Náo nức Buôn Đôn
Các Website khác - 18/08/2008

Cách TP. Buôn Ma Thuột gần 50km về phía Tây - Bắc, Buôn Đôn vang danh là một vùng đất sản sinh ra những thợ săn bắt và thuần dưỡng voi đầy huyền thoại. 

Nép mình bên dòng Sêrêpôk hung hãn ầm ào dòng chảy suốt đêm ngày, Bản Đôn là điểm đến khá thú vị cho chuyến hành trình của bạn khi đến với vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió và đầy cả những dư vị cà phê say nồng.

Ốc đảo giữa dòng sông chảy ngược

Bản Đôn chính là cách gọi chung để chỉ hệ thống cụm du lịch của huyện Buôn Đôn gồm các khu du lịch thác Bảy Nhánh, vườn quốc gia Yok Đôn, khu du lịch Cầu Treo, hồ Đăk Min, vườn cảnh Trohbư... Tuy nhiên, điểm đến mà không du khách nào có thể bỏ qua khi đến với vùng đất phía Tây - Bắc của xứ sở cà phê này chính là ngôi làng nhỏ có cái tên Bản Đôn.

Nếu gọi tất cả những con sông đều chảy ra biển như là một chân lý, thì với dòng Sêrêpôk, điều đó lại chẳng hề đúng. Con sông với những dòng chảy lúc nào cũng như một con hổ dữ của núi rừng, gầm gào, như muốn vồ lấy và cuốn phăng tất cả mọi thứ. Và không theo những quy luật của mọi con sông khác, dòng Sêrêpôk lại chảy ngược về thượng nguồn và tuôn dòng chảy qua đất nước Chùa Tháp, để lại trên quãng đường của mình đi qua là những ốc đảo nổi lên giữa mặt sông.

Bản Đôn là một trong những ngôi làng được dựng lên trên những ốc đảo như thế. Ngay cái tên Bản Đôn theo tiếng Lào (sắc dân chiếm đa số ở đây khi còn sơ khai) có nghĩa là “Làng Đảo”. Người già kể lại, hàng trăm năm trước, nơi đây từng là một trong những điểm giao thương quan trọng của ba nước Đông Dương trên tuyến đường sông. Người Lào khi ấy, trong lúc ngược dòng sông buôn bán, bắt gặp mảnh đất này đã bị quyến rũ và ở lại cùng người Ê Đê bản địa xây dựng lên ở đây một ngôi làng trù phú đầy bản sắc.

Một bên sông là cuộc sống cộng đồng buôn làng êm ả, một bên là rừng đại ngàn Yok Đôn đầy bí ẩn, kỳ thú và như còn vang vọng những âm thanh hào hùng của các cuộc săn voi từ xa xưa.

Bản Đôn bây giờ là nơi chung sống của cộng đồng các sắc tộc: Ê Đê, M’nông, Gia Rai, Lào, Thái... và cả người Việt. Mỗi dân tộc một nền văn hóa, một bản sắc riêng nhưng lại giao hòa với nhau tạo cho Bản Đôn một sắc thái văn hóa rất khác biệt mà chỉ có đến và chiêm ngưỡng, du khách mới khám phá được những điều đặc biệt ở nơi này.

Vùng đất của những “vua voi”

Niềm tự hào lớn nhất của Buôn Đôn là kỹ năng săn bắt và thuần dưỡng voi rừng. Và cái “nghề” chẳng giống ai này lại là điểm đặc biệt khiến Buôn Đôn trở nên nổi danh khắp vùng núi rừng Tây Nguyên như là một xứ sở của những ông “vua voi”.

Đến đây, du khách sẽ được nghe những câu chuyện mang đầy màu sắc huyền thoại về những ông “vua voi”, về những chiến tích bắt và thuần dưỡng voi rừng. Không chỉ là những câu chuyện đầy tính huyền thoại, không chỉ gặp vua voi Amakong còn sống mạnh khỏe trong ngôi nhà sàn rộng lớn, huyền thoại về những ông “vua voi” càng trở nên chân thật hơn nếu du khách đến tham quan khu lăng mộ của các “vua săn voi” nằm cách trung tâm Buôn Đôn chừng 1,5 km.

Đó là một quần thể kiến trúc độc đáo pha trộn giữa nghệ thuật nhà mồ Tây Nguyên và kiến trúc lăng mộ của các dân tộc từ nơi khác đến. Khu lăng mộ này là nơi dành riêng cho những người có đẳng cấp săn voi thuộc vào hàng “kiện tướng”. Trong đó, mộ Khunjunob được xây dựng bề thế nhất, một khối vuông to bằng xi măng theo mô típ lăng mộ M’nông - Lào, nhưng lại là ngôi mộ có ít hoa văn trang trí nhất.

