Malaysia với Kuala Lumpur, Malacca hay Genting có thể đã trở nên quen thuộc với nhiều khách du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, một Malaysia khác nằm ở phần lãnh thổ phía Đông nước này - trên bán đảo Sarawak và giáp ranh Brunei - có lẽ vẫn còn mới mẻ với khá nhiều người.
Bị thuyết phục trước lời giới thiệu của anh bạn người Malaysia về miền đất của những khu rừng nhiệt đới lâu đời nhất thế giới, chúng tôi đã đáp máy bay qua biển Đông để làm một chuyến “thám hiểm” Mulu - khu rừng quốc gia đã được ghi tên vào danh sách “Di sản thế giới” của UNESCO.
Ngủ giữa rừng
Một đoạn đường đi trong Royal Mulu Resort |
Không có nhiều lựa chọn về nơi ở nên chị em tôi đã đặt phòng tại Royal Mulu Resort qua mạng Internet trước khi đến, giá khá cao so với nhà trọ sinh viên mà chúng tôi vẫn thường ở mỗi khi đi du lịch bụi. Nhưng chúng tôi không phải tiếc vì mình đã chi hơi quá tay, bởi ngay từ khu resort ở bìa rừng này, rừng quốc gia Mulu đã thu hút mọi người từ lần chạm mặt đầu tiên.
Nằm ngay cổng vào rừng quốc gia Mulu, bên sông Melinau với dãy núi đá vôi làm nền, Royal Mulu Resort gồm nhiều căn nhà dài theo kiểu nhà truyền thống của người Sarawak. Đúng theo nghĩa đen, nhà dài là những căn nhà đủ dài để cho tất cả thành viên của một cộng đồng - thường là người một làng - sống với nhau dưới cùng một mái nhà. Nhà dài trông cũng giống nhà sàn của các dân tộc miền núi Việt Nam. Sàn nhà bằng gỗ, cách mặt đất hơn một mét, trần và mái nhà cao, hiên nhà rộng giúp nhà luôn thoáng mát trong cái nóng ẩm của khí hậu nhiệt đới.
Phòng chúng tôi ở nằm trong một căn nhà dài phỏng theo kiểu nhà của người dân tộc thiểu số địa phương: sàn gỗ, đồ đạc trong phòng cũng bằng gỗ hoặc bằng các sản phẩm của rừng như mây hay tre. Ban công gỗ đủ rộng để thoải mái ngồi hóng gió thổi lên từ sông Melinau. Từ phía kia của phòng, chúng tôi có thể trông thấy những rặng núi sừng sững - loại núi đá vôi đặc trưng của vùng Sarawak. Còn màu xanh của rừng thì dĩ nhiên có thể thấy từ tất cả các ô cửa sổ.
Màu xanh của rừng và màu trắng của núi đá vôi |
Các căn nhà dài trong khu nghỉ mát này được xây cách mặt đất khoảng ba mét và nối với nhau bằng một hệ thống đường đi bằng gỗ khá vững chắc. Cách xa các khu dân cư hiện đại, bởi Mulu không hề có hệ thống đường bộ nối với bất kỳ một thành phố nào khác gần đó, Royal Mulu Resort vẫn có tương đối đầy đủ các tiện nghi của một khu nghỉ dưỡng được xếp hạng. Thế nhưng trong một căn nhà dài giữa núi non, sông nước và muôn vẻ cây xanh, chúng tôi lại thấy mình thật sự đang sống giữa một khu rừng hàng triệu năm tuổi.
Và không có gì thư thái bằng một buổi chiều nằm dài lười biếng ngoài ban công, trông trời xanh và nắng xuyên qua lớp lá, nhắm mắt nghe bản hòa tấu của hàng trăm loại côn trùng, rồi chìm vào giấc mơ màng cho đến lúc bị đánh thức bởi tiếng xình xịch của mấy chiếc thuyền vang lên từ dưới sông Melinau.
Đi xuyên rừng
Đường đi trong rừng |
Thế nhưng mục đích chính của chúng tôi khi đến Sarawak là chinh phục vườn quốc gia Mulu, chứ không chỉ là nghỉ ngơi thư giãn. Và thế là mấy chị em hào hứng chuẩn bị hành trang cho một chuyến “thám hiểm” trong rừng nhiệt đới. Anh chàng hướng dẫn viên người địa phương khen chúng tôi nhiều kinh nghiệm sau khi nhìn qua một lượt những món chị em tôi đem theo, nhưng vẫn ghé trạm gác ngay bìa rừng lấy thêm nước uống và một hộp đựng đồ sơ cứu.
