Virus HIV, vũ khí mới của tội phạm
Các Website khác - 23/01/2005
Ngày nay, bên cạnh việc phải đối mặt với những tên tội phạm dùng súng, dùng dao để chống trả, các trinh sát còn phải đối mặt với những tên tội phạm nhiễm AIDS sẵn sàng dùng ngay thứ virus tử thần trong người làm vũ khí.
So với các tỉnh bạn có điều kiện tương đồng về kinh tế và môi trường sống, tình hình an ninh - trật tự của Thái Nguyên khá phức tạp, tội phạm nổi tiếng manh động. Những tay anh chị ở các bãi vàng sa khoáng, những lao động thất nghiệp ở các tỉnh lân cận cũng tìm về Thái Nguyên làm ăn, một số đối tượng bị truy nã đã chọn đây làm nơi ẩn náu, do vậy tình hình tội phạm ma túy càng trở nên phức tạp. Mặc dù là tỉnh lẻ nhưng tỷ lệ phạm pháp hình sự ở Thái Nguyên khá cao, chỉ sau Hải Phòng và Hà Nội, trong đó tới 80% số đối tượng nghiện ma túy. Ðặc thù địa bàn có nhiều mỏ than, thiếc, sa khoáng cho nên tụ tập nhiều đối tượng tới đào đãi vàng; song hành là tệ nạn nghiện hút. Con nghiện đông, đứng thứ ba cả nước, liên tục gia tăng, chính là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng áp phe ma túy hoạt động.

Thái Nguyên cũng là đầu mối giao thông giữa Hà Nội và các tỉnh miền núi phía bắc, các đầu nậu đã móc nối lấy cất "hàng trắng" từ tuyến Nghệ An ngược lên và tuyến tây - bắc đổ về. Nguy hại hơn, trong số hơn 6.258 người nghiện, có tới 1.189 người nghiện nhiễm AIDS (bình quân tỷ lệ sáu người có một người nhiễm), do vậy tình hình ma túy, nhiễm AIDS càng phức tạp. Chỉ có khoảng 300 người đang được cai ở trung tâm 05-06, công trường 06, tỷ lệ tái nghiện hơn 90%, chẳng khác nào "muối bỏ bể". Trong số các con nghiện, nhiều đối tượng nhiễm AIDS "bất cần đời", tham gia buôn bán ma túy công khai, trắng trợn. Nhiều tên trùm bán lẻ ma túy triệt để lợi dụng các đối tượng nghiện nhiễm AIDS làm vệ sĩ cảnh giới hoạt động buôn bán trái phép chất ma túy. Chúng mua chuộc bằng mọi cách, như trả công hậu hĩnh bằng tiền, heroin để đổi lấy sự trung thành của con nghiện. Tên Tần Vi Hà, sinh năm 1971, ở thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, đối tượng nghiện ma túy nhiễm AIDS, khi bị công an huyện Phú Lương bắt, đã dùng súng K54 nhằm thẳng vào lực lượng truy bắt bắn xối xả. Rất may không ai trúng đạn, sau đó hắn mò ra ngoài đường cướp xe ô-tô bỏ chạy.

Cũng từ ma túy mà Trần Huy Chiến ở Vân Thánh, huyện Ðồng Hỷ cùng anh trai trở nên "thân tàn ma dại", mang trong người mầm bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Bất hạnh hơn, bà mẹ chỉ vì phục vụ hai đứa con nhiễm bệnh, cũng mắc phải căn bệnh chết người này. Ngày 1-4-2004, các trinh sát Phòng PC17 ập tới đọc lệnh bắt, khám xét khi tên Chiến cùng đồng bọn đang mải mê mua bán, chích hút "hàng trắng". Không thể để hắn nhanh tay thủ tiêu tang vật, một trinh sát lao tới quật ngã Chiến. Như con thú cùng đường, hắn dùng kim tiêm chống trả đâm thẳng vào tay trinh sát. Trước tình thế đó, các trinh sát phải dùng súng cao-su bắn khống chế. Toàn bộ tang vật bị thu giữ. Một trinh sát của Phòng bị kim tiêm đâm vào tay, phơi nhiễm HIV, đã phải tự đi mua thuốc ngoài uống trong hai tháng để ngăn ngừa sự lây bệnh.

Tuy nhiên, không phải trinh sát nào bị đối tượng nhiễm HIV/AIDS đâm kim tiêm cũng đi xét nghiệm, bởi tâm lý sợ rò rỉ thông tin, sợ mọi người hoang mang, sinh hoạt đảo lộn. Một bất cập nữa là chữa trị HIV/AIDS thuốc đắt, lượng thuốc có hạn, trong khi tội phạm ngày càng manh động; số trường hợp trinh sát bị phơi nhiễm nhiều cho nên tình trạng khan thuốc, cạn thuốc thường xuyên xảy ra. Do vậy, khi bị rủi ro, phần lớn trinh sát phải tự bỏ tiền mua thuốc uống để cứu mình, sau đó phải xem xét thực tế mới được thanh toán. Ðiển hình, một chiến sĩ Công an TP Thái Nguyên cùng anh em triệt xóa tụ điểm ma túy Mỏ Vạch, trong khi vật lộn bắt giữ tội phạm đã bị đối tượng nhiễm HIV đâm nát tay, máu chảy ròng ròng. Khi lên tới Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, do hết thuốc tiêm nên phải tự bỏ tiền mua thuốc viên uống. Ðó là ở ngay trung tâm tỉnh, còn một số huyện, xã vùng sâu, vùng xa, thì việc tiêm phòng còn khó khăn hơn nhiều, nguy cơ phơi nhiễm AIDS vẫn luôn tiềm ẩn.

Trên phạm vi toàn quốc, 70% số đối tượng nhiễm HIV/AIDS có nguyên nhân lây nhiễm từ ma túy. Ðặc biệt, theo thống kê của ngành công an, số người nhiễm HIV/AIDS do nghiện ma túy gần đây càng tăng nhanh, tính đến tháng 8-2004 chiếm 56,94% (năm 2004 cả nước có 170 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý).

Ðể đáp ứng đòi hỏi của thực tế cuộc chiến chống tội phạm ma túy ngày càng nóng bỏng, phải đầu tư tăng cường, củng cố lực lượng này tinh nhuệ hơn. Về chính sách, phải có chế độ thỏa đáng nhằm động viên các trinh sát trực tiếp chống tội phạm ma túy; dành một nguồn kinh phí kịp thời trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, thuốc men cho các trinh sát trực tiếp đấu tranh để họ có thuốc tiêm khi chẳng may gặp nạn. Mở rộng các trung tâm cưỡng bức cai nghiện, chữa trị AIDS; ngăn chặn không để con nghiện phát sinh bởi chính đây là cầu nối căn bệnh AIDS; kiên quyết xét xử nghiêm minh các đối tượng lợi dụng căn bệnh thế kỷ để gây rối, gieo rắc mầm bệnh cho người khác.

Các cơ quan hữu quan cần tăng cường trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tiếp xúc với các đối tượng nhiễm HIV/AIDS, góp phần nâng cao hiệu quả chiến đấu của lực lượng cảnh sát chống tội phạm ma túy và để các cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác.

TUẤN ANH