Những ngôi mộ của các “vua voi” khác nhỏ hơn nhưng trang trí cầu kỳ và sặc sỡ hơn. Và khi ra về, bạn cũng hãy đừng nên quên mua một vài chai rượu Amakong với phương thuốc bí truyền của ông vua voi đã trên 90 tuổi nhưng vẫn tràn đầy sức khỏe và vẫn có thể có... con với bà vợ trẻ hơn ông tới vài chục tuổi.

Hàng năm, nếu lên Buôn Đôn vào dịp tháng 3, du khách cũng sẽ được chứng kiến Hội đua voi đặc sắc và sôi động, với hàng chục chú voi từ khắp núi rừng Tây Nguyên hội tụ thi tài. Một ngày hội lớn không chỉ của Buôn Đôn mà còn của cả núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.

Một vùng non nước hoang sơ

Bản Đôn có rất nhiều thắng cảnh đẹp. Điểm đầu tiên du khách nên đến là nhà sàn cổ của vua voi Khunjunob. Đây là ngôi nhà có tuổi đời trên 115 năm, được làm theo kiến trúc nhà sàn của dân tộc Lào. Nhà được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ tốt của rừng già Buôn Đôn, đặc biệt nhất là ngay cả mái ngói cũng được đẽo gọt công phu từng viên bằng tay từ gỗ Cà Chít.

Vĩ đại nhất và có lẽ cũng là “vua voi” đầu tiên chính là Khunjunob, tên thật là T’thu K’nul, sinh năm 1828 và mất năm 1938. Ông chính là người khai phá và sáng lập Buôn Đôn. Trong suốt cả cuộc đời mình, T’thu K’nul đã săn bắt được hơn 400 con voi rừng, trong đó có một con bạch tượng. Ông tặng con voi trắng này cho vua Xiêm (Thái Lan ngày nay) và được vua Xiêm phong là “Khunjunob” (có nghĩa là vua săn voi).

Hậu duệ ba đời của ông cũng được vinh danh “vua voi” là Ama Kông, năm nay đã bước sang tuổi 92 vẫn còn sống mạnh khỏe. Những con voi mà Ama Kông mang về sau những ngày dài săn bắt ở rừng già Yok Đôn thời trai trẻ, vẫn còn đó và phục vụ khách du lịch đến Buôn Đôn mỗi ngày.

Trong nhà còn lưu giữ rất nhiều kỷ vật về cuộc đời và đồ nghề săn bắt voi của vị vua voi Bản Đôn và những người kế tục. Giá của ngôi nhà khi xây dựng là 10 con voi lớn và mất gần 3 năm để hoàn thành.

Hay khám phá khu vườn cảnh Trohbư với những con đường đi dạo quanh co uốn lượn theo các triền dốc, bờ hồ. Ở đây có cả một bộ sưu tập phong phú và đa dạng về cây, cỏ, hoa và lan rừng; có những ngôi nhà nhỏ đơn sơ mang đậm màu cổ tích nằm ẩn giữa tàn cây; có những tiểu cảnh đẹp làm điểm nhấn.

Cầu treo Buôn Đôn cũng là điểm đến thú vị với một cây cầu treo thô sơ bằng vật liệu tre nứa để phục vụ nhu cầu du lịch. Cầu được bắc trên một cây gừa cổ thụ khổng lồ hàng trăm năm tuổi, mọc ven bờ sông Sêrêpôk đoạn chảy qua Bản Đôn và trùm qua một đảo nhỏ giữa dòng Sêrêpôk. Cái cảm giác lắc lư theo nhịp chân lơ lửng trên cầu quả thật khiến du khách phải reo lên đầy phấn khích.

Hồ Đăk Mil cũng là một thắng cảnh đẹp của Buôn Đôn và cả của Đắk Lắk. Hồ nằm giữa trùng điệp những cánh rừng nguyên sinh. Rừng quốc gia Yok Đôn với những thảm rừng nguyên sinh đa dạng, nhiều động thực vật quý hiếm là điểm đến cho những du khách thích khám phá.

Cũng hãy đừng quên thưởng thức gà nướng Bản Đôn chế biến từ gà nuôi thả vườn được nướng tay và không ướp bất cứ một gia vị gì; khi ăn được chấm với muối, sả và ớt, thơm ngon và mang cả vị núi rừng ở trong đó.

Theo Sức Sống Mới