Chuyến đi thật ra không khó khăn như tưởng tượng của chúng tôi về một chuyến “thám hiểm” trong rừng rậm với những thân cây to gấp mấy lần vòng tay người lớn, rễ cây gân guốc vắt qua con đường mòn như những con rắn khổng lồ… Trừ cảm giác lắc lư chông chênh khi đi qua mấy chiếc cầu treo làm bằng gỗ và dây thừng - trông từ xa như được vắt từ cây này sang cây khác - đường đi khá dễ dàng bởi con đường xuyên rừng đã được đôn lên bằng bêtông, bằng phẳng và cao hơn hẳn so với mặt đất. Không khí trong rừng cũng không quá ẩm với những du khách đến từ một xứ nhiệt đới nên chuyến “thám hiểm” hóa ra nhẹ nhàng như một cuộc đi dạo trong rừng.
Khí hậu xích đạo nóng ẩm mưa nhiều đã tạo ra trong vườn quốc gia Mulu tầng tầng lớp lớp màu xanh. Trong khu rừng có diện tích gần bằng cả nước Singapore này có hơn 3.500 loài cây cỏ khác nhau. Và không có gì lạ khi đây cũng là nhà của hàng ngàn loại động vật, bò sát và côn trùng. Anh hướng dẫn thỉnh thoảng lại dừng lại chỉ cho chúng tôi thấy mấy chú họ nhà tắc kè đang thay đổi màu da để tránh kẻ thù, cây nắp ấm đang từ từ nhốt vài chú ruồi đi lạc, rễ của những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trồi lên khỏi mặt đất như một chiếc cổng vòm lớn, vài lá cọ to như chiếc dù, những loại lan rừng lạ mắt và cả những con sâu mập ú đang gặm lá rồm rộp.
Khi chúng tôi nói đùa với anh hướng dẫn rằng chúng tôi đã hy vọng sẽ nhìn thấy một con thú nào đó to hơn mấy chú tắc kè trong một khu rừng nhiệt đới, anh chàng cũng lém lỉnh không kém khi trả lời rằng cọp, beo hay sư tử, tê giác đều có đầy trong các sở thú, và rằng điều thú vị nhất của Mulu vẫn đang nằm sâu hơn trong rừng.
Chúng tôi cũng được ngắm rừng từ một góc khác khi đi thuyền dọc sông Melinau. Không phải là mùa mưa nên con nước khá hiền lành, nước trong xanh nên chúng tôi có thể nhìn thấy được cả đáy sông. Gió mát rượi, và hai bên bờ sông thuần một sắc màu xanh của cây cỏ. Thỉnh thoảng anh hướng dẫn dừng thuyền để chúng tôi lên bờ tham quan những ngôi nhà dài của dân địa phương. Có một đoạn sông trong mát và tất cả các thuyền đều dừng lại cho du khách tắm sông.
Đoạn sông Melinau nước trong xanh |
Anh hướng dẫn bảo nơi này có thể bơi được và tỏ ý tiếc khi biết chúng tôi không chuẩn bị đồ bơi. Vì không quen lắm với việc đi bơi ở một nơi nào không phải là bãi biển nên chị em chúng tôi chỉ xắn quần lên lội nước, vốc nước lên rửa mặt và nghịch ngợm khoát nước vào người nhau. Quả thật, chúng tôi tiếc rằng mình không thể đắm mình trong dòng Melinau nước trong vắt mát lạnh, lòng vẫn thắc mắc không biết nguồn của dòng nước ở tận nơi đâu.
Lòng rừng hé mở những điều kỳ thú
Miệng hang Deer với chân dung Abraham Lincoln nhìn nghiêng |
Nằm sâu trong rừng, trong lòng những dãy núi đá vôi là điểm thu hút du khách nhiều nhất ở Mulu: hệ thống hang động hình thành từ cách đây hàng triệu năm, dưới tác động của nước mưa và của các dòng chảy trong lòng hang. Hang động Mulu là nơi nắm giữ khá nhiều cái “nhất” thú vị, anh hướng dẫn khoe với chúng tôi rằng hang lớn nhất thế giới và hang dài nhất châu Á đều ở Mulu.
Mỗi chiếc hang mà chúng tôi tham quan đều là một cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ. Hang Nước Trong (Clear Water Cave) có hẳn một dòng sông trong lòng. Nước sông đã thấm qua tầng tầng lớp lớp đá vôi nên mát và trong như pha lê. Trong tưởng tượng của chúng tôi, con đường ngầm dưới nước dẫn vào Cổ Mộ của nàng Tiểu Long Nữ có lẽ cũng giống như thế này. Và thắc mắc của chúng tôi về đoạn sông Melinau trong đến mức mọi người ai cũng muốn bơi cũng đã có lời giải đáp.
