loại.
Qua đây, cho thấy số vụ và số đối tượng bị phát hiện, bắt giữ không có đột biến song số ma túy bị phát hiện và thu giữ tăng cao. Các vụ mua bán, vận chuyển hàng chục kg MTTH, hàng trăm bánh heroin bị phát hiện và bắt giữ ngày càng nhiều. Hơn nữa, các đối tượng tội phạm ma túy hoạt động bằng nhiều phương thức, thủ đoạn, vừa tinh vi, xảo quyệt, vừa liều lĩnh, manh động. Hầu hết đối tượng trong các đường dây ma túy lớn đều trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ hoặc để giải cứu đồng bọn, thậm chí tự sát để bịt đầu mối.
Trong vùng hiện vẫn còn tồn tại nhiều điểm nóng phức tạp về hoạt động phạm tội ma túy chưa được giải quyết triệt để; tình hình trồng và tái trồng các loại cây thuốc phiện vẫn diễn biến phức tạp. Hiện nay trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc có trên 20.000 người nghiện có hồ sơ quản lý và đang có xu hướng tăng. Như vậy có thể nói cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy trên cả nước nói chung và các tỉnh Tây Bắc nói riêng tiếp tục còn tiềm ẩn và diễn biến hết sức phức tạp.
Chưa đáp ứng được yêu cầu
Phòng, chống tội phạm và tệ nạn về ma túy trong vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm và phải tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều biện pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục có vị trí đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai vẫn còn nhiều hạn chế, tình hình tệ nạn ma túy và hoạt động phạm tội về ma túy tại vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc vẫn tiếp diễn phức tạp và có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ. Một trong những nguyên nhân của tình hình trên là do hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Có một thực tế đã và đang xảy ra ở Tây Bắc là các đối tượng phạm tội về ma túy, các "ông trùm" thường thuê người dân tộc thiểu số ở hai bên biên giới có quan hệ anh em, họ hàng, dòng tộc với người Lào và thông thuộc địa hình rừng núi để vận chuyển ma túy vào các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... Tội phạm ma túy dùng thủ đoạn thuê nhiều người, mỗi người mang một lượng nhỏ từ 1 đến 2 bánh heroin và vận chuyển theo đường mòn. Chúng hoạt động có tổ chức chặt chẽ, hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khép kín.
Trong thời gian qua, thực hiện Phương án 592 về giải quyết tình hình tội phạm và trật tự an toàn xã hội tại 3 xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) và xã Lóong Luông (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), từ năm 2010 đến 2013, đã triển khai rất nhiều nội dung trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân như: Vận động, đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện tại các trung tâm; Vận động nhân dân tự giác giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ; Tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, tặng quà, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí; Vận động đối tượng truy nã ra đầu thú; Gọi hỏi, răn đe, giáo dục cá biệt đối với các đối tượng có nguy cơ phạm tội hoặc có khả năng, điều kiện phạm tội…
Trong thực hiện Phương án 279 giải quyết địa bàn trọng điểm về ma túy tại xã Loóng Luông huyện Mộc Châu (nay là huyện Vân Hồ), tỉnh Sơn La, từ tháng 7/2013 đến nay, riêng tại địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ của tỉnh Sơn La, các lực lượng chức năng cũng rất coi trọng công tác tuyên truyền, vận động quần chúng như: Tổ chức nhiều hội nghị nhân dân, tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật, không bao che, tiếp tay cho tội phạm, phát giác, tố giác tội phạm; Nói “không” với ma túy; Xây dựng mô hình “Đội thanh niên xung kích bảo vệ ANTT”; Tổ chức thăm, tặng quà, khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí; Tổ chức tập huấn, đầu tư các trang bị (đầu đĩa, tăng âm, loa truyền thanh…) để phục vụ công tác tuyên truyền…
Tuy nhiên với hình thức, cách làm và hiệu quả như trên vẫn chưa đáp ứng được với thực tế yêu cầu đặt ra. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia đấu tranh và tố giác tội phạm về ma túy phải đổi mới cả về nội dung, hình thức và cách làm phù hợp để đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi.
Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động
Qua công tác đấu tranh, ngành Công an xác định địa bàn này hầu hết là người dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn thấp, nhận thức và hiểu biết pháp luật còn hạn chế, đời sống còn nhiều khó khăn, dễ bị các thế lực lợi dụng, lôi kéo vào con đường phạm tội.
Do đặc điểm tâm lý, thói quen, lối sống của đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu theo kiểu gia tộc, dòng họ, khoảng trống dân cư rộng, đặc điểm sản xuất du canh… nên việc thâm nhập vào địa bàn, tiếp xúc với người dân để tuyên truyền, vận động, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa và đấu tranh của lực lượng Công an gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có địa bàn còn là “vùng trắng”, các lực lượng chức năng chưa thâm nhập vào được.
