Chị Vinh ở Cầu Giấy, Hà Nội, đến Bệnh viện Việt Nhật để tìm hiểu về dịch vụ thai sản ở đây. Chị vừa mở miệng hỏi "em muốn tư vấn về sinh con", cô nhân viên bệnh viện đã quát: "Ra ngay khỏi đây".
Mang thai được 4 tháng, nghe tiếng dịch vụ thai sản ở Bệnh viện Việt Nhật chất lượng khá mà chi phí cũng dễ chấp nhận, chị Vinh muốn đến tìm hiểu để đăng ký sinh con ở đây. Theo sơ đồ hướng dẫn, khu sản phụ khoa ở tầng 3. Gặp mấy nhân viên áo trắng đứng trong hành lang, Vinh vừa hỏi: "Chị ơi, em muốn được tư vấn về sinh con..." thì một cô đã quát: "Ra ngay khỏi tòa nhà này!". Chị Vinh hỏi lại là muốn tư vấn về việc này thì đến đâu, nhưng chưa nói hết câu đã bị cắt ngay: "Điếc à, ra khỏi đây ngay".
Biết mình nhầm chỗ, Vinh im lặng rút lui, lần mò một lúc cũng tìm đến đúng khu sản phụ và trình bày ý nguyện của mình. Cô nhân viên tiếp chuyện chị gạt đi: "Có khám thì khám, không tư vấn tư viếc gì hết". Vinh giải thích là mình vừa khám cách đây vài ngày, vì muốn sinh con ở Việt Nhật nên đến hỏi han tìm hiểu về dịch vụ của bệnh viện thôi, nhưng cô nhân viên dứt khoát bảo muốn hỏi gì cũng phải đăng ký vào khám.
Ảnh minh họa: Anh Tuấn |
"Mình tuổi tác chưa nhiều bị mắng đã đành, ngay cả người già cũng không được một lời tử tế" - Vinh bức xúc. Cũng trong một lần vào Bệnh viện Việt Nhật, chị tận mắt chứng kiến: Có bà cụ đi theo một nhân viên y tế để hỏi gặp bác sĩ Vân. Cụ hỏi mấy lần nhưng cô gái trẻ cứ làm lơ không trả lời. Một lát sau, chừng như thấy "điếc tai", cô mới quay lại gắt: "Điên à, có bao nhiêu bác sĩ Vân, ai biết được bác sĩ Vân nào?".
Nhân viên y tế gắt gỏng với bệnh nhân không phải chuyện chỉ thấy ở một vài bệnh viện. Chị Điệp (26 tuổi, sống ở quận Hoàng Mai) từng đưa cậu con trai hơn 1 tuổi đến khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Chị đoán con đau bụng vì thằng bé suốt đêm không ngủ yên, cứ trăn trở mãi, xoa bụng thì nằm yên. Sáng ra, nó chỉ vào bụng kêu đau. Nữ nhân viên ngồi sau quầy làm thủ tục hỏi: "Đau gì?". Chị Điệp trả lời là đau bụng và lập tức bị mắng: "Sao cô dám bảo là nó đau bụng, cô làm sao mà biết nó đau gì?". Điệp định trình bày những biểu hiện của con nhưng bị gạt phắt: "Đo nhiệt độ chưa?". "Dạ cháu không sốt". "Buồn cười nhỉ, không đo mà cô biết nó không sốt à, mang con đi khám thì phải đo nhiệt độ chứ".
