Ba Vì - Một không gian huyền thoại
Các Website khác - 19/02/2009
Ba Vì - 3 đỉnh núi cao nhất thuộc dãy Ba Vì: Đỉnh Vua, đỉnh Tản Viên, đỉnh Ngọc Hoa - mang nhiều huyền thoại của thời lập đất, lập quốc dân tộc Việt Nam. Vườn Quốc gia Ba Vì ôm trọn 3 đỉnh núi, là một thắng cảnh thần tiên, một không gian đầy huyền tích xưa và nay đan xen đầy thú vị.

Từ trung tâm Hà Nội đi theo hướng Tây 50km đến thị xã Sơn Tây, xuôi theo đường về hồ Suối Hai 16km nữa, nhìn phía bên tay phải mờ ảo trong mây màu xám trắng 3 đỉnh núi - Ba Vì, và cũng là bắt đầu bước vào không gian lung linh huyền thoại của Vườn Quốc gia Ba Vì.

Sau một quãng đường dài gần 70km, khá bụi do đang mở rộng đường liên tỉnh, khi thấy lờ mờ bóng dáng 3 đỉnh núi, không khí hoá trong lành, mát nhẹ, bạn đã chạm vào không gian của Ba Vì.

Đường vào vườn quốc gia Ba Vì.                         Ảnh: Internet

Đường vào khu Vườn Quốc gia Ba Vì thật thơ mộng, một bên nhiều cây to cổ thụ, rêu phủ mượt dưới gốc cây, một bên thoáng đãng nhìn thấy cả bầu trời xanh biếc, từng gợn mây trắng xốp lững lờ vờn quanh đỉnh núi xám xa xa.

Từ cổng vào khu vực Vườn Quốc gia, có 2 nhánh rẽ, nếu muốn chiêm ngưỡng kỳ hoa dị thảo và chim muông lạ thì rẽ vào khu rừng trúc, còn như muốn lên 3 đỉnh núi thì đi sâu vào trong, theo một con đường dốc nghiêng 10 độ, khá bằng phẳng, nhưng cũng khá khúc khuỷu, càng đi sâu vào trong càng lên cao, càng như thấy đang lạc vào một không gian kỳ ảo của mây, gió, tiếng chim hót trong rừng cây...
 

Khu du lịch Ba Vì luôn là sự lựa chọn đầu tiên của giới trẻ.
Ảnh: Internet

Thật tình cờ, tôi bắt kịp một đoàn sinh viên của Hà Nội, họ lên Ba Vì tham quan, khám phá, tìm hiểu và cắm trại ngủ đêm ở rừng. 14km tính từ cổng vào, lên độ cao gần 1000m so với mặt biển, là đến chân 3 đỉnh Ba Vì. Một khoảnh đất rộng vừa phải, hàng trăm bóng cây cổ thụ toả bóng râm màu sáng xanh lá cây thật lạ, cho dù đang giữa trưa, trời bên ngoài nắng vàng sáng, không gian có vẻ liêu trai ngay khi ở dưới chân núi.

Hướng đông là đỉnh Vua, cao 1296m, leo lên 779 bậc đá là tới đỉnh và trên đó có lập đền thờ Bác Hồ. Đối diện về phía tây là đỉnh Tản Viên cao 1227m, lên 225 bậc đá, nơi có đền Thượng, tương truyền là nơi hoá của Đức thánh Tản - Sơn Tinh, một trong "Tứ bất tử" của tâm linh và hồn thiêng dân tộc Việt. Lên thêm 50 bậc đá nữa là Vọng Cảnh, nhìn từ đây sẽ thấy một góc nội đô Hà Nội - khu Linh Đàm.

Suối Ngà Ba Vì.                                                      Ảnh: Internet

Đỉnh Ngọc Hoa cao 1131m, nằm chếch với 2 đỉnh kia, gắn với những huyền thoại thần tiên và Công chúa Ngọc Hoa - con Vua Hùng Vương thứ 18. Lên 3 đỉnh núi, cho dù lúc leo lên khá vất vả, "thở bằng tai", nhưng lúc chạm chân tới đỉnh, khi người và mây lẫn vào nhau, khi cảm giác như đang rất gần với thần linh, lắng tâm với những huyền tích khác nhau, xưa nay đan cài, trong cái ảo diệu của trời đất, núi rừng, tiếng vọng thời gian, mùi hương trầm thoảng trong gió, bỗng như cảm thấy tâm hồn được thanh thoát kỳ lạ.

Theo thống kê mới nhất của Ban quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì, thì rừng có 862 loài thực vật bậc cao thuộc, có 15 loài cây quý hiếm như bách xanh, thông tre, xỉ ba mũi, sến lá bạc, hoa tiên, dương xỉ thân gỗ, nhiều loại là cây thuốc quý; có trong sách Đỏ như cu li lớn, gấu ngựa, têtê vàng, công, gà lôi trắng... Độc đáo là các loài bướm như bướm rồng đuôi trằng, bướm phượng Helen, bướm đuôi kiếm...

Khi xuống núi, ở "cốt 800m", rẽ phải, tôi đã phải gài số 1 xe gắn máy để leo lên một đoạn dốc khá cao, vài khúc ngoặt khuỷu tay, ấn tượng nhất ở đây là khu phế tích gồm nhà thờ, mấy biệt thự nghỉ mát, cô nhi viện, cả nhà tù, mấy dinh thự hành chính..., của thời Pháp để lại gần trăm năm với rêu phong trên những bức tường đổ, mang vẻ đẹp của hoang tàn giữa rừng cây cổ thụ. Theo như người phụ trách khu vực này, cảnh hoang phế ở đây lại rất thu hút nhiều đôi nam thanh nữ tú tới chụp ảnh cưới.

Xuống tới độ cao 600m, là Khu di tích kháng chiến chống Pháp, nơi này ghi dấu ấn lịch sử trận đánh cực kỳ táo bạo của Trung đoàn Ba Vì ngày 31. 12. 1951, cắt đứt phòng tuyến Sông Đà của Pháp, tạo điều kiện cho ta đánh thắng chiến dịch Hoà Bình năm 1952.
 
Nơi này đặc biệt hơn, ngoài phòng trưng bày triển lãm di tích kháng Pháp, là khu nghỉ ngơi, ăn uống và có cả khách sạn để khách nghỉ qua đêm, tiện cho việc khám phá, du ngoạn cảnh đẹp nơi này. Phòng ốc đạt chuẩn, đủ tiện nghi, giá cả cũng hợp lý, phải chăng.
 
Thức ăn ở đây có nhiều món "đặc sản" của rừng, ngoài cơm lam, gà đồi, còn có mật ong rừng, phấn hoa, măng rừng, và bánh sữa bò nguyên chất.

Ra gần tới cổng Vườn Quốc gia, lúc này mới thong thả rẽ vào rừng trúc, để nhẩn nha tận hưởng cảm giác thú vị của sự khám phá một vùng đất nhiều bí ẩn, nhưng thật ra đây là khu rừng đặc hữu với hàng trăm loài kỳ hoa dị thảo, chim muông động vật quý hiếm, kỳ lạ.

Mùa đông, nhoáng một cái mà chiều đã buông màn sương tím mờ, mọi vật như được nhìn qua tấm voan mỏng manh vẻ đẹp sương khói, như sót lại dấu vết của không gian huyền thoại Ba Vì - 3 đỉnh núi cao nhất của miền này.

 Theo Giadinh.net