Khởi hành từ thành phố Huế buổi sáng, sau hơn 60 phút đi ô tô vượt đèo La Hy, du khách sẽ tới thôn Dỗi, thuộc xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế. Ở đây, du khách được đắm mình trong tiếng chim ríu rít gọi đàn, tiếng hú của bầy vượn, tiếng róc rách của suối… Ở cổng làng, trước sân ngôi nhà Guơl truyền thống, khách sẽ được chào đón bằng những tiết mục múa, hát, thổi nhạc cụ truyền thống rất đặc sắc của đồng bào dân tộc.
|
Thác Kazan hùng vĩ. Ảnh: Internet |
Nếu đã quen nghe những âm thanh từ dưới xuôi, chắc hẳn, khách khó lòng nhịn cười khi thấy cảnh ông Trần Văn Đinh, trưởng Ban quản lý khu du lịch, người thổi kèn sừng dê hay nhất thôn Dỗi, nói oang oang bằng một tràng tiếng Việt lơ lớ: "Bà con thôn Dỗi kính chào khách quý. Mời khách quý thưởng thức các điệu múa, lời ca của đồng bào Tà Ôi...".
Tiếng cồng chiêng nổi lên ngay sau lời giới thiệu. Tốp múa của trẻ em thôn Dỗi từ từ tiến ra giữa sân. "Diễn viên" vừa diễn, ông Trần Văn Đinh lại say sưa thuyết minh, khách say sưa hoà mình nhún nhảy trong tiếng nhạc.
|
Màn tấu nhạc "chào khách" của người Tà Ôi. Ảnh: Internet |
Ông Đinh nói nếu chép ra kín cả trang giấy, người phiên dịch chỉ dịch lại có mấy câu cụt ngủn nhưng khách vẫn gật gật đầu xem chừng hiểu và thích thú. Không có vấn đề gì, tiếp nhận văn hoá đôi khi không cần phải có ngôn ngữ! Đến giờ phút này, giữa chủ và khách, khoảng cách về địa lý, ngôn ngữ, văn hoá... chỉ còn lờ mờ như sương khói.
Sau màn "chào hỏi", du khách sẽ giao lưu với người dân địa phương trong ngôi nhà Guơl, đi thăm làng, qua đám lá mục, đi lắt léo qua những tảng đá gập ghềnh để đi chơi thác Kazan, cùng nấu ăn chung với nhau. Đồng bào mời khách những món ăn mà chỉ nghe đã thấy … "khoái", như lợn nướng, cơm ống tre, cá suối nướng … Đặc biệt, tại đây, du khách sẽ được mua sản vật địa phương gồm mật ong rừng, thổ cẩm, hàng đan lát chính hiệu của người Tà Ôi.
Nếu có cơ hội, bạn nên thử nán lại một đêm, ngủ trong nhà Guơl truyền thống. Du khách ngồi quanh bếp lửa bập bùng, nghe chuyện từ thời mở đất của người Tà Ôi ở Nam Đông. Đêm khuya, khi tiếng nói của con người đã bắt đầu hoà trong sương khuya lạnh buốt, thì từ chốn rừng sâu, tiếng tác của con mang, con nai lại cất lên.
Nếu là người may mắn, giữa đêm khuya, bạn có thể nghe được tiếng kèn sừng dê, tiếng gió rít qua vách đá cùng xào xạc của gió rừng… Kết thúc giấc ngủ muộn giữa vùng trung du, bạn sẽ thức dậy cùng tiếng chim muông và hương rừng thoảng trong sương gió…
Theo Giadinh.net