Còn chị Hồng Nhung, làm việc ở một công ty truyền thông tại Hà Nội, thì suýt ngất trong một lần đi khám phụ khoa ở Bệnh viện Phụ sản. Khi khám và xét nghiệm xong, chị nộp sổ chờ đến lượt bác sĩ gọi vào chẩn đoán bệnh. Một lát, nghe gọi "Nhung đâu?", chị vào phòng. Bác sĩ bảo: "Tắc vòi trứng rồi vì cô đã nạo thai 2 lần...". Bệnh nhân phát hoảng: "Đâu có, em mới có thai lần đầu, em chỉ khám phụ khoa mà?". Bác sĩ cáu: "Cô còn cãi à, sổ ghi rành rành ra đây này". Phải một lúc sau, bà bác sĩ mới nhận ra Nhung ở trong sổ là Tuyết Nhung chứ không phải Hồng Nhung. Và bệnh nhân lại bị mắng vì cái tội chưa gọi đến tên mình đã vào. Chị Nhung cho rằng, nếu khi gọi tên người bệnh, y bác sĩ cứ đọc đầy đủ cả họ hoặc ít ra là cả tên lót thì không có sự nhầm lẫn như thế.
Theo khảo sát của VnExpress, có đến 80% độc giả từng bị nhân viên y tế quát mắng khi đến khám chữa bệnh; trong đó có đến 44% lâm vào tình trạng này rất nhiều lần. Trong số những người chưa bị y bác sĩ nói nặng lời bao giờ, gần 2/3 cho biết người nhà của họ từng bị mắng mỏ khi vào bệnh viện. Trong khảo sát này, số người chưa từng biết đến thái độ hách dịch của nhân viên y tế chỉ chiếm gần 8%.
"Địa điểm vàng" của các vụ quát tháo bệnh nhân thường là phòng khám, nơi luôn luôn tấp nập người ra vào. Tuy hầu hết các bệnh viện, phòng khám đều có sơ đồ và bản hướng dẫn thủ tục khám chữa bệnh nhưng không phải lúc nào chúng cũng được đặt ở vị trí mà người bệnh dễ dàng nhìn thấy. "Nhiều khi tôi đọc hướng dẫn rồi nhưng trong quá trình làm thủ tục lại phát sinh những tình huống không có trong hướng dẫn nên phải hỏi, và dễ ăn mắng lắm" - ông Long, 56 tuổi, sống ở Thanh Xuân, than thở.
Ông Long cũng so sánh thái độ của y bác sĩ ở các cơ sở y tế công với các cơ sở tư. Có lần ông đi khám ở một trung tâm tư nhân quận Hoàn Kiếm. Vì bệnh nhân đăng ký khám nội khoa ở phòng giáo sư quá đông nên mặc dù đi từ 8h sáng nhưng đến gần 1h chiều, ông mới hoàn tất việc khám, xét nghiệm, tư vấn và nhận đơn thuốc. Tuy mệt nhưng ông thấy hài lòng vì nhân viên ở đây tận tình hướng dẫn từng khâu một, thỉnh thoảng lại "xin bác thông cảm chờ một chút vì hôm nay bệnh nhân đông quá".
"Nhiều phòng khám tư uy tín cũng đông lắm, nhưng tuyệt nhiên không quát bệnh nhân bao giờ. Vì vậy, thật khó chấp nhận lý do vì bận mới gắt gỏng mà các bệnh viện công đưa ra" - ông Long kết luận. Đây cũng là quan điểm của rất nhiều người từng đi khám chữa bệnh.
* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Hà Vĩnh
Ý kiến của bạn?▪ Hàng Bạc-Phố nghề kim hoàn của Hà Nội (31/03/2006)
▪ 5 người chết do sét đánh (03/04/2006)
▪ Du học sinh trở về không phải là sự hy sinh (03/04/2006)
▪ Chuyện kể của các thợ mỏ vừa được hồi sinh (03/04/2006)
▪ Gần 70 tỷ đồng sửa chữa quốc lộ 50 (03/04/2006)
▪ Đình chỉ sinh hoạt Đảng của ông Nguyễn Việt Tiến (03/04/2006)
▪ 'Biến hóa' với thời trang công sở (03/04/2006)
▪ 9 mặc cảm cần vượt qua (03/04/2006)
▪ Muốn xấu xí thì hãy ăn thật khuya (03/04/2006)
▪ Bí quyết chọn giày xịn (03/04/2006)