Hệ thống chính trị ở cơ sở tuy đã được quan tâm, từng bước được kiện toàn song thực tế hiệu lực, hiệu quả hoạt động vẫn còn hạn chế, chưa tạo được phong trào quần chúng mạnh mẽ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; vai trò trách nhiệm của một số đảng viên, cán bộ xã, bản chưa cao, cá biệt ở một số nơi còn làm ngơ, bao che cho hoạt động tội phạm, thậm chí còn tham gia mua bán, vận chuyển ma túy.
Tại Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy các tỉnh Tây Bắc” mới đây, các ý kiến đều cho rằng do vùng Tây Bắc có những yếu tố đặc thù như: khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, trình dộ dân trí còn thấp, hiểu biết còn hạn chế nên khi tuyên truyền, vận động cần phải nghiên cứu về phong tục, tập quán, đời sống, tiếng nói, đặc điểm tâm lý của nhân dân trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tại địa bàn cơ sở phải căn cứ vào từng địa bàn, từng đối tượng để có nội dung, hình thức, cách làm cho phù hợp. Do có nhiều người không biết đọc, biết viết chữ phổ thông, do vậy việc tuyên truyền nên áp dụng nhiều hơn các hình thức nghe nhìn như kẻ, vẽ pano, áp phích, tờ gấp, tờ rơi… mang tính hình ảnh minh họa, dễ hiểu. Tập trung nhiều vào các loại hình tuyên truyền, vận động dưới dạng tiểu phẩm, sân khấu hóa; Sử dụng hệ thống loa truyền thanh ở xã, bản và phối hợp với các cơ quan phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương để thực hiện…
Công tác cán bộ là một yếu tố hết sức quan trọng, nó quyết định sự thành công hay thất bại của công tác tuyên truyền, vận động. Nên sử dụng những người cán bộ là con em đồng bào các dân tộc ở địa bàn, phát huy vai trò của người cao tuổi, già làng, trưởng bản, người có uy tín… có thể xây dựng chính những người này để làm công tác tuyên truyền, vận động.
Bên cạnh đó, lồng ghép các nội dung tuyên truyền, vận động về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy với việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân, hướng dẫn, phổ biến kiến thức về phát triển chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi thay thế vật nuôi, cây trồng có năng xuất cao; Kết hợp tuyên truyền, vận động về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy với tuyên truyền về tác hại của ma túy và cách phòng trách.
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, sau mỗi đợt, mỗi buổi tuyên truyền, vận động nên lắng nghe phản hồi của người dân xem họ nghe những gì, hiểu như thế nào, nội dung tuyên truyền, vận động có phù hợp không, cần đổi mới như nhế nào để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ở địa phương.
Đồng thời giáo dục và thuyết phục cá biệt đối với các đối tượng đã ra tự thú, đầu thú để chính họ vận động các đối tượng khác ra đầu thú. Bởi đặc điểm tâm lý của các đối tượng phạm tội, các đối tượng truy nã thường có xu hướng liên hệ với nhau trong quá trình lẩn trốn. Chính họ biết rõ nhất các đối tượng khác thực hiện hành vi phạm tội như thế nào, các đối tượng truy nã đang trốn ở đâu, diễn biến tâm lý, tư tưởng, tâm tư nguyện vọng ra sao… để qua đó áp dụng các biện pháp vận động, tác động tâm lý cho phù hợp.
Thời gian tới, tình hình ma túy thế giới và khu vực, nhất là khu vực “Tam giác vàng” được dự báo còn tiếp diễn phức tạp và sẽ tiếp tục tác động mạnh vào vùng DTTS khu vực Tây Bắc, làm gia tăng tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn. Tình hình đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có chiến lược phù hợp và áp dụng đồng bộ các giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh. Trong đó, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy là một công tác trọng tâm cấp bách.
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân cho biết, Học viện cũng đang nghiên cứu, lên phương án mở thêm một khoa về tiếng dân tộc để phục vụ tốt hơn nữa công tác phòng chống tội phạm nói chung, phòng chống tội phạm ma túy vùng biên giới nói riêng. Theo Thiếu tướng, cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động phòng chống tệ nạn ma túy tại cơ sở được học tiếng nói của đồng bào, am hiểu phong tục tập quán của địa phương, thường xuyên bám dân, cắm bản, tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để thay đổi nhận thức của đồng bào. |
▪ Sử dụng cocaine giết chết tế bào não (08/04/2016)
▪ Dùng máu để điều trị vô sinh nam (07/04/2016)
▪ Bí ẩn nguyên nhân khiến HIV trở thành đại dịch toàn cầu (07/04/2016)
▪ Việt Nam luôn dành ưu tiên cho phòng, chống ma túy (07/04/2016)
▪ Thú vị những chiếc “áo mưa” trong tương lai (07/04/2016)
▪ Việt Nam hướng tới xóa sổ đại dịch AIDS vào năm 2030 (06/04/2016)
▪ Phối hợp hành động vì mục tiêu phòng, chống ma túy (06/04/2016)
▪ Chết đứng với kết quả xét nghiệm HIV trái ngược (05/04/2016)
▪ Lạm dụng tình dục trẻ em ngày càng nghiêm trọng (04/04/2016)
▪ Hiểu đúng về HIV để tránh những nỗi 'lo hão' (04/04/2016)