Những hình thù kỳ lạ tạo thành từ thạch nhũ |
Hang Langs (Langs Cave) nằm ở cuối một đoạn đường đi bằng gỗ với cửa hang mở ra như miệng của một con quái thú đang há ra chờ mồi, thạch nhũ trong hang tựa những chiếc răng sắc nhọn trong chiếc miệng háu đói. Nhưng cũng những hình thù tạo ra do đá vôi kết tụ ấy, dưới ánh đèn trong hang và từ những góc nhìn khác khi trông giống một khu rừng, lúc như một dòng thác, lúc lại tựa chiếc rèm mềm mại buông xuống từ trên cao…
Hang Deer (Deer Cave) cách đấy không xa lắm, ngược lại, là một hang tối. Hang không được chiếu sáng một phần là do đây là nơi trú ẩn của hàng triệu triệu con dơi. Trong hang có hơn 12 loài dơi khác nhau sinh sống, nhưng chúng tôi hầu như không thể nhìn thấy chúng trong hang tối và rất lớn này. Tuy nhiên, dấu ấn của chúng trong hang thì lại khá rõ ràng: chất thải của chúng trải một lớp dày dưới chân, có nơi là từng gò hay từng đụn, bốc mùi nồng hắc khó chịu. Khi mắt đã quen với bóng tối trong hang, chúng tôi thích thú nhận ra rằng bên trong hang có cả rừng cây, đồi và thung lũng, đồng cỏ và lạch nước.
Vẫn chưa hết ngạc nhiên, chúng tôi nhìn theo hướng tay anh hướng dẫn chỉ về phía miệng hang. Thật khó có thể hình dung mức độ hùng vĩ của hang Deer qua những con số cụ thể như dài 2km, rộng 150 mét, cao 120 mét khi đang ở trong lòng hang tối. Chúng tôi chỉ biết mình là những người tí hon khi ngước mắt lên nhìn toàn cảnh miệng hang - mà bản thân cũng là một kỳ quan với chân dung Tổng thống Abraham Lincoln nhìn nghiêng, kết quả của quá trình phong hóa đá tự nhiên từ hàng triệu năm nay.
Đàn dơi rời hang đi kiếm ăn |
Điều thú vị mà anh hướng dẫn hứa hẹn cũng chính là dơi. Đúng sáu giờ khi trời chập choạng tối, chúng tôi và tất cả các nhóm du khách khác tụ tập ở trạm quan sát để chờ xem dơi rời hang Deer đi kiếm ăn. Từ trong hang từng đàn dơi bay ra, lúc đầu mỏng như một dải lụa, dần dần dày lên như một cột khói nhà máy màu đen. Dường như có một sự thống nhất đến mức cao độ, hay một sự tôn trọng kỷ luật tuyệt đối của từng cá thể, nên đàn dơi cả triệu con tạo thành một màn đồng diễn đẹp lạ kỳ trên không.
Sau khi no bụng với côn trùng và trái cây rừng, chúng sẽ quay trở lại hang khi trời hửng sáng. Trung bình một con dơi mỗi đêm ăn từ 5 đến 10gr côn trùng, chúng tôi nhẩm tính rồi nhìn nhau phá lên cười khi nhớ lại đám chất thải của hơn ba triệu con dơi trong hang Deer. Tuy nhiên, đây lại là môi trường sống của nhiều loài vi sinh vật, thực vật trong hang cũng sẽ được hưởng lợi từ đấy. Một bài học sinh động về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các loài sinh vật trong một hệ sinh thái.
Tham quan nhà dài của người địa phương và mua đồ lưu niệm |
Chúng tôi lên đường quay trở lại khu resort của mình khi mặt trời đã tắt. Trên đoạn đường ra, anh hướng dẫn để ý nhặt từng chai nước không, từng chiếc lõi táo ai đó “để quên” trong rừng. Chúng tôi cố gắng chỉ để lại những dấu chân của mình trên đường đi, và mang về nhà thật nhiều điều đáng nhớ về Mulu.
Theo NGUYỄN HƯƠNG MAI
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
▪ Côn Đảo: thêm một lần ngó nghiêng (26/08/2008)
▪ Thăm tàu cổ thủy cung (26/08/2008)
▪ Giấc mơ trưa ở Vườn Xoài (23/08/2008)
▪ 'SBC' ở Tràm Chim (23/08/2008)
▪ Xả 'xì-trét' ở Cúc Phương (22/08/2008)
▪ Phan Rang xứ của rượu nho! (22/08/2008)
▪ Trắng trong Mù Cang Chải (20/08/2008)
▪ Bình Thuận tưng bừng lễ hội nghinh Ông Quan Thánh (20/08/2008)
▪ Lên chơi Hòn Kẽm, Đá Dừng (19/08/2008)
▪ Hòn Sơn Rái với nước mắm cá cơm sọc (19/08/2008)