Bên bến sông Giăng
Các Website khác - 28/07/2008

Ngược sông Giăng một ngày cưỡi sóng nước, thêm yêu vùng đất và kính nể bội phần những người bản địa.

Sông Giăng – con sông trải dài trên 100km bao quanh vườn quốc gia Pù Mát (Con Cuông - Nghệ An). Từ đập Phà Lài (xã Môn Sơn), ngược sông Giăng bằng xuống máy mất 2 giờ đồng hồ mới vào được bản tái định cư của người Đan Lai - một dân tộc thiểu số ít người của miền Tây xứ Nghệ. Nằm trong quần thể VQG Pù Mát với hệ sinh thái phong phú và đa dạng bậc nhất Việt Nam, chính bản thân con sông Giăng cũng là một kỳ quan mà tạo hoá ưu ái dành cho huyện nghèo miền Tây xứ Nghệ.

Đập Phà Lài- công trình thuỷ lợi lớn nhất Con Cuông. Chiết tự tiếng Thái: Phà có nghĩa là trời, Lài là hoa. Phà Lài có nghĩa là “hoa của trời”. Từ khi có đập Phà Lài, con sông Giăng mới được thuần hoá, và đường vào bản tái định cư Cò Phạt, Khe Khặng của hơn 70 hộ gia đình dân tộc thiểu số Đan Lai mới bớt xa xôi…

Dòng sông mềm mại xuất phát từ biên giới Việt – Lào, không chỉ là đường giao thông độc đạo vào vùng lõi Pù Mát, mà còn là nơi kiếm sống mưu sinh của những người dân bản địa.

Con sông Giăng thực sự là một điều bí ẩn đối với con người. Nước sông xanh ngắt. Lòng sông đầy sỏi to, sỏi nhỏ, đá cuội… Đối với một chiếc thuyền độc mộc, dù có chạy máy nổ, đó cũng là cả một thử thách.

Người hoa tiêu lúc nào cũng phải chăm chắm nhìn về phía trước. Không chỉ hướng đạo, mà còn phải đấu lại trận địa sỏi thập diện mai phục dưới lòng sông và những đoạn cua tay áo… bằng cây sào nứa… Người điều khiểu tay máy cũng không bao giờ được rời mắt. Mắt nhìn sông, tay cầm cần máy chỉnh bánh lái.

Chiều sông Giăng. Đoạn dưới chân đập Phà Lài, nước lặng tờ như nhung. Dòng nước phẳng lặng vừa vượt qua cả trăm cây số đá hộc, đá sỏi…, như người nghỉ mệt.

Sông Giăng - Những cung bậc cảm xúc thay đổi theo từng khúc địa hình. Sông Giăng – đó còn là những phút lãng mạn, của cả một ngày cưỡi sóng ngược ngàn…

Thiên Bình

Ảnh Di Linh