Làn sóng Hàn quét qua Trung Quốc
Các Website khác - 06/01/2006

Tại Korea City, trên tầng cao nhất của trung tâm mua sắm Xidan ở Bắc Kinh, những quầy hàng nhỏ xíu bán đầy quần áo hip-hop, đĩa phim, nhạc, mỹ phẩm và những thứ đồ theo phong cách Hàn Quốc.

Thanh niên Trung Quốc mua sắm tại Korea City trên tầng thượng của trung tâm mua bán Xidan ở Bắc Kinh.
Thanh niên Trung Quốc mua sắm tại Korea City trên tầng thượng của trung tâm mua bán Xidan ở Bắc Kinh. (Ảnh: NYT)

Đối với những người Trung Quốc trẻ tuổi đang say sưa mua sắm, việc một số ít mặt hàng như mũ lưỡi trai kiểu Mỹ hay những con búp bê Astro Boy kiểu Nhật chẳng có gì liên quan đến Hàn Quốc là "chuyện nhỏ". Và dường như họ cũng không quan trọng chuyện hầu hết các thứ đồ này được sản xuất tại các nhà máy của Trung Quốc.

"Chúng tôi biết rằng các sản phẩm ở Korea City đều là hàng Trung Quốc", Wang Ying, 28 tuổi, người phụ trách chi nhánh địa phương của một công ty Mỹ cho hay. "Nhưng đối với nhiều người trẻ tuổi, 'Hàn Quốc' đồng nghĩa với thời trang và sành điệu. Vì thế họ cố bắt chước phong cách Hàn Quốc".

Từ quần áo đến đầu tóc, âm nhạc cho đến phim ảnh, Hàn Quốc định hình gu thưởng thức của nhiều thanh niên Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác hơn nửa thập kỷ qua. Một phim truyền hình dài tập về ẩm thực hoàng cung của Hàn Quốc mang tên "The Jewel in the Palace" (Báu vật Hoàng cung) đang đạt mức kỷ lục về số người xem ở châu Á. Ca sĩ Bi (Rain) 23 tuổi của Seoul đã hút được 40.000 người hâm mộ đến một buổi ca nhạc tại sân vận động ở Bắc Kinh hồi tháng 10.

Đối với một quốc gia vốn có truyền thống tiếp nhập văn hoá, đặc biệt từ Trung Quốc và cả Nhật, Mỹ, giờ đây Hàn Quốc đang ở điểm rẽ khi trở thành quốc gia xuất khẩu văn hoá.

Sự chuyển biến này bắt nguồn từ công cuộc dân chủ hoá của Hàn Quốc trong những năm 1980. Vì là quốc gia có nền dân chủ và kinh tế lớn mạnh, ảnh hưởng của họ tại châu Á cũng lớn dần lên.

Bản thân Hàn Quốc rất chọn lọc khi tiếp thu các giá trị phương tây nên họ càng dễ được chấp nhận ở Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác, những quốc gia có nền văn hoá tương đồng.

Bộ phim "Three Guys and Three Girls" và "Three Friends" là những phiên bản của bộ phim truyền hình nổi tiếng "Friends" của Mỹ. Để cạnh tranh với "Sex and the City" của Mỹ, Hàn Quốc cho ra bộ phim tương tự với tựa đề "The Marrying Type" nói về những phụ nữ ở tuổi 30 tìm kiếm tình yêu tại Seoul. Bộ phim này nổi tiếng ở Trung Quốc đến mức người ta download bất hợp pháp và in ra đĩa DVD để bán khắp nơi.

"Chúng tôi cảm thấy có thể biết về lối sống hiện đại trong những bộ phim đó", Qu Yuan, 23 tuổi, sinh viên đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh, cho hay. "Chúng tôi biết rằng Hàn Quốc và Mỹ có hệ thống chính trị và kinh tế tương tự. Nhưng lối sống của Hàn Quốc thì dễ chấp nhận hơn vì xét về mặt văn hoá, họ gần với chúng tôi hơn".

Jin Yaxi, 25 tuổi, tốt nghiệp đại học Bắc Kinh, cho biết: "Chúng tôi thích văn hoá Mỹ nhưng không thể chấp nhận nó một cách trực tiếp. Và chẳng có gì cản trở chúng tôi chấp nhận văn hoá Hàn Quốc, chứ không giống như văn hoá Nhật. Vì lịch sử giữa Nhật và Trung Quốc nên nếu thanh niên nào thích văn hoá Nhật thì bố mẹ họ sẽ nổi giận".

Giống như nhiều người Hàn Quốc khác, Oh Dong Suk, 40 tuổi, một nhà đầu tư game online tại Bắc Kinh, cho biết ông tin tưởng rằng văn hoá đại chúng là kết quả của quá trình dân chủ hoá của Hàn Quốc. "Nếu bạn xem những bộ phim từ những năm 1970, 1980, bạn sẽ thấy đó là một xã hội bị kìm toả", Oh nói.

Cho đến trước khi hai nước bình thường hoá quan hệ vào năm 1992, Hàn Quốc vẫn là một hình ảnh xa lạ đối với hầu hết người dân Trung Quốc.

"Nếu một chiếc vô tuyến của Nhật tự nhiên tắt ngúm, người Trung Quốc nghĩ là đường dây điện bị làm sao đó", Ohn Dae Sung, chủ nhà hàng Hàn Quốc Suboksung và sống ở Bắc Kinh từ năm 1993, cho hay. "Nhưng nếu vô tuyến của Hàn Quốc mà tịt thì họ nghĩ ngay là chiếc vô tuyến đó có vấn đề".

Làn sóng Hàn Quốc đã bám rễ từ trước đó với sự kiện Olympics ở Seoul năm 1988 và tổng thống dân sự đầu tiên được bầu năm 1992. Sự thay đổi về xã hội thường phải mất vài thập kỷ ở những nơi khác thì tại Hàn Quốc, quá trình này chỉ diễn ra trong vài năm. Nó đã gây ra sự căng thẳng vì các vấn đề về khoảng cách thế hệ và giới, khiến nước này trở thành một trong những nước có tỷ lệ ly dị cao nhất và tỷ lệ sinh thấp nhất.

Khi Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người dùng Internet cao nhất thế giới, các tờ báo trực tuyến thách thức các tập đoàn báo chí chính thống độc quyền. Không giống như các nước châu Á khác, Hàn Quốc đã động đến các chủ đề được cho là cấm kỵ như di sản của chính quyền quân sự và việc nước này cấu kết với Nhật dưới thời thực dân Nhật.

Nhờ làn sóng Hàn Quốc và hình ảnh mới của nước này mà bất kỳ thứ gì, chỉ cần có gắn chữ Hàn Quốc, là có thể sinh lợi tại quốc gia đông dân nhất thế giới. "Tôi chắc chắn là có sự liên quan dù chúng tôi không có con số chính xác", Jim Sohn, tổng giám đốc điều hành của LG Electronics tại Trung Quốc, nhận định.

Một công ty nữa đang hưởng lợi từ "hiệu ứng tích cực" của làn sóng Hàn Quốc là Hyundai, Um Kwang Heum, giám đốc chi nhánh của công ty này tại Trung Quốc cho hay. Dù tiến vào thị trường Trung Quốc khá muộn, Hyundai đã ký được thoả thuận liên doanh với một công ty ôtô của nước này năm 2002 và trở thành nhà sản xuất có doanh số thứ hai tại Trung Quốc.

Ngọc Sơn (theo NYT)