Đời có những cái thú hành xác người thường khó hiểu được. Bạn bè, người quen bảo là điên, rửng mỡ... khi chúng tôi, ba người ba xe máy, đường quang không đi, cứ thích đâm quàng vào bụi rậm.
Đó là tỉnh lộ ĐT 722, từ Đà Lạt vắt ra quốc lộ 27 đi Buôn Ma Thuột, một con đường đến dân đi bụi bằng xe máy (phượt) thứ thiệt cũng ngại, đặt cho cái tên là “Đại lộ Kinh hoàng”.
Ngày xưa, nó từng là con đường rừng của thổ phỉ, mòn một lối chân với cây che khuất mặt, ngáng chân, men theo những vách núi và miệng vực, vắt qua những con đèo âm u, lộn gấp xuống những thung lũng, suối lúc lên lúc xuống.
Vác balô và kéo xe lội bùn |
Vùng sâu vùng xa của huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, với những thôn có chục nóc nhà, phần lớn của đồng bào dân tộc Cil rải rác dọc đường từ Lán Tranh qua Đưng K’Nớ tới Đưng T’Ra ra Đạ Long.
Cả con đường này, dài khoảng 50km, nhưng chạy xe máy mất hai ngày, nhiều đoạn phải lết với tốc độ 2,5km/g. Đường đang mở từ phía Đà Lạt, đã sẻ núi san nền qua Cổng Trời tới gần Lán Tranh, được gần 20km, nắng thì bụi tung mù trời, mưa biến nó thành bãi lầy nhầy nhụa, qua được chỉ bằng cách lết, đẩy xe, khiêng, bê, vác...
Chia nhau những giọt nước cuối cùng giữa rừng |
Dân phượt thích đương đầu và vượt qua thách thức, như một cách sống, cách khám phá, tự làm mới mình. Nhưng lết trên đoạn đường khủng hoảng ấy, nhiều khi chỉ sống sót bằng niềm tin, bằng sự lạc quan tếu táo đối đầu với thách thức dường như đào khoét tới những giới hạn sức lực và tinh thần của con người.
Xe hỏng, tự sửa xe giữa rừng nơi không có sóng điện thoại để xin tư vấn. Một sợi dây dù mang theo là cứu cánh duy nhất, kéo nhau lết qua đoạn đường lầy. Đến sức trâu cũng kiệt, nhưng con người trong những hoàn cảnh ấy, lại tỏa sáng tình đồng đội và những kỹ năng để sống sót trong thiên nhiên hoang dã.
Chia nhau những miếng bánh và giọt nước cuối cùng, đã tính đến chuyện bỏ xe, ngủ lại trong rừng hoang như thế nào, chúng tôi may mắn lết được đến Lán Tranh, một thôn hẻo lánh giữa rừng, được mở ra ven đường vài năm nay, với những người Cil chất phác theo mẫu hệ.
Thôn Lán Tranh trong sương sớm |
Trở thành những lữ khách Việt đầu tiên ngủ lại trong thôn này, mới thấy lòng hiếu khách và chân tình của họ. Câu chuyện đêm khuya bên chiếu rượu, nghe anh Liêng Hót Hà Giang (Liêng Hót là họ mẹ) kể chuyện về sắc tộc Cil, phong tục tập quán, lịch sử của vùng đất này.
Anh ấy từng là giáo viên tiểu học, nên rành tiếng Kinh, theo đạo Tin Lành, bập bõm cả tiếng Anh. Theo lời anh, Cil là một một nhánh của dân tộc K’Ho. Họ có thể đoán được tiếng nói của nhau, nhưng thật bất ngờ lại có chữ viết riêng.
Chữ viết ấy, cũng giông giống như tiếng Việt, dường như lấy chữ quốc ngữ để phiên âm tiếng nói của người Cil. Theo anh Giang, nó có từ trước năm 1945 khá lâu. Chúng tôi đề nghị anh viết mấy chữ vào cuốn sổ của mình, để thấy mặt chữ thế nào. Và anh viết: “Chào mừng các bạn phượt”.
Ai cũng ái ngại khuyên chúng tôi không nên đi tiếp vì ngay cả người địa phương cũng ít ai đi thông tuyến con đường này. Họ thường chỉ đi từ hai đầu, vào đến làng của mình. Khúc giữa âm u ngày xưa chỉ có thổ phỉ, bây giờ thỉnh thoảng có người vào hái măng rừng.
Nhưng càng khó khăn lại càng hứng thú. Những khúc đường từ Lán Tranh qua K’Nớ hết lầy lội lại leo đèo đổ dốc ngoặt ngoẹo, mặt đường đầy đá hộc trơn tuột hay đất trơn, cát lở, nhiều đoạn qua vực hẹp và nghiêng như đi trên răng hổ.
![]() |
Kéo nhau lết qua Đại lộ Kinh hoàng |
Cái cảm giác nhiều lúc tưởng không thể đi được nữa, và cả những lúc thối chí nổi lên ý nghĩ quay về, giằng co. Nhưng không có đường lùi trên thực địa và cả những đường lui trong lòng người.
Tại sao người ta cứ thích đâm đầu vào khó khăn, có thể là để tiến tới tình huống không còn đường lui, để xác quyết trong lòng chỉ có một cách: tiến!
Và cảm giác òa vỡ khi bất ngờ ngoặt một cái thấy đường nhựa. Hò reo chiến thắng bản thân, người phóng bay vút, người ngậm ngùi quay nhìn đoạn đường gian khổ vừa đi qua.
Đôi khi thấy những cái trên đời rất bình thường, chả để ý nữa, nhưng lại là những mơ ước khát khao. Những bản làng xa xôi, đã có điện, có vài thứ khác nữa, nhưng những con đường nối với văn minh vẫn còn là một niềm khắc khoải.
Cùng nhau khiêng xe qua lầy |
Gặp những người Cil |
Những ván cây chống lầy |
Qua Cổng Trời |
Qua suối |
Trai làng giúp sửa xe |
Bữa rượu đêm ở Lán Tranh |
Xã Đưng K’Nớ |
Bài: MAI THẾ ĐÀO - Ảnh: LINH QUỐC DI
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
▪ Đầm Chuồn đêm ngàn sao... (06/11/2008)
▪ Hoang sơ biển Thuận Quý (05/11/2008)
▪ Suối cá thần kỳ lạ (05/11/2008)
▪ Vịnh Lan Hạ: 'gái trinh nguyên chưa gặp quân tử!' (05/11/2008)
▪ Hòn ngọc Penang (03/11/2008)
▪ Về Ninh Bình ăn dê núi (03/11/2008)
▪ 'Trọn gói mùa lễ hội' ở khách sạn Caravelle (03/11/2008)
▪ Lầu Ông Hoàng thành phế tích (01/11/2008)
▪ Luyện dáng chuẩn ở California Wow (01/11/2008)
▪ Mông Cổ hoang sơ (01/11/2008)