Đậm đà ẩm thực miền Trung
Các Website khác - 24/07/2008

Một lần đến với “Con đường đặc sản” bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi hương vị miền Trung thể hiện trên từng món ăn ở đây. Những món ăn bình dị, dân dã mà đậm đà.

Với những món ăn mang hương vị miền Trung, Con đường đặc sản sẽ là điểm đến thú vị cho thực khách

Giữa lòng thủ đô Hà Nội, Con đường đặc sản nằm khuất mình trong một khuôn viên trầm lắng với chiếc đèn lồng lung linh mang hồn sắc của phố cổ Hội An. Hiện đại mà tinh tế, có lẽ vì thế mà thực khách đến đây thường lui lại nhiều lần.

Con đường đặc sản nằm trên đường Ngụy Như Kon Tum

Ngụ trên con đường cũng rất lạ mà gần - Ngụy Như Kon Tum (Nhân Chính), Con đường đặc sản là nơi thể hiện sự khát khao cháy bỏng muốn đưa ẩm thực miền Trung giới thiệu với khắp năm châu. Chủ nhân của ý tưởng này là chị Huỳnh Thị Hòa, 30 tuổi, thạc sĩ chuyên ngành tư vấn chứng khoán, chị tâm sự: Gần 10 năm xa xứ, chị được ăn rất nhiều món lạ của các vùng miền, nhưng “cái thèm” được ăn những món quê nhà luôn cồn cào trong chị. “Sục sạo” các món ăn miền Trung trên đất Hà Thành mà không sao tìm nổi hương vị thân thuộc ấy. Nung nấu ý tưởng mang hương vị ẩm thực miền Trung bắt đầu từ đó

Khuôn viên của cửa hàng khoáng đạt, nhẹ nhàng, có sức chứa lên đến 100 người

Con đường đặc sản trở thành nơi giao lưu gặp gỡ của nhiều người con đất Quảng ở chốn thủ đô náo nhiệt. Họ gặp gỡ nhau không chỉ vì tình quê nồng đượm mà còn là hương vị quê hương lẩn khuất trong từng món ăn. Khát khao được giới thiệu đúng hương vị ẩm thực miền Trung với con người Hà Thành tinh tế, chị Hòa cho mua hầu hết nguyên vật liệu ở chính đất Quảng quê chị. Như rau sống ở Hội An thứ thiệt, mỳ chợ Chùa (Duy Xuyên), tôm để làm nhân được bắt từ Cửa Đại và nước mắm Nam Ô nổi tiếng.

Chị nói, chị không muốn chỉ giới thiệu “tên gọi”của các món ăn miền Trung mà phải là “hương vị” của nó. Muốn có được hương vị ấy thì phải dùng đúng nguyên vật liệu của miền Trung, nếu dùng nguyên vật liệu ở ngoài Bắc sẽ không bao giờ có được “chất” miền Trung trong các món. Đầu bếp của cửa hàng cũng là một người con đất Quảng để có độ “thẩm”cao nhất trong hương vị của món ăn.

Cửa hàng có nhiều món để thực khách lựa chọn

Bánh Tráng thịt heo

Nếu ai một lần đến với Đà Nẵng hẳn không thể nào quên được hương vị của món bánh tráng cuốn thịt heo. Đã có bao nhiêu người ăn và viết nhiều về món ăn này. Món ăn có những nét rất đặc trưng: ngon miệng, hấp dẫn, đằm thắm nhưng gần gũi lạ. Trải bánh tráng lên lòng bàn tay, rau sống rải đều theo chiều ngang của bánh, tiếp đến là để miếng thịt - được chế biến rất đặc biệt với hai đầu là mỡ- Cuốn trên cái bánh như cách quấn nem, dùng kèm với thứ nước chấm đặc biệt….

Mỳ Quảng

Mỳ Quảng, từ lâu đã được biết đến như cái “hồn” nghệ thuật ẩm thực của xứ Quảng. Mỳ Quảng gắn với con người xứ Quảng, tâm hồn người Quảng, đất Quảng. Và ai đó có thể quên nhiều thứ theo thời gian, dòng đời nhưng không thể quên Mỳ Quảng… Mỳ Quảng cũng thường theo chân những người Quảng xa xứ và cùng họ có mặt khắp nơi như người bạn đồng hành tri kỷ. Mỳ Quảng thường có mặt trong những bữa tiệc "vọng cố hương" của người Quảng xa xứ.

Ăn mỳ quảng, cắn miếng ớt xanh giòn rụm, cay vừa phải nhưng lại ngọt, bóp miếng bánh tráng cho vào bát mỳ, như thế mới thấy cái thú. Mỳ quảng được ăn kèm với đĩa rau sống bao gồm hoa chuối, cải non, diếp cá, rau húng, thêm một ít giá, trông thật hấp dẫn làm sao. Bởi vậy mà người xứ Quảng không bao giờ nguôi với món ăn này…

Bê thui Cầu Mống

Đầu phía bắc cầu Câu Lâu trên quốc lộ 1A có xóm Cầu Mống (thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) luôn tấp nập. Người tứ xứ trên đường thiên lý Bắc-Nam có lẽ ai cũng biết "phố bê thui" Cầu Mống...

Gọi là bê vì người ta thường thui những con bò chưa trưởng thành, chỉ vài ba chục ký, vì bò lớn thịt sẽ cứng và không ngọt. Khác với tái là món thịt xắt tươi ra trụng vào nước sôi hoặc giấm, còn bê thui được thui bằng "than hoa" đốt từ cây rừng tạp. Khi thui quay đều con bê quanh trục nằm ngay trên lò than. Thỉnh thoảng dùng que sắt có mũi nhọn châm đều lên da để thoát nước và da không bị rách. Thịt trắng, dòn và nóng hổi, tất cả vị ngọt và giá trị dinh dưỡng của bê vẫn được giữ nguyên trong miếng thịt.

Bê thui phải được chấm với mắm nêm có pha thêm chanh tỏi, nhưng phải chắc chắn là mắm nêm của xứ này. Bê thui mà ăn với nước mắm nhĩ nguyên chất thì không thể được, hay chấm với nước tương của xứ Bắc chắc chẳng xong. Bê thui phải được ăn kèm với các loại rau sống đặc biệt và không thể thiếu lát chuối chát, trái ớt xanh chỉ tìm thấy ở vùng đất Quảng Nam.

Trần Diệu